Ngày 06 và 07/7/2017, Trường Đại học Xây dựng (NUCE) đã phối hợp cùng trường Đại học Tasmania (UTAS) và trường Đại học Kiến trúc Hà Nội (HAU) đồng tổ chức buổi Hội thảo và Workshop Quốc tế với chủ đề “Kết cấu tre truyền thống và hiện đại” (tên tiếng Anh “Traditional and modern Bamboo structure”) với sự tham gia của các thầy, cô giáo và các bạn sinh viên chuyên ngành Kiến trúc của hai quốc gia Việt Nam – Úc.
Chuỗi hoạt động được diễn ra với mục đích: Tìm kiếm và trao đổi kinh nghiệm về phát triển Kiến trúc Xanh, Công trình kết cấu tre tại Việt Nam và trên thế giới; Tạo cơ hội học tập, trao đổi chuyên môn giữa giảng viên và sinh viên hai quốc gia Việt Nam – Úc; đồng thời hướng tới xây dựng các mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa các đơn vị trường đại học, cơ sở nghiên cứu, doanh nghiệp trong khu vực và quốc tế.
Toàn cảnh buổi Hội thảo và Workshop
Sử dụng Vật liệu tre – kết cấu tre trong xây dựng là một trong những truyền thống lâu đời của người dân Việt Nam trong công cuộc tạo lập nên môi trường sinh sống ổn định và bền vững. Có thể nói, sự hiện diện của cây tre trong đời sống người Việt từ ngàn đời nay đã thể hiện một nhân sinh quan gắn bó với thiên nhiên một cách tự nhiên và bền vững. Tuy nhiên, theo PGS.TS Phạm Hùng Cường – Trưởng Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường ĐHXD trong thời kì hiện đại, cây tre lại không được quan tâm sử dụng và phát triển bởi hoạt động xây dựng, phát triển đô thị chính thống, khiến cho vai trò cũng như sự đóng góp của cây tre đối với kiến trúc, xây dựng cũng giảm sút rõ rệt so với trước đây.
PGS.TS Phạm Hùng Cường – Trưởng Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường ĐHXD phát biểu tại buổi hội thảo
Hội thảo Tre (Sáng 06/07/2017 tại Đại học Xây dựng, TP. Hà Nội) Hội thảo bao gồm 5 bài trình bày, nói chuyện đến từ các nhà nghiên cứu, các kiến trúc sư, các nhà thầu xây dựng và sản xuất quan tâm, sử dụng tre trong kiến trúc và xây dựng dân dụng. Thông qua các bài nói chuyện này, hội thảo đã giới thiệu một cái nhìn tổng quan về việc sử dụng, áp dụng Kết cấu – vật liệu tre trong truyền thống xây dựng Việt Nam và các kinh nghiệm quốc tế. Các bài trình bày bao gồm:
Hội thảo đã nhận được sự quan tâm lắng nghe và trao đổi sôi nổi, hào hứng của các nhà chuyên môn, các kiến trúc sư, các bạn sinh viên tham dự. Các câu hỏi của hội thảo xoay quanh những vấn đề về Vật liệu, công nghệ xây dựng, tính thực tiễn trong thiết kế, bảo trì và vận hành, tính bền vững xã hội, sự bền vững của công trình trước biến đổi khí hậu và điều kiện tự nhiên. |
Workshop Tre(Chiều 06/07/2017 tại Trường ĐHXD; và cả ngày 07/07/2017 tại Nhà cộng đồng Suối Rè, tỉnh Hòa Bình, Việt Nam) Nội dung chuyên môn của Workshop do KTS Hoàng Thúc Hào, Giảng viên trường Đại học Xây dựng – Giám đốc Văn phòng Kiến trúc 1+1>2 điều phối chính, phối hợp với TS. Helen Norrie, Đại học Tasmania và KTS Jed Long thực hiện. Workshop có sự tham gia của 16 bạn sinh viên Kiến trúc chất lượng cao KDE đến từ Đại học Xây dựng, Việt Nam và 14 sinh viên đến từ đại học Tasmania, Úc. Đề bài của workshop là: “Cái chuồng Bò cho khu vực miền Trung - Việt Nam”. Đây là một đề bài tưởng chừng như giản đơn, quy mô nhỏ và hoàn toàn bị bỏ qua trong thực tế thiết kế kiến trúc hiện nay. Tuy vậy, với sự đặt đầu bài đơn giản và khác lạ này, các bạn sinh viên đã có cơ hội phát triển tư duy sáng tạo một cách tự do nhất. Trong ngày làm việc đầu tiên tại Đại học Xây dựng, các nhóm sinh viên đã tham gia với tinh thần nghiêm túc và cầu thị, đưa ra những giải pháp thiết kế ấn tượng, chứng minh được tính bền vững kết cấu và có tính thực tiễn cao. Kết quả của buổi thực hành là việc mỗi nhóm sinh viên đưa ra một khung công trình có mái được hoàn thiện đạt được các tiêu chí của đề bài đưa ra để workshop cùng phân tích, bàn luận, lựa chọn. Công trình được chọn đã được chính các thành viên tiến hành xây dựng tại một địa điểm thực tế (gần nhà Cộng đồng Suối Rè, tỉnh Hòa Bình) vào làm việc thứ hai. Kết quả của ngày làm việc này là việc các sinh viên đã thực sự có được những kinh nghiệm trong việc truyền tải những ý tưởng thiết kế ban đầu thành một công trình thực sự trong khi phải đối mặt với nhiều thách thức từ địa điểm, điều kiện tự nhiên và kĩ thuật xây dựng. Workshop đã kết thúc thành công với những thành quả chính là việc các thành viên tham gia có được những kiến thức, kinh nghiệm, trải nghiệm thực tế có giá trị, đồng thời tạo dựng được những cơ hội làm việc, hợp tác quốc tế trong tương lai. |
Một số hình ảnh tại Hội thảo và Workshop:
Các bạn sinh viên tham gia thảo luận tại buổi hội thảo
Một số mô hình của các bạn sinh viên
Workshop ngày thứ 2 – Các bạn sinh viên tiến hành làm công trình thực tế
Tổng kết Workshop và trao giấy chứng nhận cho các bạn sinh viên
ThS. KTS Nguyễn Thanh Tú & ThS. KTS Nguyễn Duy Thanh
Giảng viên Khoa Kiến trúc và Quy hoạch – Trường Đại học Xây dựng.
(Nguồn: Tạp chí kiến trúc)