Trong những năm qua, Trường Đại học Xây dựng (ĐHXD) đã tích cực tham gia các hội thảo thường niên của Hiệp hội CDIO Quốc tế với tư cách là quan sát viên nhằm học hỏi kinh nghiệm triển khai chương trình đào tạo theo tiếp cận CDIO từ các trường đại học thành viên của Hiệp hội, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trong khuôn khổ CDIO. Trong quá trình đó, đoàn đại biểu của ĐHXD đã tiếp xúc với đoàn của Singapore Polytechnic International (SPI) - một trong những thành viên chủ chốt của Hiệp hội CDIO Quốc tế và cũng là cơ sở giáo dục dẫn đầu trong Vùng Châu Á về triển khai chương trình đào tạo theo phương pháp tiếp cận CDIO.
Từ năm 2008, SPI đã từng hợp tác chia sẻ kinh nghiệm về CDIO tại nhiều trường đại học của 13 quốc gia Châu Á, trong đó có Việt Nam. Hai đối tác chiến lược của SPI tại Việt Nam là Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (tại khu vực miền Nam) và Đại học Đà Nẵng (tại khu vực miền Trung). Qua các cuộc tiếp xúc, phía SPI đã đề xuất hợp tác với ĐHXD như một đối tác chiến lược tại khu vực miền Bắc nhằm triển khai dự án hợp tác quốc tế, trong đó SPI sẽ hỗ trợ một nhóm trường đại học kỹ thuật ở khu vực phía bắc đổi mới chương trình đào tạo theo phương pháp tiếp cận CDIO với ĐHXD là trưởng nhóm (lead university). Theo đề xuất ban đầu của ĐHXD, nhóm các trường đại học tại Hà Nội sẽ bao gồm: Đại học Xây dựng, Đại học Thủy lợi, Đại học Kiến trúc, Đại học Giao thông vận tải, và Đại học Mỏ - Địa chất.
Buổi tiếp xúc đầu tiên giữa ĐHXD, SPI và các trường đại học tham gia dự án đã diễn ra vào ngày 11/09/2018. Trong khuôn khổ cuộc họp, các chuyên gia CDIO từ SPI đã trình bày sơ lược về đề xuất nội dung hợp tác và kế hoạch hợp tác. Theo đó, toàn bộ chương trình hợp tác sẽ diễn ra trong 22 ngày chia làm 5-6 đợt, kéo dài trong khoảng thời gian 1 năm. Phía SPI sẽ cử chuyên gia để đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm triển khai chương trình đào tạo theo tiếp cận CDIO với các đối tác Việt Nam. Toàn bộ chi phí đi lại, ăn ở và bồi dưỡng cho chuyên gia sẽ được hỗ trợ bởi Quỹ Temasek Quốc tế - một tổ chức thuộc Ban Quản lý vốn Nhà nước Singapore chuyên cấp vốn cho các dự án tại các quốc gia đang phát triển thuộc nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực giáo dục và đào tạo. Các trường đối tác phía Việt Nam nhất trí cao về tính hữu ích của chương trình hợp tác và đều bày tỏ mong muốn tham gia tích cực để dự án đạt được hiệu quả cao nhất, đem lại những hiểu biết thiết thực về tiếp cận CDIO cũng như những kinh nghiệm trong việc đổi mới chương trình đào tạo.
GS. TS. Phan Quang Minh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHXD tặng quà lưu niệm cho Ông Chia Hui Yong - Phó Tổng Giám đốc SPI vào chiều ngày 11/09/2018
Buổi họp ngày 11/09/2018 giữa ĐHXD, SPI và các trường đối tác
Tiếp nối thành công của buổi họp đầu tiên, vào ngày 02/10/2018, đoàn đại biểu của Singapore gồm: Ông Stanley Lee, Giám đốc cấp cao phụ trách Chương trình và Quan hệ đối tác của Quỹ Temasek Quốc tế (Senior Director, Programmes and Partnerships, Temasek Foundation International); Ông Chia Hui Yong, Phó Tổng Giám đốc SPI (Deputy General Director); và Bà Linda Lee, Cố vấn chính về CDIO của SPI (Principal Consultant in CDIO) đã đến Trường ĐHXD để tiến hành nghiên cứu khả thi cho việc Quỹ Temasek Quốc tế duyệt hỗ trợ dự án hợp tác. Buổi họp diễn ra tại Trường ĐHXD còn có sự tham gia của Ông Đào Phan Vũ, chuyên viên Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các bên đều thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ cho dự án hợp tác: Về phía Quỹ Temasek Quốc tế, quỹ đã tài trợ cho tất cả các dự án chia sẻ về tiếp cận CDIO trước đây của SPI; Về phía Bộ chủ quản, việc đổi mới chương trình đào tạo phù hợp với chủ trương và định hướng chung của Bộ cho các cơ sở giáo dục đại học.
