Ngày 23/12/2015, tại trường Đại học Xây dựng đã diễn ra Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác về nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đào tạo giữa Viện Khoa học & Kỹ thuật Môi trường (IESE), trường Đại học Xây dựng với Công ty Grundfos Việt Nam (GPV) và Lễ bàn giao mô hình bơm Grundfos cho Bộ môn Cấp thoát nước, trường Đại học Xây dựng.
Đến dự buổi lễ có: GS.TS Phan Quang Minh - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng; PGS.TS Ứng Quốc Dũng - Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam; ông Nguyễn Xuân Thắng - Tổng Giám đốc Grundfos Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Việt Anh - Viện trưởng Viện Khoa học & Kỹ thuật Môi trường; PGS.TS Trần Thị Việt Nga – Trưởng Khoa Kỹ thuật môi trường; cùng nhiều đại biểu, giáo viên, sinh viên ngành Cấp thoát nước – Môi trường nước, trường Đại học Xây dựng.
Mục đích của Thỏa thuận nhằm xây dựng mô hình hợp tác, phối hợp trong các hoạt động chuyên môn có tính hệ thống, đa chiều, đáp ứng kịp thời nhu cầu, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, khai thác có hiệu quả tiềm năng, nguồn lực, những thế mạnh của hai bên về chuyên môn, công nghệ, cơ sở vật chất v.v.. vì mục đích phát triển bền vững của cả hai bên, vì sự phát triển của ngành Cấp thoát nước Việt Nam nói chung và đóng góp hữu hiệu cho xã hội, cho cộng đồng.
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác và bàn giao mô hình bơm Grundfos phục vụ Nghiên cứu khoa học và Đào tạo
Với hợp tác này, ngoài việc trao tặng cho Bộ môn Cấp thoát nước hệ thống thiết bị mô phỏng Trạm bơm của Grundfos trị giá hơn 500 triệu đồng, gồm cụm bơm tăng áp (tủ điều khiển, 2 bơm gắn biến tần, thiết bị kèm theo), bộ bơm chìm giếng khoan và tủ điện điều khiển, lưu lượng kế và bộ cảm biến lưu lượng trên đường ống, bộ bơm định lượng kỹ thuật số, bộ giao tiếp từ xa, cho phép điều khiển hệ bơm qua điện thoại thông minh, internet. Hệ thống được lắp đặt tại phòng Thí nghiệm của Bộ môn Cấp thoát nước, với mục đích làm mô hình, dụng cụ trực quan cho sinh viên và phục vụ nghiên cứu khoa học cho Bộ môn. Ngoài ra, Công ty Grundfos còn hỗ trợ Bộ môn Cấp thoát nước các phần mềm bản quyền của hãng Grundfos cũng như các tài liệu kỹ thuật để tính toán lựa chọn thiết bị bơm cho các công trình dân dụng và công nghiệp theo hướng “Xanh - Sạch - Tiết kiệm năng lượng”.
Hệ thống thiết bị mô phỏng Trạm bơm Grundfos
Bên cạnh đó, Grundfos cam kết sẽ tạo điều kiện cho sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh của trường Đại học Xây dựng thực tập, tham quan thực tế sản xuất, quản lý sản xuất của Công ty; tiếp nhận các cán bộ giảng dạy trẻ của trường Đại học Xây dựng đến khảo sát thực tế, tập huấn ngắn hạn và dài hạn để nâng cao kỹ năng, cập nhật các kiến thức thực tế liên quan đến chuyên môn, nghiệp vụ, để phục vụ tốt hơn công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Phía Viện Khoa học & Kỹ thuật Môi trường cũng sẽ tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn, cập nhật kiến thức chuyên môn và năng lực công tác cho cán bộ, công nhân viên của GPV dưới các hình thức đào tạo khác nhau theo nhu cầu, bao gồm cả đào tạo tại chỗ; cung ứng nguồn nhân lực được đào tạo của Viện Khoa học & Kỹ thuật Môi trường, của Bộ môn Cấp thoát nước cho Grundfos Việt Nam theo yêu cầu hợp tác sử dụng nhân lực của Công ty.
