Vượt qua hai vòng loại và tiến vào vòng chung kết, xuất sắc vượt qua nhiều dự án đến từ các đội trên toàn thế giới, nhóm sinh viên Trường Đại học Xây Dựng Hà Nội (ĐHXD HN) vinh dự trở thành một trong bốn đội thi có dự án xuất sắc nhất hạng mục Attached House, tại cuộc thi Quốc tế Solar Decathlon Design Challenge 2023, và là đội thi đại diện Việt Nam đầu tiên tham dự cuộc thi uy tín này.
Vào ngày 22/4/2023 vừa qua, dưới sự hướng dẫn của PGS. Liliana Beltran (Đại học Texas A&M, Hoa Kỳ), TS. Phạm Thị Hải Hà cùng các giảng viên Trường ĐHXD HN và sự hỗ trợ của Văn phòng Kiến trúc 1+1>2, nhóm sinh viên Trường ĐHXD HN và Đại học Texas A&M đã vượt qua hai vòng tuyển chọn gắt gao, tham dự Chung kết cuộc thi Quốc tế Solar Decathlon Design Challenge 2023 của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ tổ chức với dự án “Khuoi Ky House”, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Nhóm sinh viên đã xuất sắc lọt vào bốn đội vị trí cao nhất trong hạng mục Attached House và được trao giải "Team Spirit Award" (Giải Tinh thần cống hiến) của cuộc thi. Đây là lần đầu tiên sinh viên của Trường ĐHXD HN (và cũng là lần đầu tiên của sinh viên Việt Nam) tham gia và được vinh danh tại một cuộc thi có uy tín và tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới này.
Bản thiết kế nhóm nhà ở cho người dân tộc Tày tại làng đá Khuổi Ky (Cao Bằng)
Làng Khuổi Ky được biết đến với vẻ đẹp tự nhiên và di sản văn hóa. Du khách có thể trải nghiệm cuộc sống cộng đồng dân tộc thiểu số, tham quan thác Bản Giốc - một thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam với những con đường mòn đi bộ dài thu hút những người đam mê thiên nhiên. Ý tưởng về công trình dự thi được thiết kế dựa trên mong muốn phát huy và bảo tồn giá trị truyền thống văn hóa của làng đá hơn 400 năm tuổi; đồng thời cải tạo không gian ở tiện nghi hơn trong khi vẫn đảm bảo hiệu quả năng lượng, giảm tác động môi trường với các kỹ thuật, công nghệ hiện đại. Ý tưởng công trình dự thi được thiết kế với ba khối nhà, là nơi của một gia đình lớn gồm ba thế hệ, diện tích mỗi khối nhà từ 60-80m2.
- Khối nhà được phát triển với kết cấu móng và khung bằng đá truyền thống, hình khối nhà nương theo địa hình, lưng nhà tựa núi, mặt nhà quay ra suối Khuổi Ky, tầng ở được thiết kế cao để tránh ngập khi lũ lụt.
- Vật liệu chủ yếu là đá, tre, gỗ rừng trồng tại địa phương và một số vật liệu cách nhiệt thân thiện môi trường như tấm rơm ép, tấm ván gỗ ép và kết hợp vật liệu EPS tránh cầu nhiệt tại những vị trí kết cấu giao nhau. Các vật liệu này đảm bảo giữ ấm cho các không gian trong nhà vào mùa lạnh khi mức nhiệt độ ngoài nhà dao động trên dưới 100C. Mái ngói âm dương được sử dụng để lưu giữ kiến trúc truyền thống của làng cổ, kết hợp hoàn thiện trần bằng các cây tre tăng khả năng cách nhiệt. Các vật liệu đảm bảo yêu cầu cơ lý về chịu lực, chịu nhiệt, chống nóng, tiêu âm, không phát thải khí độc hại và bảo vệ chất lượng không khí bên trong nhà.
- Ngôi nhà được thiết kế làm mát chủ yếu bằng thông gió tự nhiên và chỉ sử dụng điều hòa vào mùa hè khi nhiệt độ ngoài nhà dao động khoảng 320C.
- Để đạt mức cân bằng năng lượng, ngoài các chiến lược thiết kế thụ động nâng cao hiệu quả tiện nghi nhiệt như lựa chọn hướng có lợi giảm bức xạ mặt trời mùa hè, thiết kế cách nhiệt và thông gió xuyên phòng, chiếu sáng tự nhiên, công trình còn sử dụng hệ pin mặt trời trên mái công suất 675-700W, hướng Đông Nam, nghiêng góc 2110 và 210 để tối ưu hiệu quả tích lũy bức xạ mặt trời. Hệ pin năng lượng mặt trời sản sinh 1.232 kWh/m2, và 2.868 kW cho mỗi khối nhà trong cả năm.
Cuộc thi Solar Decathlon của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ ra đời năm 2002, bao gồm hai thử thách “Design Challenge” và “Build Challenge” với 10 hạng mục. Đây là cuộc thi có uy tín rất cao về thiết kế và xây dựng các công trình hiệu suất năng lượng cao, phát thải ít carbon, giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu, cải thiện chất lượng cuộc sống của con người trong khả năng kinh tế cho phép. Cho đến nay, cuộc thi Solar Decathlon đã thu hút hơn 790 trường đại học và hơn 25.000 người tham gia tại hơn 40 quốc gia.
Cuộc thi Solar Decathlon Design Challenge 2023 đòi hỏi kiến thức tích hợp liên ngành (kiến trúc – xây dựng – vật liệu – kinh tế – môi trường), yêu cầu nỗ lực không nhỏ của nhóm sinh viên cũng như toàn đội ngũ giáo viên hướng dẫn. Đây cũng là chủ đề cấp thiết nhưng vẫn còn khá mới mẻ đối với Việt Nam. Cuộc thi sẽ là cơ hội mở ra xu hướng tích hợp liên ngành, xuyên ngành trong phát triển Kiến trúc - Xây dựng gắn với Môi trường và Phát triển bền vững.
Hình ảnh nhóm sinh viên Trường ĐH Xây Dựng Hà Nội cùng các thầy cô hướng dẫn
Hình ảnh đại diện nhóm sinh viên Đại học Texas A&M cùng PGS. Liliana Beltran
Giấy chứng nhận giải "Team Spirit Award" của BTC cuộc thi dành cho đội sinh viên Đại học Texas A&M và Trường ĐHXD HN
Các mục tiêu thiết kế
Sơ đồ thiết kế tích hợp kiểm soát năng lượng và môi trường
Hệ thống kỹ thuật của ngôi nhà
Đánh giá tiềm năng làm nóng trái đất trong các giai đoạn vòng đời của các ngôi nhà
Chứng nhận Ngôi nhà đạt Hiệu quả năng lượng Zero (-1) theo Hệ thống đánh giá HERS
Họp nhóm tại làng Khuổi Ky chuẩn bị cho các công tác khảo sát và đo đạc
Nhóm sinh viên khảo sát đặc điểm kiến trúc, xây dựng và tìm hiểu về văn hóa, đời sống của dân tộc Tày ở làng Khuổi Ky
Phòng Truyền thông & Tuyển sinh