Ngày 24/02/2022, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội (ĐHXDHN) đã tổ chức thành công buổi họp Hội đồng giám sát dự án SATREPS lần thứ 4 và Hội thảo HUCE – SU lần thứ 3 với chủ đề “Phát triển xanh và bền vững cho nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam” (3rd HUCE – SU Joint Seminar on “Sustainable and Green Development for Circular Economy in Vietnam”).
Dự án SATREPS “Thiết lập hệ thống quản lý phế thải xây dựng hiệu quả nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường và tăng cường khả năng chế tạo các loại vật liệu mới từ phế thải xây dựng tái chế ở Việt Nam” do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Cơ quan Khoa học và Công nghệ (JST) Nhật Bản tài trợ. Dự án này được thực hiện bởi Trường ĐHXDHN, Việt Nam và Đại học Saitama, Nhật Bản trong giai đoạn 2018-2023.
Toàn cảnh sự kiện
Mục đích của sự kiện này là trình bày những kết quả nghiên cứu đã đạt được trong 4 năm qua để Hội đồng Giám sát dự án (JCC) đánh giá và định hướng kế hoạch hoạt động cho năm tới.
Buổi họp có sự tham gia của các quý vị đại biểu: Ông Hitoshi Toriyama, Bí thư thứ 2, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam; Ông Naomichi Murooka, Phó Trưởng đại diện JICA Việt Nam; PGS.TS. Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường – Bộ Xây dựng; ThS. Nguyễn Khánh Long, Trưởng phòng Chất thải rắn, Cục Hạ tầng Kỹ thuật – Bộ Xây dựng; Ông Đinh Minh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính – Bộ Giáo dục và Đào tạo; PGS.TS. Huỳnh Đăng Chính, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội; cùng các đại diện đến từ Sở Xây dựng Hà Nội, Sở Xây dựng Hải Phòng, Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường; URENCO Hà Nội. Về phía Nhật Bản có sự tham gia của: Ông Hideaki Matsuoka, Giám đốc Nhóm Môi trường 1, Ban Môi trường Toàn cầu JICA; GS. Takaomi Shigehara Phó Hiệu trưởng Đại học Saitama; GS. Ken Kawamoto, Đồng Giám đốc dự án SATREPS, Đại học Saitama; GS. Yukari Takamura, Viện Đổi mới tương lai, Đại học Tokyo; và các chuyên gia đại diện cho JST, Đại học Saitama, Trung tâm Khoa học Môi trường tỉnh Saitama (CESS), Viện Nghiên cứu Môi trường Quốc gia Nhật Bản (NIES). Về phía Trường ĐHXDHN có sự hiện diện của: PGS.TS. Nguyễn Hoàng Giang, Phó Hiệu trưởng, Giám đốc Dự án SATREPS; GS.TS. Phan Quang Minh, Quản lý Dự án SATREPS; cùng các chuyên gia là các thầy, cô, nghiên cứu sinh thành viên Dự án, đại diện lãnh đạo các Phòng, Khoa của Nhà trường.
PGS.TS. Nguyễn Hoàng Giang, Phó Hiệu trưởng Giám đốc dự án SATREPS phát biểu
Phát biểu của Ông Hideaki Matsuoka, Giám đốc Nhóm Môi trường 1 Ban Môi trường Toàn cầu JICA |
Phát biểu của GS. Takaomi Shigehara Phó Hiệu trưởng Đại học Saitama |
Mặc dù do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 làm ảnh hưởng sâu rộng đến mọi hoạt động của xã hội nhưng Dự án SATREPS vẫn được triển khai đúng tiến độ. Trong những năm vừa qua, các chuyên gia của 2 nước đã phối hợp để nghiên cứu và nhân rộng các hoạt động quản lý, tái chế chất thải rắn xây dựng (CTRXD) hiệu quả tới nhiều địa phương như: Hà Nội với các yêu cầu về tái chế sản xuất thử nghiệm; Đà Nẵng và Quảng Ninh với việc quy hoạch, đề xuất cơ cấu quản lý và tái chế CTRXD tại địa phương; Hải Phòng và Vĩnh Phúc với việc khảo sát hiện trạng quản lý CTRXD tại địa phương. Dự án đã chế tạo ra các loại vật liệu mới từ CTRXD tái chế có tính đột phá dùng cho kết cấu hạ tầng, kết cấu giải quyết bài toán giữ mực nước ngầm cho đô thị, giảm ngập úng, hướng tới công trình xanh, đô thị xanh và kinh tế tuần hoàn cho Việt Nam.
