Ngày 17/4/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị "Đào tạo trực tuyến giáo dục đại học trong dịch Covid 19” do PGS.TS Nguyễn Văn Phúc – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì. Tham dự hội nghị đào tạo trực tuyến (ĐTTT) có PGS.TS Nguyễn Văn Phúc – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; PGS. TS Nguyễn Thu Thủy - Q Vụ trưởng Vụ GDĐH; TS. Nguyễn Sơn Hải – Cục trưởng Cục CNTT; PGS. TS Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ GDĐH và hơn 300 điểm cầu gồm các trường ĐH,CĐ và doanh nghiệp viễn thông. các nhà cung cấp công nghệ, dịch vụ hạ tầng kỹ thuật hàng đầu của Việt Nam và thế giới như Tập đoàn Viettel, VNPT, MobiFone, Vietnam Mobile, Microsoft, Google, Amazon, FPT....
Tại điểm cầu trường Đại học Xây dựng, tham dự hội nghị có PGS. TS Phạm Duy Hòa - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng; PGS.TS Nguyễn Đình Thi – Chủ tịch Hội đồng Trường; PGS. TS Phạm Xuân Anh – Phó Hiệu trưởng; PGS.TS Nguyễn Hoàng Giang – Phó Hiệu trưởng; PGS.TS Hoàng Tùng – Phó Hiệu trưởng.
Điểm cầu trực tuyến tại trường Đại học Xây dựng
Sẽ cho phép tỷ lệ đào tạo trực tuyến trong đào tạo đại học chính quy
Theo PGS. TS Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, hội nghị được tổ chức nhằm tạo ra diễn đàn kết nối hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học và các tập đoàn công nghệ để chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục đại học, đặc biệt là trong đào tạo trực tuyến; hướng tới phát triển các hoạt động này cho giáo dục đại học Việt Nam trong tương lai, chứ không chỉ trong bối cảnh có dịch Covid-19. Các trường đại học có đầy đủ căn cứ pháp lý để đào tạo, công nhận kết quả trực tuyến. Bộ GD-ĐT cũng đang sửa đổi quy chế đào tạo chính quy đại học theo hướng cho phép các trường được triển khai một số tỷ lệ nhất định đào tạo trực tuyến trong toàn bộ chương trình. Đây là cách thức mà các trường đại học nước ngoài đã thực hiện và cho thấy hiệu quả bởi kết hợp được ưu điểm của đào tạo truyền thống và đào tạo trực tuyến, tạo điều kiện cho sinh viên học mọi lúc mọi nơi, phát huy được khả năng tự học.
Báo cáo tại hội nghị bà Nguyễn Thu Thủy, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học – Bộ GD&ĐT cho biết, hiện nay đã có 110 cơ sở giáo dục triển khai đào tạo trực tuyến (trong tổng số 240 trường) ở các mức độ từ đơn giản đến nâng cao, chiếm 45%, trong đó có 63 trường ĐH công lập và 42 trường dân lập; 42% cơ sở giáo dục đại học chưa thực hiện đào tạo trực tuyến (gồm 82 trường, trong đó có 15 trường đại học ngoài công lập); Khối An ninh Quốc phòng vẫn đào tạo tập trung là 13% (33 trường).
45% cơ sở giáo dục đại học thực hiện đào tạo trực tuyến
70% sinh viên dân tộc và miền núi, vùng khó khăn bị hạn chế học trực tuyến
Đó là con số thống kê của Bộ GD&ĐT đến thời điêm hiện tại. Các trường thành viên phần lớn đã có Cổng thông tin Đào tạo, phần mềm chuyên dụng; sử dụng phần mềm miễn phí và mất phí tổ chức dạy học online trên nền tảng của Google: Zoom meeting, Edemy, google meet, TranS, hoặc nhóm Zalo, Facebook,..
Kinh nghiệm giảng dạy online của một số giảng viên giai đoạn đầu còn lúng túng, thói quen học thông qua các phương tiện công nghệ của sinh viên còn hạn chế; Các môn học chủ yếu vẫn dựa trên nền tảng zoom, các mạng xã hội facebook, zalo…để gửi tài liệu, giao và kiểm tra bài tập, do vậy tính chuyên nghiệp và bảo mật không cao.
Các đại biểu tại hội nghị kiến nghị Chính phủ có cơ chế, chính sách hỗ trợ các trường có nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để họ có điều kiện tham gia học tập trực tuyến.