Phát biểu trong Lễ ký kết hợp tác, ông Nguyễn Xuân Thắng - Tổng Giám đốc Grundfos Việt Nam cho biết, Grundfos rất quan tâm đến các hoạt động cộng đồng, trong đó có công tác phối hợp với các trường đại học trong việc hợp tác đào tạo, chia sẻ các kinh nghiệm của mình. Trong lần hợp tác này, ông mong rằng sẽ trợ giúp được cho các sinh viên ngành Cấp thoát nước – Môi trường nước, trường Đại học Xây dựng trong việc học tập, nghiên cứu để khi ra trường không cảm thấy bỡ ngỡ, từ đó thêm tự tin và thêm yêu nghề nghiệp mà mình đã chọn. Đại diện Grundfos Việt Nam cũng hy vọng hai bên sẽ hợp tác lâu dài và đạt được nhiều kết quả tốt đẹp.
GS.TS Phan Quang Minh, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng phát biểu tại buổi lễ
Thay mặt Nhà trường, GS.TS Phan Quang Minh cảm ơn sự hỗ trợ quý báu của Công ty Grundfos, bày tỏ sự hoan nghênh và khích lệ hoạt động hợp tác giữa hai đơn vị, nằm trong kế hoạch hoạt động chung đẩy mạnh hợp tác Nghiên cứu khoa học và đào tạo của trường Đại học Xây dựng, cũng như ủng hộ các hướng nghiên cứu mà hai đơn vị đã xác định cùng triển khai trong thời gian tới.
PGS.TS Ứng Quốc Dũng - Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam đánh giá cao năng lực của Viện Khoa học & Kỹ thuật Môi trường và Công ty Grundfos Việt Nam, đồng thời chúc mừng sự khởi đầu thành công của hoạt động hợp tác.
Tham gia buổi Lễ ký kết và được thăm Trạm bơm mô phỏng của Grundfos vừa mới lắp đặt tại Phòng thí nghiệm Cấp thoát nước – Môi trường nước, bạn Ngô Minh Tú và Nguyễn Văn Khánh – sinh viên năm thứ 5 ngành Cấp thoát nước – Môi trường nước rất hào hứng và thấy ấn tượng đặc biệt với giải pháp tiết kiệm năng lượng, góp phần bảo vệ môi trường của bơm Grundfos. Theo hai em, trong xu thế biến đổi khí hậu, khan hiếm tài nguyên như hiện nay, thì những sản phẩm như vậy rất cần thiết cho cuộc sống.
PGS.TS Nguyễn Việt Anh, Viện trưởng Viện Khoa học & Kỹ thuật Môi trường chia sẻ: Ngay từ học kỳ này, các sinh viên ngành Cấp thoát nước - Môi trường nước, Trường Đại học Xây dựng đã bắt tay vào nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp bơm mới trong hệ thống cấp thoát nước đô thị, cấp nước trong công trình xanh v.v… Hai đề tài nghiên cứu khoa học với các giải pháp bơm tiết kiệm năng lượng và giải pháp bơm tiêu chống ngập, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu đã được hai bên lựa chọn triển khai thực hiện. Hợp tác với Công ty Grundfos, Việt Nam là một trong những hoạt động mà tập thể cán bộ Viện, giảng viên Bộ môn đang xúc tiến, được lãnh đạo Nhà trường và Lãnh đạo Hội Cấp thoát nước Việt Nam rất ủng hộ, thực hiện chủ trương mở rộng quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp, cập nhật thông tin và kiến thức thực tế vào bài giảng, góp phần cải tiến, đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy để nâng cao chất lượng đào tạo, cũng như triển khai thực hiện các đề tài hợp tác, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới, triển khai các kết quả nghiên cứu vào thực tế, hướng tới giải quyết các vấn đề thực tiễn đòi hỏimang lại lợi ích chung cho cả doanh nghiệp, nhà trường và cộng đồng.
Bài: Nguyễn Việt Anh, Trần Hoài Sơn; Ảnh: Hà Thắm