Trong những ngày đầu tháng 3 năm 2024, Đề tài NCKH cấp Bộ Xây dựng RD 49-22 “Nghiên cứu giải pháp và công nghệ xây dựng nhà ở cho đồng bào dân tộc vùng núi phía Bắc sử dụng vật liệu tại chỗ” do Trường Đại học Xây dựng Hà Nội chủ trì, được thực hiện bởi các thành viên là giảng viên khoa Xây dựng DD&CN, Khoa Kiến trúc & Quy hoạch, Khoa Vật liệu xây dựng, đã nhận được chứng nhận LOTUS của Hội đồng công trình xanh Việt Nam (Vietnam Green Building Council -VGBC) cho:
1. Sản phẩm Gạch đất gia cố xi măng dạng nén tự chèn (Interlocking Compressed Cement Stabilized Earth Blocks)
Nhằm đảm bảo nhà ở an toàn và giảm thiểu chi phí xây dựng, nhóm tác giả của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội do PGS.TS. Nguyễn Trung Hiếu làm chủ nhiệm đề tài đã nghiên cứu tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ như nguồn đất đồi, đất không có khả năng canh tác để làm nhà ở thân thiện với môi trường cho bà con vùng cao các tỉnh phía Bắc. Thông qua những công đoạn đơn giản như đất đồi, xi măng trộn đều với nước, vữa được đưa vào máy ép thủy lực, những viên gạch đất gia cố xi măng dạng nén tự chèn đã được ra đời. Đây là công trình nghiên cứu có tính liên ngành giữa Kiến trúc – Kết cấu – Vật liệu – Cơ khí của các Khoa trong trường.
2. Nhà thân thiện môi trường sử dụng gạch đất gia cố xi măng dạng tự chèn (Eco-Friendly House using Interlocking Compressed Cement Stabilized Earth Blocks).
Ngày 17/12/2023, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Ngân hàng Thương mại Cổ phần ngoại thương Việt Nam Vietcombank phối hợp với Huyện đoàn Đà Bắc tổ chức bàn giao nhà 02 Nhân ái bằng gạch đất không nung cho hai gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại xóm Chầm, xã Tân Minh, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Đây là địa bàn miền núi mà người dân còn rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhiều hộ sống trong các ngôi nhà tạm bợ.
Nhà Nhân ái có tường được xây bằng gạch đất gia cố xi măng dạng nén tự chèn, mái nhà được lợp bằng lá cọ. Theo nghiên cứu của nhóm tác giả, tuổi thọ của những ngôi nhà này có thể lên tới 20 năm. Quá trình thi công xây dựng nhà được thực hiện bởi chính những người dân địa phương, dưới sự hướng dẫn, chuyển giao công nghệ sản xuất, thi công xây dựng của nhóm tác giả đề tài RD 49-22.
Những sản phẩm được Hội đồng công trình xanh Việt Nam chứng nhận trên là sự ghi nhận đóng góp và nỗ lực của các giảng viên Trường Đại học Xây dựng Hà Nội trong công tác NCKH và chuyển giao công nghệ hướng tới đồng bào dân tộc tại các khu vực khó khăn thuộc vùng núi phía Bắc. Đồng thời, là cơ sở để có thể nhân rộng mô hình Nhà thân thiện môi trường sử dụng gạch đất gia cố xi măng dạng tự chèn hướng tới mục tiêu “An cư – Phát triển”.
Nguồn: Phòng Khoa học và Công nghệ