Chiều ngày 25/11/2019, tại Trường Đại học Xây dựng (ĐHXD) đã diễn ra Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao tại Việt Nam (PFIEV).
Tham dự chương trình, về phía Cộng hòa Pháp có: Ông Nicolas Warnery - Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam; Ông Etienne Rolland-Piègue - Tham tán Hợp tác và Hoạt động Văn hóa, Đại sứ quán Pháp; Ông Eric Molay - Tùy viên nghiên cứu và đại học, Đại sứ quán Pháp; Ông Joaquim Nassar - Đại diện Bộ Đại học, Nghiên cứu và Sáng chế Pháp; Ông Thibaut Skrzypek - Đại diện Tổ hợp các Trường Đại học Pháp, cùng đại diện các trường thuộc Tổ hợp các Trường Đại học Pháp hỗ trợ Chương trình PFIEV. Về phía Việt Nam có: Ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Cục trưởng cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Giáo dục và đào tạo; Bà Nguyễn Thu Thủy – Phó Bộ trưởng Vụ giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và đào tạo; GS. TSKH Bành Tiến Long - Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; PGS. TS Phạm Duy Hòa - Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng; PGS. TS Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội; PGS. TS Đoàn Quang Vinh - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng; PGS. TS Mai Thanh Phong - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, Trường Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Xây dựng. Về phía các doanh nghiệp có: Ông Sébastien Auligny - Phó chủ tịch Gameloft khu vực Đông Nam Á; Ông Christophe K. Ngo - Giám đốc công ty Công ty Code Engine Studio.
Ngày 12/11/1997, nghị định thư số 97 về việc thành lập Chương trình Đào tạo Kỹ sư chất lượng cao tại Việt Nam đã được ký giữa hai Chính phủ Cộng hòa Pháp và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Sau 2 năm chuẩn bị, năm 1999, Chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao tại Việt Nam PFIEV đã chính thức đi vào hoạt động, với sự tham gia của 4 Trường Đại học Việt Nam và các Trường đối tác của Pháp. Tính từ đó đến nay, PFIEV đã trải qua 20 năm hình thành và phát triển.
Tiết mục văn nghệ của các em sinh viên PFIEV
Tại buổi lễ, PGS.TS Phạm Duy Hòa - Hiệu trưởng Trường ĐHXD, Chủ tịch Tổ hợp Các trường Đại học PFIEV Việt Nam đã có bài diễn văn kỷ niệm. PGS.TS Phạm Duy Hòa chúc mừng những thành công của chương trình PFIEV đã đạt được trong 20 năm qua và cho biết, những thành tựu đó là điểm tựa cho bước phát triển bền vững trong tương lai của Chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao PFIEV. Đối với đất nước Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế mạnh mẽ, đặc biệt trong thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc đào tạo các kỹ sư đa năng, có nền tảng kiến thức cơ bản tốt, chú trọng phát triển đồng bộ kiến thức, kỹ năng, thực hành nghề nghiệp, đặc biệt quan tâm đến phát triển năng lực tư duy, sáng tạo và kỹ năng khởi nghiệp là một hướng đi đúng. Điều đó giúp chúng ta càng tin tưởng hơn vào mô hình đào tạo mà chúng ta đã lựa chọn và các kỹ sư của chúng ta sẽ tiến nhanh hơn trên con đường đến với thành công. Nhân dịp này, thay mặt Tổ hợp các trường PFIEV Việt Nam, PGS.TS Phạm Duy Hòa gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Chính phủ Pháp, Chính phủ Việt Nam, Đại sứ quán Pháp, Bộ Giáo dục, Bộ Giáo dục đại học và Nghiên cứu Pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, Tổ hợp các trường đối tác Pháp,các cơ quan nghiên cứu,các cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam và Pháp, các thế hệ lãnh đạo, thầy cô giáo và CBVC của trường ĐHBK Hà Nội, ĐHBK Đà Nẵng, ĐHBK TP Hồ Chí Minh, ĐHXD và các thế hệ sinh viên đã đồng hành và chia sẻ cùng với PFIEV trong 20 năm. Vượt qua mốc 20 năm hình thành và phát triển, Chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao bắt đầu bước sang một giai đoạn mới với những cơ hội và thách thức mới. Vị thế của PFIEV trong chặng đường phát triển vừa qua đã được khẳng định và cần được gìn giữ, phát huy lên tầm cao mới. PGS.TS Phạm Duy Hòa tin tưởng rằng Lễ kỷ niệm trang trọng và giàu cảm xúc ngày hôm nay luôn sẽ là một ký ức thật đẹp, để lại trong tất cảchúng ta, các thế hệ PFIEV dấu ấn của một thời, một chặng đường đã quavới những thành tích đáng tự hào, những kỷ niệm khó quên để từ đó chúng ta lại cùng nhau đi trên chặng đường mới, cùng nuôi dưỡng niềm tin vào sự phát triển của PFIEV, của nền giáo dục nước nhà và sự gắn bó thân thiết của tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Pháp.
PGS.TS Phạm Duy Hòa - Hiệu trưởng Trường ĐHXD, Chủ tịch Tổ hợp Các trường Đại học PFIEV Việt Nam có bài diễn văn tại buổi lễ
Tiếp đó, ông Thibaut SKRZYPEK - Đại diện Tổ hợp các trường đối tác Pháp hỗ trợ cho chương trình PFIEV cho biết, các cơ quan Nhà nước, đại sứ quán, cơ sở giáo dục đều tham gia vào chương trình PFIEV với tinh thần cam kết bền vững dù trải qua nhiều thế hệ lãnh đạo và cán bộ. Bên cạnh đó, quan hệ hợp tác giữa các cơ quan đối tác nhiều khi không chỉ dừng lại trong phạm vi khuôn khổ của chương trình PFIEV mà chính từ đây, nhiều quan hệ hợp tác song phương đã được thai nghén. Thế hệ các kỹ sư PFIEV đang nắm những vị trí quan trọng trong các cơ quan, tổ chức – Thành công của họ chính là một bằng chứng cho chất lượng và uy tín của chương trình.
Ông Thibaut SKRZYPEK - Đại diện Tổ hợp các trường đối tác Pháp hỗ trợ cho chương trình PFIEV phát biểu tại buổi lễ
Tại buổi lễ, ông Nicolas Warnery - Đại sứ Pháp tại Việt Nam cho biết, đào tạo lực lượng trẻ luôn là vấn đề được ưu tiên trong mối quan hệ Việt – Pháp. Hiện nay, Pháp là điểm đến đầu tiên cho du học sinh Việt Nam. Tại Pháp, đang đào tạo 7000 sinh viên Việt Nam, đông đảo thứ 2 trong số cộng đồng du học sinh tại Pháp. Trong lĩnh vực giáo dục đại học, hai bên có nhiều hoạt động sôi nổi với gần 100 chương trinh du học tại chỗ, mỗi năm tuyển sinh 3000 sinh viên Việt Nam. Trong số các chương trình đó, PFIEV là chương trình hình mẫu và thành công nhất. Các cựu sinh viên PFIEV có trình độ chuyên môn và khả năng thích nghi với môi trường trong và ngoài nước. Nhiều cựu sinh viên PFIEV học cao lên minh chứng cho chất lượng đào tạo của chương trình. Ông Nicolas Warnery khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ chương trình PFIEV ở 3 nội dung: Tăng cường giảng dạy các môn tiếng Pháp; Tạo các cơ hội cho sinh viên thực tập tại Pháp; cấp học bổng cho sinh viên có kết quả đầu ra cao nhất và có mong muốn học tiếp cao học tại Pháp.
Ông Nicolas Warnery - Đại sứ Pháp tại Việt Nam phát biểu tại buổi lễ
Qua 20 năm hoạt động, Chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao tại Việt Nam - PFIEV đã tuyển sinh được 21 khóa với gần 6300 sinh viên. Từ năm 2004 đến năm 2019, Chương trình PFIEV có 16 khóa tốt nghiệp với khoảng 4000 kỹ sư, trong đó có hơn 300 sinh viên PFIEV đi học song bằng và thực tập tốt nghiệp tại các trường đối tác Pháp theo các nguồn học bổng khác nhau như: học bổng 322 của Chính phủ Việt Nam và các học bổng của phía Pháp. Bên cạnh đó, do được trang bị tốt về kiến thức, kỹ năng và ngoại ngữ nên sinh viên PFIEV có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm hoặc học tiếp lên trình độ cao hơn với tỷ lệ bình quân gần 70% sau 3 – 6 tháng tốt nghiệp và gần 100% sau 1 năm tốt nghiệp.
Cùng với thành công của 11 chuyên nghành đào tạo kỹ sư từ ngày đầu thành lập năm 1999, Chương trình PFIEV liên tục phát triển thêm các chuyên ngành mới. Đến năm 2017, PFIEV đã có 16 chuyên ngành và đến nay, năm 2019 đã có 18 chuyên ngành. Chương trình đào tạo của PFIEV được đổi mới căn bản về giáo trình, phương pháp đào tạo; gắn học tập với nghiên cứu khoa học và thực hành tại doanh nghiệp công nghiệp; chú trọng phát triển đồng bộ kiến thức, kỹ năng, thực hành nghề nghiệp, đặc biệt quan tâm đến phát triển năng lực tư duy, sáng tạo và kỹ năng khởi nghiệp của người học; chương trình và cơ sở đào tạo được kiểm định đạt chuẩn quốc tế, tạo ra bước đột phá đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển đất nước, tạo dựng được mô hình điển hình về đào tạo chất lượng cao trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, rất cần được phát huy và nhân rộng.
Để đảm bảo cho việc đào tạo kỹ sư của Chương trình PFIEV vận hành theo mô hình đào tạo kỹ sư của Pháp, song song với việc xây dựng nội dung, chương trình đào tạo, đầu tư trang thiết bị thí nghiệm thì công tác hỗ trợ sư phạm của giảng viên các trường Pháp tại Việt Nam cũng rất quan trọng. Tính đến cuối năm 2019, đã có hơn 600 lượt giáo sư, chuyên gia Pháp sang công tác tại Việt Nam trong khuôn khổ hoạt động của Chương trình PFIEV gồm: giảng dạy chuyên đề; tham gia hội đồng đánh giá sinh viên tốt nghiệp; tổ chức hội thảo khoa học; xây dựng chương trình đào tạo; hướng dẫn vận hành sử dụng thiết bị thí nghiệm; họp Ủy ban định hướng và đánh giá; họp Hội đồng hoàn thiện quốc gia PFIEV.
Trong quá trình hoạt động của PFIEV đã có trên 20 doanh nghiệp tham gia rà soát, phát triển chương trình đào tạo; 7 doanh nghiệp cung cấp học bổng cho sinh viên; 9 doanh nghiệp tài trợ vật chất, tài liệu cho chương trình; 36 doanh nghiệp tham gia giảng chuyên đề cho sinh viên; 95 doanh nghiệp nhận sinh viên đến thực tập; 13 doanh nghiệp hợp tác nghiên cứu với Chương trình PFIEV ở 4 trường đại học Việt Nam.
Để khẳng định chất lượng đào tạo của Chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã mời Ủy ban bằng kỹ sư Pháp - CTI đánh giá, công nhận kiểm định chất lượng đối với các chuyên ngành của Chương trình PFIEV: lần thứ nhất giai đoạn 2004-2010, lần thứ 2 giai đoạn 2010-2016 và lần thứ 3 giai đoạn 2016-2022. Đồng thời, cơ quan kiểm định các chương trình đào tạo kỹ sư Châu Âu công nhận thương hiệu châu Âu Master program lần thứ nhất giai đoạn 2010- 2016; lần thứ hai giai đoạn 2016 - 2022.
