Ngày 23-24/11, tại Hà Nội diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế về “Đào tạo - Nghiên cứu về an toàn cháy ở châu Á”, do Viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị (UAI) - Trường Đại học Xây dựng Hà Nội và Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy (ĐHPCCC) phối hợp tổ chức. Đây là sự kiện được tổ chức 2 năm một lần tại các nước nằm trong mạng lưới đào tạo, nghiên cứu về an toàn cháy châu Á. Hội thảo năm 2023 được tổ chức tại Việt Nam là Hội thảo lần thứ 9.
Tham dự Hội thảo có các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, cũng như đại diện các cấp lãnh đạo. Về phía Trường Đại học Khoa học Tokyo (ĐHKH Tokyo) có:
GS.TS Kazunori Kuwana – Trưởng Khoa Khoa học và công nghệ Phòng hoả toàn cầu; GS.TS Ken Matsuyama, Giám đốc trung tâm nghiên cứu Phòng hoả; GS.TS. Ichiro Hagiwara , PGS.TS. Masayuki Mizuno, Cùng 12 NCS, học viên cao học được đào tạo tại TUS.
Về phía Hàn quốc có GS. Kyungok Kwon, Chủ tịch phòng thí nghiệm phòng hoả Lamina, Hàn Quốc;
Về phía Trường ĐHPCCC và Cứu nạn cứu hộ, Bộ CA có Đại tá. TS Phạm Văn Năm - Phó hiệu trưởng, cùng các sĩ quan giảng viên các khoa, phòng ban.
Về phía Trường ĐHXD Hà Nội có PGS.TS Hoàng Tùng - Hiệu trưởng, GS. TS Doãn Minh Khôi, Viện trưởng Viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị;
Về phía các quan khách được mời ngoài trường có Ông Trần Ngọc Chính - Nguyên thứ trưởng Bộ XD, Chủ tịch Hội Quy hoạch Việt Nam , PGS.TS Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường Bộ Xây dựng; Ông Nguyễn Hoàng Tùng - Phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm; KTS Đặng Kim Khôi - Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Đại tá PGS.TS Nguyễn Minh Khương - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH; Đại tá Hoàng Văn Bình - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an thành phố Hải Phòng, PGS.TS Nguyễn Trọng Thuật - Chủ tịch Hội đồng trường ĐHKT Hà Nội, KTS Lê Trương - Chủ tịch Hội Nội thất Việt nam.
Cùng nhiều chuyên gia, nhà khoa học thuộc Vụ Quản lý Kiến trúc Quy hoạch, Viện Kiến trúc quốc gia, Viện nghiên cứu vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng; Trường Đại học Kiến trúc, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội; các công ty tư vấn CUBIC, SUNJIN Việt Nam, TTAs..; các đơn vị truyền thông đến tham dự và đưa tin; và đại diện các nhà tài trợ cho Hội thảo:
- Nhà tài trợ Bạc: Công ty TNHH Công nghệ vật liệu DH Việt Nam
- Nhà tài trợ Đồng: Công ty Hitli Việt Nam; Công ty TNHH kỹ thuật xây dựng Epower.
Trong những năm gần đây, với tốc độ phát triển đô thị nhanh chóng, hỏa hoạn đã trở thành nguy cơ gây mất an toàn trong các đô thị Việt Nam, tại các khu ở mật độ cao, các tòa chung cư cao tầng, kho xưởng và công trình công cộng. Trong bối cảnh đó, khoa học về an toàn cháy ngày càng phát triển tại các cơ sở giáo dục đại học, các viện nghiên cứu trên toàn thế giới. Tại châu Á đã thiết lập một mạng lưới nghiên cứu khoa học về an toàn cháy nhằm chia sẻ kinh nghiệm, cung cấp thông tin, phổ biến các kiến thức cơ bản, trong các khâu thiết kế kiến trúc, tính toán kết cấu, thi công, thoát hiểm...Diễn đàn là nơi chia sẻ kinh nghiệm an toàn phòng hỏa giữa các nước tiến tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng công, Newdeland và các nước khác trong khu vực Châu Á. Các hội thảo khoa học của tổ chức “Đào tạo, nghiên cứu an toàn cháy châu Á” đã diễn ra đều đặn hàng năm ở các nước khác nhau.
GS. TS Doãn Minh Khôi - Viện trưởng Viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị Trường ĐHXDHN khẳng định: Hội thảo lần thứ 9 sẽ là diễn đàn để các nhà khoa học chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi các phương pháp giảng dạy, nghiên cứu, áp dụng tiêu chuẩn và quy chuẩn PCCC, những biện pháp và công nghệ phòng cháy cứu hộ tiên tiến. Hội thảo cũng sẽ là cơ hội để các nhà tư vấn, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu tham khảo và bổ sung các thông tin khoa học hữu ích để các sản phẩm của mình hướng tới mục tiêu an toàn và chất lượng.
Tại Hội thảo ngày 23/11/ 2023 tại Trường ĐHXDHN, các chuyên gia đã trình bày các tham luận về các chủ đề khác nhau tập trung vào giáo dục, nghiên cứu khoa học an toàn với các giải pháp sáng tạo cho các vấn đề mà khoa học an toàn cháy cần giải quyết trong tương lai : An toàn sơ tán trong nhà cao tầng; Những bất cập trong PCCC, từ quy định cho đến thực tế áp dụng trong công trình công cộng và công trình hỗn hợp đa chức năng; bãi đố xe chữa cháy cho nhà chung cư cao tầng; Đề xuất 1 số tiêu chuẩn cho phòng cháy kết cấu bê tông cốt thép; Kinh nghiệm thiết kế PCCC trong 1 số công trình đặc thù như: nhà trẻ, mầm non, nhà xưởng có chiều cao hơn 5,5m, các công trình phi tiêu chuẩn…Nghiên cứu áp dụng, tích hợp mô phỏng sơ tán VR (thực tế ảo) và các mô hình mô phỏng sơ tán đa tác nhân;
Đặc biệt, hội thảo còn có sự tham gia của 5 nhóm NCS, học viên cao học đến từ TUS Nhật bản. Các nhóm đã trình bày các nghiên cứu của nhóm mình và được các thành viên tham dự bỏ phiếu đánh giá. Kết quả có 1 giải nhất, 2 giải nhì của Việt Nam và Nhật Bản.
Theo Chương trình, Hội thảo tiếp tục diễn ra ngày thứ hai (ngày 24/11) tại Trường ĐH PCCC. Tại đây diễn ra buổi toạ đàm với chủ đề “Thực trạng, thách thức và kinh nghiệm đảm bảo an toàn PCCC cho nhà ở và công trình ở Việt Nam”. Trung tướng PGS.TS Lê Quang Bốn - Hiệu trưởng Nhà trường đã khai mạc hội thảo, đánh giá cao hoạt động nghiên cứu đào tạo trong lĩnh vực PCCC giữa 3 trường đại học.
Sau khi trao đổi các kinh nghiệm giữa chuyên gia nước ngoài và Việt Nam, Lãnh đạo trường PCCC đã giới thiệu một số các thiết bị, phương tiện PCCC do các giảng viên của Nhà trường nghiên cứu chế tạo, thuộc các đề tài NCKH cấp quốc gia, sắp được nghiệm thu đưa vào sử dụng. Những nghiên cứu này thể hiện sự sáng tạo, linh hoạt của đội ngũ chuyên gia trong nước để thích ứng với điều kiện kinh tế - xã hội - thực địa tại Việt Nam, nâng cao chất lượng và hiệu quả PCCC nhanh chóng, an toàn. Cuộc diễn tập thử nghiệm tính năng các thiết bị đã nhận được nhiều lời khen của các chuyên gia quốc tế và Việt Nam.
Sau hai ngày làm việc (23 - 24/11/2023) Hội thảo Khoa học quốc tế “Đào tạo, nghiên cứu an toàn cháy châu Á” đã diễn ra tốt đẹp, hứa hẹn tương lai hợp tác lâu dài và hiệu quả giữa Việt Nam và các nước trong mạng lưới của Diễn đàn.
Tin và Ảnh: Doãn Thanh Bình (UAI)
Phòng Truyền thông & Tuyển sinh