Hoạt động chung

Hội thảo khởi động Dự án và Khánh thành phòng thí nghiệm SATREPS: “Phát triển hệ thống cấp nước thích ứng với nguồn nước ô nhiễm”

Ngày 13/3/2024, tại Trường Đại học Xây dựng Hà Nội (ĐHXDHN) đã diễn ra Hội thảo khởi động và Khánh thành phòng thí nghiệm Dự án SATREPS: “Phát triển hệ thống cấp nước thích ứng với nguồn nước ô nhiễm” do Trường Đại học Xây dựng Hà Nội và Đại học Nagasaki Nhật Bản thực hiện trong thời gian 5 năm (2023 – 2028) dưới sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Cơ quan Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (JST).

Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự Hội thảo, về phía Nhật Bản có bà Uno Junko – Đại diện JICA Nhật Bản; ông Shinoda Takanobu – Phó trưởng đại diện JICA Việt Nam; GS.TS. Takahiro Fujioka – Đại học Nagasaki, Chủ nhiệm Dự án phía Nhật Bản cùng các chuyên gia là thành viên trong Dự án.

Về phía Việt Nam có ông Trần Hoài Anh – Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng; ông Nguyễn Ngọc Điệp – Chủ tịch Hiệp hội Cấp thoát nước Việt Nam; PGS.TS. Hoàng Tùng - Hiệu trưởng Trường ĐHXDHN ; PGS.TS. Nguyễn Hoàng Giang – Phó Hiệu trưởng, Giám đốc Dự án; GS.TS. Nguyễn Việt Anh – Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam, Trưởng Bộ môn Cấp thoát nước; PGS.TS. Trần Thị Việt Nga – Trưởng Khoa Kỹ thuật Môi trường, Chủ nhiệm Dự án phía Việt Nam; TS. Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng Phòng Hợp tác Quốc tế; Công ty Cấp thoát nước tại các tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Trường ĐH Thủy Lợi,…cùng các chuyên gia, các thành viên trong Dự án.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Hoàng Tùng - Hiệu trưởng Nhà trường bày tỏ niềm vui mừng khi Dự án SATRPES được đề xuất bởi Trường Đại học Xây dựng Hà Nội và Trường Đại học Nagasaki (NU) Nhật Bản, cùng với sự phối hợp của các đối tác quan trọng của hai nước như: JICA, JST, Bộ Xây dựng, Công ty Cấp thoát nước tại các tỉnh, các trường đối tác.

Dự án SATREPS “Phát triển hệ thống cấp nước thích ứng với nguồn nước ô nhiễm” là dự án trọng điểm do Chính phủ Nhật Bản tài trợ thông qua JST và JICA, có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần bảo vệ tài nguyên nước, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, hướng tới sự phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường của Quốc gia. Đồng thời, Dự án cũng là cơ hội để các giảng viên, nghiên cứu viên Trường ĐHXDHN nâng cao hơn nữa công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực môi trường, môi trường nước.

PGS.TS. Hoàng Tùng - Hiệu trưởng Trường ĐHXDHN phát biểu tại Hội thảo

PGS.TS Hoàng Tùng cũng cam kết rằng Trường ĐHXDHN sẽ luôn hỗ trợ, tạo điều kiện về nguồn lực nhân sự, cơ sở vật chất cần thiết để Dự án đạt được những mục tiêu đề ra. Bên cạnh đấy,  PGS.TS Hoàng Tùng  bày tỏ mong muốn sau khi nghiên cứu thành công, với sự hỗ trợ của Bộ Xây dựng cùng VWSA và các công ty, đối tác thì công nghệ xử lý nước tiên tiến với giá thành hợp lý này sẽ đi vào thực tế.

Ông Shinoda Takanobu – Phó Trưởng đại diện JICA Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Tiếp đó, ông Shinoda Takanobu – Phó Trưởng đại diện JICA Việt Nam bày tỏ tin tưởng về khả năng hợp tác giữa hai bên và kỳ vọng về những ý nghĩa quan trọng mà dự án mang lại trong tương lai. Đồng thời, tin rằng trên cơ sở hợp tác chiến lược sâu rộng, tin cậy lẫn nhau, hai nước sẽ đẩy mạnh hợp tác hơn nữa trên nhiều phương diện.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Hoài Anh – Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật, Bộ Xây dựng đánh giá cao Dự án hợp tác lần này giữa Trường ĐHXDHN và Đại học Nagasaki Nhật Bản. Ông Trần Hoài Anh cho biết, Việt Nam có khoảng 750 nhà máy nước sạch với tổng công suất 11,2 triệu m3/ngđnhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu cho người dân.  Cùng với đó, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng trong thời gian qua và tình trạng ô nhiễm nguồn nước đã kéo theo nhiều hệ lụy. Do đó, kết quả nghiên cứu sẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhằm đảm bảo cấp nước an toàn cho người dân. Ông Trần Hoài Anh bày tỏ mong muốn triển khai thành công Dự án và hai Bên sẽ có thêm nhiều dự án hợp tác hiệu quả hơn nữa trong tương lai.

Ông Trần Hoài Anh – Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật, Bộ Xây dựng phát biểu tại Hội thảo

Giới thiệu tổng quan về Dự án và các kết quả dự kiến, PGS.TS Trần Thị Việt Nga - Chủ nhiệm Dự án phía Việt Nam cho biết, hiện nay, ô nhiễm môi trường nước đang có xu hướng gia tăng và là vấn đề đáng báo động ở Việt Nam và trên toàn thế giới, nguồn nước cấp đang bị ô nhiễm trầm trọng. Với mục tiêu chung là phát triển công nghệ xử lý nước tiên tiến, tiết kiệm chi phí tại Việt Nam đảm bảo tiếp cận nước sạch cho ăn uống và sinh hoạt, trong khi đó chi phí xử lý nước đối với nguồn nước ô nhiễm để đáp ứng yêu cầu chất lượng nước thường rất cao. Do đó, Dự án được xây dựng để phát triển hệ thống xử lý nước cấp đạt mục tiêu cấp nước an toàn, chi phí hợp lý và vận hành ổn định ở các nước đang phát triển. Nhằm phát triển hệ thống xử lý nước ứng dụng công nghệ màng lọc nano tiên tiến có mức độ tiêu thụ năng lượng và hoá chất thấp. Và hệ thống quan trắc chất lượng nước online với tiêu chí giảm mạnh về giá thành và luôn đảm bảo cấp nước an toàn.

Dự án có 5 hợp phần chủ yếu là thiết lập các kỹ thuật kiểm soát tắc nghẽn cho màng lọc nano, phát triển các cấu kiện màng đặt ngập, công cụ quan trắc đảm bảo chất lượng nước an toàn. Kiểm chứng hiệu quả của hệ thống màng nano đặt ngập và xây dựng nền tảng phát triển thị trường kinh doanh cho hệ thống màng.

 

PGS.TS Hoàng Tùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cùng đại diện JICA Việt Nam cắt băng khánh thành Phòng thí nghiệm SATREPS

PGS.TS Hoàng Tùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội tặng hoa chúc mừng ông Shinoda Takanobu - Phó Trưởng đại diện JICA Việt Nam đã đồng hành cùng Dự án

Đại diện lãnh đạo Nhà trường và các chuyên gia, đối tác chụp ảnh lưu niệm chúc mừng Hội thảo thành công

Phòng Truyền thông & Tuyển sinh