Nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), 70 năm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/05/1954 -07/05/2024) và 25 năm ngày Thành lập Hội Cựu chiến binh Trường Đại học Xây dựng (15/12/1999 - 15/12/2024), được sự đồng ý và ủng hộ của Đảng uỷ, Ban Giám hiệu, từ ngày 12 đến ngày 15/12/2024, Hội Cựu chiến binh Trường Đại học Xây dựng Hà Nội (ĐHXDHN) đã tổ chức Chương trình Sinh hoạt Hội và Hành trình dã ngoại ôn lại những trang sử hào hùng, tiếp lửa truyền thống Bộ đội Cụ Hồ “Về với Điện Biên sau 70 năm chiến thắng”.
Từ Hà Nội, Đoàn đi tới thành phố Lào Cai, qua Quốc lộ 4D, dọc theo biên giới phía Bắc tới Sapa. Tại đây, vào tối ngày 12/12/2024 Hội đã tổ chức sinh hoạt thường kỳ, tổng kết công tác Hội năm 2024 và đề ra phương hướng hoạt động năm 2025.
Sinh hoạt và trao bằng khen của Hội CCB Trường ĐHXDHN
Sau đó, Đoàn tiếp tục hành quân qua Phong Thổ rồi theo quốc lộ 12 qua thành phố Lai Châu, Mường Lay về Điện Biên.
Hội CCB Trường ĐHXDHN dừng chân trên quảng trường Hồ Chí Minh tại thành phố Lai Châu
Đoàn đã vào thăm Hầm Đờ Cát (De Castries), Khu chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ năm xưa. Hầm Đờ Cát vốn có tên gọi như vậy vì đây từng là hầm chỉ huy của tướng Đờ Cát trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Hầm được xây dựng kiên cố và nằm ở trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, thuộc cánh đồng Mường Thanh, cuối đường băng Sân bay Điện Biên.
Hội CCB Trường ĐHXDHN thăm hầm Đờ Cát
Đoàn thăm Cầu Mường Thanh - Nơi ghi dấu chiến công lịch sử, cây cầu kết nối tuyến đường vận chuyển nguyên vật liệu, đạn dược phục vụ cho việc xây dựng các điểm phòng ngự ở phía Đông của quân Pháp tại Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Cũng chính tại cây cầu này, chiều 07/5/1954 đã đón những bước chân quân đội Việt Nam xông vào hầm chỉ huy bắt sống tướng Đờ Cát.
Hội CCB Trường ĐHXDHN thăm quan cầu Mường Thanh
Tiếp theo, Hành trình Đoàn tới Đồi A1, một trong những điểm di tích nổi bật huyền thoại, thuộc Di tích quốc gia đặc biệt chiến trường Điện Biên Phủ. Nơi đây, trong 39 ngày đêm đã diễn ra nhiều trận giao chiến ác liệt, giành giật từng tấc đất, từng mét chiến hào giữa quân ta với quân giặc. Hơn 2.500 người con ưu tú của dân tộc Việt Nam đã dâng hiến tuổi thanh xuân và sinh mệnh của mình cho chiến dịch đến ngày toàn thắng. Máu của các anh thấm đẫm từng tấc đất, ngọn cỏ, hòa vào lòng đất mẹ yêu thương, làm nên A1 linh thiêng, huyền thoại, với khúc tráng ca bất tử Điện Biên Phủ anh hùng:
“Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc
Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia”.
Hội CCB Trường ĐHXDHN tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ Điện Biên
Trong tiết trời se lạnh cuối đông, Hội Cựu chiến binh cùng Đoàn tham quan Trường ĐHXDHN đã viếng nghĩa trang liệt sỹ Điện Biên. Trước tượng đài Tổ quốc ghi công, Đoàn đã dâng hương và dành phút tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống làm nên chiến thắng Điện Biên chấn động Địa cầu. Đoàn đã bồi hồi tưởng nhớ tới Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng huyền thoại, Tổng tư lệnh của Quân đội nhân dân Việt Nam, tưởng nhớ anh hùng Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót và các chiến sĩ đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do cho Tổ quốc.
“Chín năm làm một Điện Biên
Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”
Hội CCB Trường ĐHXDHN thắp hương mộ Anh hùng liệt sỹ Bế Văn Đàn
Một trong những điểm đến vô cùng ý nghĩa, mang ấn tượng không thể nào quên trên hành trình Đoàn Cựu chiến binh Trường ĐHXDHN là Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nơi tôn vinh giá trị lịch sử của chiến thắng Chiến thắng Điện Biên lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Hội CCB Trường ĐHXDHN thăm quan Bảo tàng chiến thắng Điện Biên
Trên đường đi, Đoàn Cựu chiến binh ĐHXDHN còn vượt qua dốc Pha Đin, nơi 70 năm xưa “Chị gánh anh thồ…, anh hò chị hát”, nơi ghi dấu ấn của “Đoàn quân hỏa tuyến”, với những dòng người như thác nước đổ, dùng xe đạp gia cố trở thành ngựa sắt chở hàng tiếp tế cho Điện Biên Phủ, giúp quân đội ta quyết chiến với quân Pháp.
Chuyến hành quân về cội nguồn “Về với Điện Biên sau 70 năm chiến thắng” mang đậm chất lính, đầy nghĩa tình. Trên hành trình, cả Đoàn như được hóa thân thành các anh Bộ đội Cụ Hồ đang trên đường hoạt động cách mạng, tại mảnh đất cách mạng năm nao. Suốt chặng đường đi, anh em kể lại những câu chuyện chiến đấu hào hùng và những chuyện vui đủ loại hài hước như những nhà văn, nhà quân sự thực thụ.
Tuy nhiên, qua chuyến đi, mọi người vẫn còn một trăn trở. Trường ĐHXDHN đã đóng ghóp rất nhiều cho kháng chiến. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, nhiều người đã xếp bút nghiên lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Các anh đã chiến đấu anh dũng tại những chiến trường ác liệt nhất: Đường 9 Khe Sanh, Thành cổ Quảng Trị, Chiến dịch Tây Nguyên, Ấp Đá Biên, Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam thống nhất Đất nước. Sự hy sinh của các thế hệ sinh viên Trường ĐHXDHN là rất lớn, nhưng đến nay, chúng ta (ĐHXDHN) vẫn chưa có Tượng đài sinh viên, hay chưa có công trình nào xứng đáng ghi nhận sự hy sinh đó, như thầy Hoàng Văn Tần trăn trở: Làm gì để Trường ĐHXDHN có được danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân?
Chuyến hành quân về cội nguồn “Về với Điện Biên sau 70 năm chiến thắng” của Hội Cựu chiến binh Trường ĐHXDHN đã thành công và đã kết thúc tốt đẹp. Qua chuyến đi, mọi người hiểu thêm về cội nguồn cách mạng Dân tộc, đồng thời, càng thêm tự hào về truyền thống vẻ vang, bất khuất của Quân đội nhân dân Việt Nam./.
Bài & ảnh: Trần Đình Thoả, Trần Đình Trọng - Hội CCB Trường ĐHXDHN.