Sáng ngày 25/8/2017, tại Trường Đại học Xây dựng (ĐHXD) đã diễn ra Lễ ký kết biên bản làm việc dự án SATREPS giữa Trường ĐHXD với các đối tác.
Tham dự buổi lễ, về phía Nhật Bản có: Ông Daisuke Iijima - Giám đốc điều hành Ban Môi trường Toàn cầu, JICA; GS. Yukari Takamura – Cơ quan Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (JST); GS. Ken Kawamoto – Trường Đại học Saitama, cùng các chuyên gia cao cấp đại diện cho Trường Đại học Saitama, Viện nghiên cứu Môi trường Quốc gia, Trung tâm Khoa học Môi trường tại Saitama và Văn phòng JICA Việt Nam. Về phía cơ quan quản lý Nhà nước Việt Nam có: TS. Trần Tú Khánh - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo; PGS.TS. Mai Thị Liên Hương - Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật, Bộ Xây dựng; Ông Đồng Phước An - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội; PGS.TS Huỳnh Đăng Chính - Viện trưởng Viện Kỹ thuật Hoá học Đại học Bách khoa Hà Nội và đại diện Viện Chính sách tài nguyên và Môi trường Toàn cầu. Về phía Trường ĐHXD có: PGS.TS Phạm Duy Hoà - Hiệu trưởng; GS.TS Phan Quang Minh - Phó Hiệu trường.
SATREPS (Science and Technology Research Partnership for Sustainable Development) là chương trình dành cho các dự án phát triển bền vững ở một số lĩnh vực trong khu vực Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ.
Năm 2017 có 105 hồ sơ xin dự án SATREPS trên toàn thế giới và 10 dự án đã được lựa chọn. Phía Việt Nam có duy nhất dự án “Thiết lập hệ thống quản lý phế thải xây dựng hiệu quả nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường và tăng cường khả năng chế tạo các loại vật liệu mới từ phế thải xây dựng tái chế ở Việt Nam” của Trường Đại học Xây dựng phối hợp cùng Đại học Saitama được chấp thuận. Đây là dự án ODA của Việt Nam dưới hình thức SATREPS do JST và JICA đồng phối hợp hỗ trợ kéo dài trong 5 năm (2017 – 2023).
Mục tiêu của dự án nhằm: Thiết lập và hoàn thiện hệ thống quản lý phế thải xây dựng (PTXD) thân thiện với môi trường, đáp ứng chiến lược phát triển bền vững của Việt nam trong quản lý chất thải rắn đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2050, cho các thành phố lớn và đô thị ven biển; Xây dựng các nguyên tắc, quy trình vận hành hiệu quả hệ thống quản lý PTXD và các tiêu chuẩn cho việc sử dụng vật liệu tái chế trong xây dựng cơ sở hạ tầng; Phát triển các công nghệ mới nhằm tận dụng vật liệu tái chế trong xây dựng cơ sở hạ tầng và kiểm soát ô nhiễm môi trường ở Việt Nam.
Phát biểu tại lễ ký kết, PGS.TS Phạm Duy Hòa – Hiệu trưởng Trường ĐHXD đã bày tỏ niềm vui mừng khi dự án được chính phủ Nhật Bản chấp thuận. PGS.TS Phạm Duy Hòa cho biết, vấn đề phế thải xây dựng là một trong những vấn đề bức thiết đối với xã hội Việt Nam hiện nay và trên cơ sở các chương trình hợp tác lâu dài và bền vững với Nhật Bản nói chung và Đại học Saimata nói riêng, Trường ĐHXD đã triển khai các bước chuẩn bị dự án trong nhiều năm. Phía Trường ĐHXD cam kết sẽ làm hết sức để dự án được đưa vào thực tiễn và đem lại những kết quả tốt đẹp và hi vọng dự án sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm từ phía các đối tác Nhật Bản cũng như sự ủng hộ của các cơ quan quản lý Nhà nước.
PGS.TS Phạm Duy Hòa – Hiệu trưởng Trường ĐHXD phát biểu tại buổi lễ
Phát biểu tại buổi lễ, ông Daisuke Iijima – Giám đốc điều hành Ban Môi trường toàn cầu, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho biết, JICA đã có nhiều hợp tác với Việt Nam những năm gần đây nhằm mục tiêu đảm bảo cho con người và phát triển kinh tế, xã hội. Nhận thấy sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Việt Nam những năm qua, Ban Môi trường toàn cầu – JICA hướng đến mục tiêu giải quyết các vấn đề môi trường đi cùng với sự phát triển kinh tế. Trong sự kiện này, ông Daisuke Iijima bày tỏ niềm vui mừng khi bắt đầu dự án mới tập trung giải quyết vấn đề phế thải xây dựng. Với sự hỗ trợ của công nghệ Nhật Bản, sự phối hợp của JICA và JST, hi vọng dự án sẽ đem lại kết quả thiết thực sau 5 năm và đạt được mục tiêu giải quyết được 50% phế thải xây dựng ở Hà Nội.
Ông Daisuke Iijima – Giám đốc điều hành Ban Môi trường toàn cầu, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản phát biểu tại buổi lễ
Nghi thức ký kết biên bản làm việc giữa Trường ĐHXD, JICA, Bộ GD&ĐT, Bộ Xây dựng và Sở Xây dựng
Ô nhiễm môi trường do sự phát triển nóng của đô thị đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, làm giảm chỉ số cạnh tranh của Hà Nội khi thu hút đầu tư. Theo một thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có hơn 1.000 công trường xây dựng lớn, nhỏ đang trong giai đoạn thi công. Ngoài ra, mỗi tháng có khoảng hơn 10.000m2 đường bị đào bới để triển khai các công trình hạ tầng kỹ thuật. Một kết quả nghiên cứu khác của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho thấy hiện chất lượng môi trường nói chung và Hà Nội nói riêng đã và đang giảm sút nghiêm trọng, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ hoạt động xây dựng. Theo đó, mỗi năm môi trường không khí thành phố phải tiếp nhận khoảng 80.000 tấn bụi khói, 9.000 tấn khí SO2, 19.000 tấn khí NO2, 46.000 tấn khí CO2. Trong đó, quá trình phá dỡ, đào, san lấp, vận chuyển vật tư và tập trung nhiều thiết bị thi công có sử dụng động cơ diezen công suất cao đã phát thải khí độc hại như SO2, NOx, CO… làm ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân trên diện rộng quanh khu vực thi công.
|
Trang Ninh – Phòng TT&TT
Một số hình ảnh tại buổi lễ:
TS. Trần Tú Khánh – Vụ trưởng Vụ KHTC, Bộ GD&ĐT phát biểu tại buổi lễ
GS. Yukari Takamura – Cơ quan Khoa học và Công nghệ Nhật Bản phát biểu tại buổi lễ
GS. Ken Kawamoto – Trường Đại học Saitama phát biểu tại buổi lễ tại buổi lễ
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm