Hoạt động chung

Hội thảo quốc tế về An toàn phòng cháy, thoát hiểm tại Việt Nam và kinh nghiệm của Nhật Bản

Sáng ngày 16/8/2018, tại trường Đại học Xây dựng (ĐHXD) đã diễn ra Hội thảo quốc tế về An toàn phòng cháy thoát hiểm tại Việt Nam và kinh nghiệm của Nhật Bản. Hội thảo do Trường ĐHXD phối hợp với Đại học Khoa học Tokyo tổ chức nhằm đưa ra thực trạng vấn đề, giải pháp, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế để giải quyết vấn đề hết sức cấp thiết về an toàn phòng hỏa tại Việt Nam và các nước châu Á.

Tham dự hội thảo, về phía Nhật Bản có: GS.TS Kyoichi Kobayashi – Trường ĐH Khoa học Tokyo; GS.TS Ohmiya Yoshifumi – Trường ĐH Khoa học Tokyo; TS. Shimada Taku – Giám đốc Công ty Akeno Facility Resilience Inc Nhật Bản cùng 11 giảng viên, NCS, học viên cao học đến từ ĐH Khoa học Tokyo. Về phía khách mời Việt Nam có: Thiếu tá Đoàn Tự Lập – Trưởng phòng Thẩm duyệt về PCCC – Cục Cứu nạn cứu hộ - Bộ Công an; KTS. Nguyễn Tấn Vạn – Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Tuấn Anh – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc; ThS. KTS. Đỗ Thanh Tùng – Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia. Về phía Trường ĐHXD có: PGS.TS Phạm Duy Hòa – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng; GS.TS Doãn Minh Khôi – Viện trưởng Viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị (UAI) cùng nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước.

Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Phạm Duy Hòa – Hiệu trưởng Trường ĐHXD nhấn  mạnh, an toàn phòng cháy trong Đô thị luôn là vấn đề được quan tâm. Đặc biệt, ở Việt Nam, trong những năm gần đây, với tốc độ phát triển đô thị nhanh chóng, hỏa hoạn đã trở thành nguy cơ rình tập trong các khu ở mật độ cao, các tòa chung cư cao tầng, kho xưởng và công trình công cộng. Trong bối cảnh đó, khoa học về an toàn cháy ngày càng phát triển. Các trường Đại học, các Viện nghiên cứu trên toàn thế giới, đặc biệt là ở Châu Á đã thiết lập một mạng lưới nghiên cứu nhằm chia sẻ kinh nghiệm về các nghiên cứu cơ bản và ứng dụng phòng chống cháy nổ, giảm thiểu tổn thất về người và tài sản. Trường ĐHXD có lịch sử hơn 60 năm đào tạo, là một trong bốn trường Đại học đầu tiên của Việt Nam được công nhận đạt chuẩn kiểm định quốc tế từ năm 2017, là nơi tập trung nhiều nhà khoa học, chuyên gia về lĩnh vực kiến trúc – xây dựng. Viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị (UAI) là một trong các cơ sở khoa học công nghệ của Trường, là thành viên của mạng lưới nghiên cứu an toàn cháy châu Á đã kết nối với các trung tâm, các Viện Quốc tế trong đào tạo và NCKH phòng cháy, đặc biệt với các tổ chức và các nhà khoa học Nhật Bản. PGS.TS Phạm Duy Hòa tin tưởng, Hội thảo sẽ là diễn đàn để các nhà khoa học chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi các phương pháp nghiên cứu, tiêu chuẩn và quy chuẩn phòng cháy chữa cháy, những biện pháp và công nghệ phòng cháy cứu hộ tiên tiến. Hội thảo cũng là cơ hội để các nhà tư vấn, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu tham khảo và bổ sung các thông tin khoa học hữu ích để các sản phẩm tư vấn và sản xuất của mình hướng tới mục tiêu an toàn và chất lượng. Thay mặt Nhà trường, thầy Hiệu trưởng gửi lời cảm ơn các quý vị đại biểu, các nhà khoa học, các cơ quan, doanh nghiệp đã đến tham dự hội thảo, đặc biệt là các giáo sư và các nhà tư vấn đến từ Nhật Bản đã đồng hành trong quá trình tổ chức hội thảo.


PGS.TS Phạm Duy Hòa – Hiệu trưởng Trường ĐHXD phát biểu tại hội thảo

Hội thảo diễn ra với 12 bài báo cáo và trao đổi chuyên môn do các chuyên gia trình bày bao gồm:

1.    An toàn cháy tại Việt Nam, những thách thức và giải pháp tổng thể do GS.TS Doãn Minh Khôi – Viện trưởng Viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị (UAI) trình bày.
2.    Tình trạng hỏa hoạn tại Nhật Bản, những biến đổi của Luật phòng hỏa và hiệu quả của nó do GS. Kobayhashi trình bày;
3.    Thiết kế an toàn phòng hỏa cho công trình kiến trúc do GS. Ohimya trình bày;
4.    Hỏa hoạn chung cư Carina dưới góc nhìn Nhật Bản do đại điện Công ty Akeno trình bày;
5.    An toàn phòng cháy cho công trình kiến trúc. Kinh nghiệm từ Cộng hòa Pháp do TS.KTS Nguyễn Việt Huy – Bộ môn Kiến trúc Dân dụng, Trường ĐHXD trình bày;
6.    Giải pháp thoát nạn và bảo đảm an toàn cho người khi có sự cố cháy ở các tòa nhà siêu cao tầng do Thiếu tá Đoàn Tự lập – Trưởng phòng Thẩm duyệt PCCC trình bày;
7.    An toàn cháy trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội ThS. KTS. Phạm Tuấn Long – Phòng CCC Quận Hoàn Kiếm trình bày;
8.    Sự bất cập của thang bộ N1 qua kinh nghiệm thiết kế các công trình cao tầng tại Việt Nam do KTS. Nguyễn Trung Dũng – Tổng giám đốc Công ty Cubic trình bày.
9.    Thạch cao, một trong các vật liệu chống cháy trong xây dựng do Trần Hữu Việt – Tổng giám đốc Công ty TNHH Saint-Gobain Miền Bắc Việt Nam trình bày
10.    Các văn bản pháp lý và giải pháp PCCC trong đô thị do TS. Lê Bích Thuận – Tổng hội Xây dựng Việt Nam trình bày
11.    Những bất cập của tiêu chuẩn 06 về PCCC trong xây dựng do TS. Nguyễn Tất Thắng – Coong ty Viar trình bày
12.    Quan sát thực nghiệm về hiện tượng nứt vỡ bề mặt Bê tông do tác động gia nhiệt phi tiêu chuẩn  do PGS.TS Nguyễn Trường Thắng – Bộ môn Bê tông cốt thép, Trường ĐHXD trình bày
 

Một số hình ảnh tại triển lãm

Trang Ninh – Phòng TT&TT