Ngày 12/6/2017, Hội đồng cao cấp đánh giá nghiên cứu và giảng dạy đại học Pháp (HCERES) đã quyết định công nhận 4 trường thành viên PFIEV đạt chuẩn kiểm định HCERES ở mức cao nhất – cũng là chuẩn kiểm định Châu Âu - trong giai đoạn 2017 – 2022. Bốn trường thành viên PFIEV là 4 trường đại học đầu tiên của Việt nam được tổ chức quốc tế đánh giá, công nhận kiểm định cơ sở đào tạo. Đây cũng là một bước phát triển của giáo dục đại học Việt Nam, phù hợp với chủ trương của Chính phủ đào tạo nhân lực chất lượng cao, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và nâng tầm giáo dục đại học Việt Nam lên ngang với khu vực và thế giới.
Ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại buổi lễ
Cựu sinh viên Hoàng Công Hợp - khoá 45CLC (2000-2005), PFIEV-ĐHXD đại diện cho các cựu sinh viên Chất lượng cao phát biểu tại buổi lễ và tỏ lòng biết ơn vô cùng tới những người đầu tiên sáng lập, các chuyên gia, các thầy cô giáo đã tạo ra và vun đắp cho 20 thế hệ sinh viên PFIEV đến nay. Anh Hợp cho biết, chương trình PFIEVđã cung cấp cho sinh viên những yếu tố cần thiết để bước vào đời đó là kiến thức nền; Khả năng thích ứng và chuyển đổi năng động trong môi trường cuộc sống; Khả năng hòa nhập với môi trường quốc tế. Cựu sinh viên gửi gắm đến các thế hệ sinh viên sau này: “PFIEV là một chương trình tốt, đủ tốt để làm bàn đạp cho các bạn vươn tới và thực hiện các ước mơ nghiêm túc của cuộc đời các bạn, ước mơ có thể không chỉ ở Việt Nam mà khắp năm châu bốn bể. PFIEV hoàn toàn đủ tầm xây đắp nền móng và chắp cánh cho các bạn.Tất nhiên là bạn phải có ước mơ, có động lực, có kế hoạch cụ thể, có một sự phấn đấu kiên trì và nghiêm túc. Bên cạnh đó các bạn phải luôn mở rộng sự tương tác của bản thân với xã hội, hãy hoạt động thật nhiều, hãy cháy thật nhiều.”
Cựu sinh viên Hoàng Công Hợp - khoá 45CLC (2000-2005), PFIEV-ĐHXD phát biểu tại buổi lễ
Ông Joaquim Nassar - Đại diện Bộ Nghiên cứu, Đại học và Sáng chế Pháp tặng hoa tri ân GS.TSKH Bành Tiến Long - Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
PGS.TS Phạm Duy Hòa - Hiệu trưởng Trường ĐHXD tặng hoa tri ân cho bà Nguyễn Thị Minh Tâm - Giám đốc Văn phòng Dự án PFIEV (2017); Ông Nguyễn Đức Chỉnh, Giám đốc Văn phòng Dự án PFIEV (2006-2014)
Ông Thibaut SKRZYPEK - Đại diện Tổ hợp các trường đối tác Pháp và bà Nguyễn Thị Minh Tâm – Đại diện Văn phòng Dự án PFIEV tặng hoa tri ân cho lãnh đạo các trường qua các thời kỳ
PGS. TS Đoàn Quang Vinh - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, đại diện Tổ hợp các trường Đại học PFIEV tặng hoa tri ân các cán bộ trợ lý dự án qua các thời kỳ
PGS.TS Mai Thanh Phong - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh, đại diện Tổ hợp các trường Đại học PFIEV tặng hoa vinh danh cán bộ các trường qua các thời kỳ
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Trang Ninh – Phòng TT&TT