PGS.TS Phạm Xuân Anh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHXD chụp ảnh lưu niệm với đoàn đại biểu Singapore và đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo
Với những kết quả tích cực từ các buổi trao đổi, Ban Giám đốc Quỹ Temasek Quốc tế đã nhóm họp vào ngày 15/11/2018 và phê duyệt bản đề xuất dự án hợp tác do ĐHXD và SPI soạn thảo. Theo thời gian biểu của chương trình hợp tác, chuỗi các buổi tập huấn của chuyên gia về CDIO của SPI cho các trường đối tác phía Việt Nam sẽ diễn ra trong suốt năm 2019.
Trong hai ngày 15-16/01/2019 tại Trường ĐHXD, Hội thảo đầu tiên trong Dự án hợp tác hỗ trợ thiết kế chương trình đào tạo theo tiếp cận CDIO có tên “Khung chương trình giảng dạy và học tập CDIO” (CDIO Teaching and Learning Framework) đã được tổ chức với sự tham gia của đại diện lãnh đạo từ cả 5 trường đại học kỹ thuật công lập tại Hà Nội.
PGS.TS Phạm Xuân Anh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHXD phát biểu khai mạc Hội thảo “Khung chương trình giảng dạy và học tập CDIO”
Toàn cảnh Hội thảo
Hội thảo được chuyên gia CDIO của SPI thiết kế cho đối tượng là lãnh đạo của 5 trường đại học đối tác phía Việt Nam với mục đích chia sẻ về cách thức triển khai thành công Khung chương trình giảng dạy và học tập CDIO mà SPI đã tổng kết được trong suốt chặng đường kể từ năm 2004. Mỗi trường đối tác phía Việt Nam đã cử 6 đại diện, trong đó có sự hiện diện của Hiệu trưởng, Hiệu phó, Trưởng và Phó Phòng Đào tạo, cũng như Trưởng, Phó Khoa của các ngành đào tạo mà các trường đối tác mong muốn đổi mới theo tiếp cận CDIO.Trong chương trình hội thảo, TS. Linda Lee và TS. Lee Chong Hwa đã có các bài thuyết trình về ý nghĩa của 12 Tiêu chuẩn CDIO, những lợi ích và thách thức khi áp dụng tiếp cận CDIO và phác thảo những chiến lược khả thi để giải quyết những thách thức khi áp dụng tiếp cận CDIO qua các bài thực hành được hướng dẫn trực tiếp tại hội trường.
TS. Linda Lee - Cố vấn chính về CDIO của SPI thuyết trình tại Hội thảo
Các nhóm đại biểu từ các trường đối tác phía Việt Nam thực hành các bài tập nhóm với sự hỗ trợ từ các chuyên gia CDIO của SPI
Sau 2 ngày làm việc tích cực, hội thảo đã thành công tốt đẹp với việc lãnh đạo của mỗi trường đại học phía Việt Nam đưa ra một kế hoạch hành động để triển khai CDIO hiệu quả tại mỗi cơ sở. Các hội thảo tiếp theo trong chuỗi hoạt động của Dự án sẽ được triển khai trong tháng 4, tháng 6, tháng 9, tháng 11 và tháng 12/2019.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Qua việc tổ chức thành công sự kiện này, ĐHXD đã khẳng định được vai trò lãnh đạo của trưởng nhóm, cũng như đã thể hiện cam kết mạnh mẽ của Ban Giám hiệu về đổi mới chương trình đào tạo theo phương pháp tiếp cận CDIO của Nhà trường. Trường ĐHXD luôn sẵn sàng trở thành đối tác đáng tin cậy của tất cả các trường đại học trong Hiệp hội CDIO Quốc tế và sẵn sàng để gia nhập Hiệp hội như một thành viên có trách nhiệm./.
Nghiêm Hà Tân