Trước tình hình dịch virus Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, Trường Đại học Xây dựng là một trong những trường Đại học đầu tiên triển khai sớm và đồng bộ chương trình học và dạy trực tuyến trong toàn trường, bắt đầu từ ngày 24/02/2020, nhằm đảm bảo tối đa sự an toàn cho bản thân các sinh viên cũng như cộng đồng mà không gây ảnh hưởng đến kế hoạch đào tạo của Nhà trường. Các giảng viên tích cực cập nhật tài liệu môn học, giáo trình, bài giảng, các video hướng dẫn, giao bài tập lên hệ thống để sinh viên có thể truy cập, tự học tập, nghiên cứu ở nhà dưới sự hướng dẫn từ xa của thầy cô. Từ tháng 4/2020, trường đưa thêm hệ thống học liệu trực tuyến cms.nuce.edu.vn vào sử dụng, các giảng viên có thể sử dụng để hỗ trợ cho việc giảng dạy trực tuyến (chia sẻ bài giảng, yêu cầu bài tập, thu bài, kiểm tra...), nhà trường cùng gia đình, thầy cô cùng sinh viên - cùng nhau chia sẻ, đồng hành vượt qua giai đoạn khó khăn, thử thách này
Đây cũng là giai đoạn chuyển mình, tìm hướng đi mới của nhiều trường đại học, cao đẳng, hướng tới phát triển đồng thời các hoạt động dạy và học trực tuyến cho phương thức đào tạo trong giai đoạn tới.
Một buổi học trực tuyến tại trường Đại học Xây dựng
Phải có hướng dẫn về tiêu chuẩn đào tạo trực tuyến và thực hiện khảo thí
Đó là ý kiến của một số trường đại học tại hội nghị. Các ý kiến đề xuất từ các trường Đại học xoay quanh các vấn đề:
-Bộ GD&ĐT cần xây dựng quy chế, quy chuẩn dựa trên đảm bảo chất lượng, đứng về phía người học không nên đi quá sâu về kỹ thuật vì công nghệ thay đổi liên tục.
-Bộ GD&ĐT cần hợp tác với Bộ TTTT để đi đầu về chuyển đổi công nghệ số - đây là cơ hội để các trường đại học có thể chia sẻ học liệu với nhau để phục vụ đào tạo một cách tốt nhất;
-Bộ GD&ĐT cần có hệ thống các văn bản quản lý về đào tạo trực tuyến để giúp các trường thúc đẩy đào tạo trực tuyến mang tính đồng bộ như học và khảo thí, đặc biệt, chiến lược quốc gia về giáo dục đào tạo thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0;
-Bộ GD&ĐT cần có hướng dẫn thống nhất cho các trường ban hành văn bản hướng dẫn về đào tạo trực tuyến kết hợp với đào tạo truyền thống;
-Bộ GD&ĐT, Bộ TT-TT nên có sản phẩm hỗ trợ E-Learning đơn giản nhất với các giải pháp, ứng dụng dành cho lĩnh vực giáo dục…cung cấp miễn phí giải pháp nền tảng học và thi trực tuyến E-Learning, đồng thời, có thể miễn phí data 3G/4G cho SV, đảm bảo cho hệ thống máy chủ độc lập được bảo mật cao.
-Bộ GD&ĐT cần có quy định về quy chuẩn cơ bản việc đào tạo theo hình E-learning là xu thế tất yếu của xã hội, qui định chuẩn tối thiểu về đào tạo E-learning như: Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, người dạy, người học, đề cương học phần…
-Ngoài ra, Bộ cần phát triển hệ thống LMS và LCMS phù hợp hỗ trợ cho việc đào tạo trực tuyến. (LMS quản lý các hoạt động học tập online, LCMS quản lý nội dung học tập). Phát triển nguồn học liệu bài giảng đa phương tiện cho đào tạo trực tuyến.
-Xem đào tạo trực tuyến, E-learning là xu hướng tất yếu không phải chỉ để giải quyết trong tình hình dịch bệnh hiện nay.
-Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin và truyền thông cần có chính sách rõ ràng về hỗ trợ data di động cho người học, giảng viên và phụ huynh trong thời điểm diễn ra dịch bệnh.
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thu Thủy, quyền Vụ trưởng Vụ GDĐH , đại diện cho Bộ GDĐT khẳng định: "Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành xây dựng các chính sách đồng bộ trong việc hỗ trợ các cơ sở đào tạo; đầu tư, phát triển hạ tầng công nghệ; Xây dựng chiến lược, giải pháp khả thi theo đó có những mục tiêu, chỉ số phát triển cụ thể về chất lượng, số lượng hệ thống e-learning/tổng số cơ sở đào tạo". Bà Thủy cũng cho hay, Bộ GD&ĐT sẽ sửa đổi quy chế đào tạo các trình độ của giáo dục đại học đối với hình thức đào tạo chính quy, cho phép tỷ lệ % ĐTTT…Đồng thời, ban hành quy chế bảo đảm chất lượng các chương trình thực hiện theo hình thức ĐTTT.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, phương thức học và dạy trực tuyến trong giai đoạn khó khăn này là thách thức nhưng cũng là thời cơ để các cơ sở giáo dục thay đổi phương thức đào tạo, là xu thế tất yếu của xã hội. Ông hy vọng rằng các trường chia sẻ, hỗ trợ nhau kinh nghiệm, cơ sở dữ liệu, xây dựng kho học liệu số để cùng khai thác nguồn tài nguyên kiến thức , có sự đồng hành, hỗ trợ của các doanh nghiệp, các nhà cung cấp công nghệ, dịch vụ hạ tầng kỹ thuật .