Hoạt động chung

Tọa đàm chuyên môn về “Công nghệ quan trắc địa kỹ thuật và hệ thống cảnh báo sớm hỗ trợ quản lý an toàn trong thi công xây dựng công trình tại Việt Nam”

Chiều ngày 10/01/2025, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội (ĐHXDHN) đã tổ chức Tọa đàm chuyên môn về “Công nghệ quan trắc địa kỹ thuật và hệ thống cảnh báo sớm hỗ trợ quản lý an toàn trong thi công xây dựng công trình tại Việt Nam”. Tọa đàm là một hoạt động của Dự án ASSM "Khảo sát xác minh kinh doanh với khu vực tư nhân cho mục tiêu phát triển bền vững đối với công nghệ thiết bị giám sát và hệ thống cảnh báo hỗ trợ quản lý an toàn trong thi công cơ sở hạ tầng tại Việt Nam". Dự án do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) viện trợ không hoàn lại thông qua Công ty TNHH Toyoko Elmes trong khuôn khổ Chương trình “Khảo sát xác minh với khu vực tư nhân để phổ biến công nghệ Nhật Bản”.

Tham dự Tọa đàm có TS. Norikazu Shimizu - Giáo sư danh dự Đại học Yamaguchi, Cố vấn trưởng của Dự án cùng các chuyên gia của Công ty Tokyo Elmes và Công ty TNHH Kokusai Kogyo. Về phía Trường ĐHXDHN có: GS.TS. Nguyễn Hoàng Giang - Phó Hiệu trưởng; ThS. Nghiêm Hà Tân - Phó trưởng Phòng Hợp tác Quốc tế; PGS.TS Hồ Ngọc Khoa - Trưởng Bộ môn Công nghệ và quản lý xây dựng; PGS.TS. Trần Quang Dũng - Khoa Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp, Phó Trưởng nhóm Dự án phụ trách chuyên môn cùng các thành viên Dự án. Về phía khách mời có chuyên gia PGS.TS. Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam; Ông Vũ Quang Duẩn - Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng và nhiều chuyên gia, nhà khoa học đến từ các tập đoàn, công ty xây dựng, các hiệp hội, cơ sở nghiên cứu và đào tạo như Trường Đại học Thủy lợi, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Hiệp hội các nhà thầu Xây dựng Việt Nam, Tập đoàn xây dựng Delta, Công ty Tư vấn CONINCO, Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings, …

Phát biểu tại Tọa đàm, GS.TS Nguyễn Hoàng Giang nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến, hiện đại vào công tác quan trắc địa kỹ thuật và cảnh báo sớm trong quản lý an toàn khi thi công công trình tại Việt Nam. Làm thế nào để thúc đẩy áp dụng các giải pháp công nghệ này vào thị trường xây dựng tại Việt Nam cũng là một vấn đề cần quan tâm, trao đổi. Bên cạnh yếu tố kỹ thuật công nghệ thì các vấn đề pháp lý, chi phí, thói quen, mức độ quan tâm của các bên liên quan dự án,… đều có thể ảnh hưởng đến quyết định và sự thành công của quá trình áp dụng các giải pháp công nghệ này vào các dự án tại Việt Nam. Dự án ASSM là một trong những dự án lớn được JICA tài trợ và Trường ĐHXDHN chủ trì thực hiện được định hướng để trả lời cho các câu hỏi trên.

Tại Tọa đàm, các chuyên gia đã cùng trao đổi về những nội dung: Vai trò của quan trắc địa kỹ thuật trong quản lý an toàn trong thi công xây dựng công trình; Giới thiệu về thiết bị công nghệ quan trắc địa kỹ thuật và cảnh báo sớm của Nhật Bản; Thực trạng ứng dụng giải pháp quan trắc địa kỹ thuật và cảnh báo sớm tại Việt Nam và các giải pháp thúc đẩy ứng dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến vào hoạt động này tại thị trường Việt Nam; Trao đổi về hướng dẫn kỹ thuật quan trắc địa kỹ thuật và cảnh báo sớm phục vụ quản lý an toàn trong thi công hố đào mở.

Với vai trò chuyên gia, PGS.TS Trần Chủng cũng đánh giá rất cao tiềm năng và tính hiệu quả của công nghệ quan trắc mới nhưng ông cũng lưu ý một số vấn đề chính cần được tập trung nghiên cứu trong thời gian tới, đó là: Cần phân tích rõ bài toán kinh tế kỹ thuật; Xây dựng chính sách thích hợp; Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để xây dựng và ban hành các chỉ dẫn kỹ thuật và cần nghiên cứu về mặt kỹ thuật công nghệ để áp dụng vào các dự án xây dựng công trình khác như hầm, tuy-nen, … PGS.TS. Nguyễn Trọng Tư - Trường Đại học Thủy Lợi nêu ý kiến cần quan tâm đến vấn đề kỹ thuật khi lắp đặt, khả năng áp dụng các thiết bị quan trắc đối với các kết cấu vật liệu khác như bê tông và đối với các kết cấu, vị trí khó tiếp cận. Tọa đàm cũng tiếp nhận rất nhiều ý kiến trao đổi chuyên môn từ các chuyên gia, nhà khoa học về giải pháp công nghệ này.

Hi vọng rằng các kết quả của Dự án ASSM sẽ góp phần nâng cao nhận thức, thúc đẩy chuyển giao, áp dụng giải pháp công nghệ công tác quan trắc địa kỹ thuật và cảnh báo sớm vào thị trường xây dựng Việt Nam, từ đó nâng cao hiệu quả công tác an toàn lao động và bảo đảm an toàn công trình trong thi công xây dựng ở Việt Nam trong thời gian tới.

Dưới đây là một số hình ảnh của buổi Tọa đàm:

Nguồn: Phòng Hợp tác Quốc tế