Có thể nói, mô hình hợp tác từ các bộ ban ngành tới các địa phương thông qua các kết quả nghiên cứu của Dự án từ Nhật Bản và Việt Nam đã đạt những kết quả thiết thực được áp dụng vào thực tiễn nhằm đem lại lợi ích trong xã hội của một lĩnh vực rất quan trọng với Việt Nam hiện tại. Trường ĐHXDHN sẽ cùng các chuyên gia Nhật Bản, JICA, JST và các Bộ, Ban, Ngành của Việt Nam triển khai hiệu quả các hoạt động tiếp theo của dự án và hướng tới mục tiêu xây dựng Trung tâm nghiên cứu ứng dụng tái chế chất thải rắn xây dựng tại Việt Nam.
Đánh giá về Dự án SATREPS đang được triển khai bởi Trường ĐHXDHN và Đại học Saitama, GS. Yukari Takamura, Viện Đổi mới tương lai, Đại học Tokyo, đồng thời là chuyên gia cao cấp của JST, bày tỏ hy vọng bối cảnh đại dịch Covid-19 sẽ được cải thiện trong thời gian sắp tới để các chuyên gia Nhật Bản có thể tới Việt Nam và ngược lại để thúc đẩy tiến trình chung của Dự án. Đặc biệt, Giáo sư cũng đã gợi mở để các chuyên gia đề xuất những hỗ trợ cần thiết từ phía JST, JICA để việc triển khai Dự án được thuận lợi.
Phát biểu tại buổi họp, PGS.TS. Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường – Bộ Xây dựng đã ghi nhận những kết quả tích cực của Dự án trong 4 năm qua, và đánh giá cao việc ứng dụng và lan tỏa những kết quả này đến nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Việc thiết lập hệ thống quản lý hiệu quả, và phát triển các công nghệ tái chế CTRXD là phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam. Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường – Bộ Xây dựng cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng nhóm Dự án trong 3 mảng công việc:
- Tiếp tục xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật về quản lý và ứng dụng các sản phẩm tái chế từ CTRXD trong xây dựng cơ bản;
- Căn cứ vào Chiến lược phát triển xanh của Việt Nam từ 2021-2030, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu đề xuất Đề án phát triển công trình xanh, trong đó một trong số các tiêu chí của công trình xanh sẽ là việc sử dụng vật liệu tái chế từ CTRXD;
- Phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên Môi trường, và Ngân hàng Nhà nước để có cơ chế chính sách hỗ trợ hiệu quả cho các mô hình sản xuất, kinh doanh vật liệu tái chế hay sản phẩm tái chế từ CTRXD.
Phát biểu kết thúc buổi họp, ông Naomichi Murooka, Phó Trưởng đại diện JICA Việt Nam nhấn mạnh: mặc dù điều kiện triển khai các hoạt động của Dự án gặp nhiều khó khăn trở ngại do đại dịch Covid-19, các chuyên gia của cả 2 nước đã nỗ lực cộng tác và vẫn tiếp tục tổ chức được những hoạt động ý nghĩa. Ông đánh giá cao những kết quả thiết thực của Dự án và tin tưởng nguồn nhân lực trẻ được đào tạo trong khuôn khổ Dự án sẽ đóng góp tích cực trong lĩnh vực quản lý, tái chế CTRXD tại Việt Nam trong tương lai.
Phòng Hợp tác Quốc tế - HUCE
Một số hình ảnh của Buổi họp JCC và Hội thảo: