Hoạt động chung

Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản và Châu Âu trong xác định định mức năng lượng cho Công trình Net Zero”

Ngày 18/9/2024, dưới sự bảo trợ của Bộ Xây dựng, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội (ĐHXDHN) phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Năng lượng Nhật Bản (ECCJ) tổ chức Hội thảo “Chia sẻ Kinh nghiệm của Nhật Bản và Châu Âu trong xác định định mức năng lượng cho Công trình Net Zero” với mong muốn tạo điều kiện trao đổi kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn về phát triển các công trình Net Zero, giúp tăng cường năng lực và phát triển cộng đồng thực hành Xanh trong ngành Kiến trúc - Xây dựng của Việt Nam.

Toàn cảnh Hội thảo

Mục đích của Hội thảo hướng đến các kỹ thuật triển khai nội dung của “Kế hoạch hành động của ngành Xây dựng ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26”. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến ở nhiều điểm cầu tại Việt Nam, Nhật Bản.

Tham dự Hội thảo, về phía khách mời có PGS.TS Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng; Ông Masaki Kamiura - Phó Giám đốc Ban Quan hệ quốc tế, Cục Tài nguyên thiên nhiên và Năng lượng, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản; Ông Katsuhiko Yamamoto - Tổng Giám đốc phòng Quan hệ quốc tế, Trung tâm Bảo tồn năng lượng Nhật Bản. Về phía Trường ĐHXDHN có PGS.TS Nguyễn Hoàng Giang - Phó Hiệu trưởng; TS. Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng phòng Hợp tác quốc tế; TS. Nguyễn Cao Lãnh - Trưởng khoa Kiến trúc và Quy hoạch; TS. Nguyễn Thành Trung - Phó Trưởng khoa Kỹ thuật Môi trường; đại diện các nhà nghiên cứu quản lý dự án xây dựng Trường ĐH Wolverhampton (Vương quốc Anh) cùng đại diện các Bộ, ngành Trung ương; đại diện Sở Xây dựng một số tỉnh, thành phố; chuyên gia các viện nghiên cứu trong nước và quốc tế; đại diện các doanh nghiệp, đơn vị tư vấn, nhà đầu tư.

PGS.TS Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ KHCN&MT, Bộ Xây dựng phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ KHCN&MT, Bộ Xây dựng nhấn mạnh sự cần thiết phát triển công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, hướng tới giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường, đồng thời cho biết, Hội thảo là cơ hội để chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản, Vương quốc Anh về việc xác định định mức năng lượng cho các dạng công trình, đặc biệt là các công trình Xanh, công trình tiết kiệm năng lượng hướng tới Net Zero, từ đó đưa ra những khuyến nghị phù hợp với thực tế ở Việt Nam.

Vụ trưởng Vũ Ngọc Anh đánh giá, Nhật Bản và Vương quốc Anh là các quốc gia đi trước, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, công trình cân bằng năng lượng và công trình trung hòa carbon. Việc học tập, đúc rút những kinh nghiệm từ Nhật Bản và Vương quốc Anh để thực hiện các công trình cân bằng năng lượng, trung hòa carbon ở Việt Nam sẽ góp phần hiện thực hóa cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26.

PGS.TS Nguyễn Hoàng Giang - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHXDHN phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hoàng Giang - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHXDHN khẳng định tầm quan trọng của Hội thảo về chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản và Châu Âu hướng tới mục tiêu đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 như cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26. PGS.TS Nguyễn Hoàng Giang cho biết, hiện nay, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, quy định ở các cấp độ khác nhau, hệ thống tiêu chuẩn - quy chuẩn trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, phát triển công trình Xanh, công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả. Do đó, việc triển khai ZEB tại Việt Nam đã có những thuận lợi cơ bản - đó là quyết tâm, cam kết của Việt Nam trong việc tăng cường hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực hướng đến mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Nhận thức được sứ mệnh, với chiến lược thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo, đóng góp vào sự phát triển bền vững của Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Hoàng Giang nhấn mạnh Trường ĐHXDHN đã tập trung xây dựng các đề tài nghiên cứu, đào tạo, tư vấn gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp.

Các diễn giả trình bày tham luận tại Hội thảo

Hội thảo được chia thành hai phần: phần tham luận với nhiều bài trình bày chất lượng của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực môi trường và biến đổi khí hậu; và phần thảo luận về Phát triển định mức năng lượng cho công trình dân dụng giữa các chuyên gia, diễn giả khách mời.  Phần tham luận của các diễn giả đã đưa ra những quan điểm, bình luận rất hữu ích để người nghe có những góc nhìn đa chiều về những vấn đề liên quan đến môi trường và biến đổi khí hậu. Các diễn giả cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm từ các quý vị tham dự hội thảo như giải pháp phát triển tài chính xanh, các biện pháp để nâng cao nhận thức của doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường, xây dựng kinh tế tuần hoàn và giảm lượng phát thải khí CO2.

Các đại biểu và khách mời tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Định mức năng lượng là một công cụ quan trọng giúp đánh giá hiệu quả năng lượng của các công trình xây dựng. Nó so sánh mức tiêu thụ năng lượng của tòa nhà với các cơ sở tương tự và hỗ trợ trong các quyết định tiết kiệm năng lượng. Do đó, định mức năng lượng là một công cụ quý giá trong việc thúc đẩy áp dụng các giải pháp công nghệ năng lượng xanh, giúp giảm chi phí vận hành và mang lại lợi ích cho môi trường. Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam chưa công bố định mức năng lượng cho các thể loại công trình dân dụng theo các vùng khí hậu, vì vậy cũng chưa thể có định mức năng lượng cho công trình Net Zero.

Phòng Truyền thông và Tuyển sinh