Sáng 24/5/2017, tại Trường Đại học Xây dựng (ĐHXD) đã diễn ra chương trình “Đối thoại hướng nghiệp: Hành trang cho cách mạng công nghiệp 4.0”. Chương trình do báo Sinh viên Việt Nam và Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN, Trường ĐHXD phối hợp tổ chức với sự tham gia của các diễn giả là đại diện đến từ các Tập đoàn xuyên quốc gia và gần 500 sinh viên của các trường đại học trên địa bàn Hà Nội.
Tham dự chương trình có: Đồng chí Hà Ngọc Anh – Phó Trưởng ban Dân vận TƯ Đảng; PGS.TS Phạm Xuân Anh – Phó Hiệu trưởng Trường ĐHXD; Ông Vũ Tú Thành - Phó Giám đốc khu vực Đông Nam Á Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN; Bà Nguyễn Nguyệt - Giám đốc Quan hệ Chính phủ và Chính sách công Uber Việt Nam; Bà Nguyễn Thị Ý Như - Trưởng phòng Truyền thông và đối ngoại Coca-Cola tại miền Bắc cùng các sinh viên đến từ Trường ĐHXD, Đại học Kinh tế quốc dân, Học viện Phụ nữ Việt Nam, Đại học Tài chính Quản trị kinh doanh.
Phát biểu khai mạc chương trình, PGS.TS Phạm Xuân Anh – Phó Hiệu trưởng Trường ĐHXD cho biết: “Cách mạng công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng dựa trên những thành tựu đột phá trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ Nano, quản lý thành tựu khoa học tiên tiến. Cách mạng công nghệ 4.0 đang là xu thế lớn có tác động đến phát triển kinh tế xã hội của hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nhiều chuyên gia đã nhận định cuộc cách mạng 4.0 với những công cụ trí tuệ nhân tạo, mạng xã hội, kiệm toán đám mây sẽ làm thay đổi cơ bản về lối sống, phong cách lập, căn cứ, cách thức giao tiếp của con người trong xã hội. Hi vọng rằng, chương trình sẽ mang đến cho sinh viên những thông tin, khái niệm về cách mạng công nghiệp 4.0 để các em tự trang trị kiến thức, tâm thế, nắm bắt tốt các cơ hội làm việc sau khi ra trường.”
PGS.TS Phạm Xuân Anh – Phó Hiệu trưởng Trường ĐHXD phát biểu khai mạc chương trình
Trong phần thảo luận, các diễn giả trả lời các câu hỏi được nhiều sinh viên quan tâm liên quan đến Cách mạng công nghiệp 4.0 như: Sinh viên cần chuẩn bị những gì để thích nghi với những thay đổi của cách mạng công nghiệp?; Hướng đi nào cho giới trẻ trong cuộc cách mạng 4.0?; Lựa chọn các mô hình kinh doanh truyền thống hay khởi nghiệp với những mô hình mới? v.v..
Sinh viên đặt câu hỏi cho các khách mời
Trước lo ngại của sinh viên về việc cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ khiến sinh viên ra trường khó kiếm việc làm hoặc không kịp thích nghi, ông Vũ Tú Thành - Phó Giám đốc Khu vực Đông Nam Á Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN cho biết: “Theo dõi thị trường Mỹ nhiều năm qua, tôi nhận thấy lo ngại này của các em là có thật. Ngay cả Mỹ, nơi có nền kinh tế phát triển cao, người lao động cũng không kịp thích nghi trước sự thay đổi chóng mặt của công nghệ. Vì vậy, chúng ta phải xác định cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là xu thế tất yếu, nó đang diễn ra và không gì có thể cưỡng lại được. Chúng ta không có quyền lựa chọn mà bắt buộc phải thích nghi bằng cách chủ động học tập, rèn luyện, đi trước đón đầu các kỹ năng cần thiết cho một nền kinh tế thông minh và công nghiệp hóa.”
Ngoài ra, câu hỏi về xu hướng tự khởi nghiệp (Start - up) cũng được giới trẻ rất quan tâm. Trả lời câu hỏi về xu hướng Start-up hiện nay, bà Nguyễn Nguyệt - Giám đốc Quan hệ Chính phủ và Chính sách công Uber Việt Nam cho biết: “Start-up hứa hẹn sẽ là xu hướng phổ biến tại Việt Nam khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đến rất gần. Để các dự án khởi nghiệp thành công, ngoài khả năng nhìn ra nhu cầu thị trường của sinh viên, ở góc độ của nhà trường, các trường cũng cần phải nhạy bén nhìn ra nhu cầu kinh doanh và kết nối được với các nguồn lực, tận dụng được cơ sở vật chất, kiến thức của nhà trường, tạo môi trường làm “vườn ươm” cho các dự án triển vọng. Ở góc độ quản lý nhà nước, cần có chương trình khởi nghiệp và hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp nhằm tạo lập một hệ sinh thái khởi nghiệp thuận lợi cho người trẻ.”
Các diễn giả chia sẻ với sinh viên trong chương trình “Đối thoại hướng nghiệp: Hành trang cho cách mạng công nghiệp 4.0”
Những chia sẻ của các chuyên gia đã giải đáp nỗi băn khoăn của sinh viên trong vấn đề việc làm, cơ hội khởi nghiệp ở viễn cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Thông qua chương trình, các bạn sinh viên sẽ có nền tảng nhất định về cách mạng công nghiệp thế hệ mới cũng như cái nhìn tổng quan về thị trường hiện nay để trau đồi kiến thức, kỹ năng cũng như lựa chọn hướng đi trên con đường của mình.
“Hành trang cho cách mạng công nghiệp 4.0” là chương trình nằm trong chuỗi các hoạt động “Đối thoại hướng nghiệp” do báo Sinh viên Việt Nam và Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN phối hợp tổ chức, dự kiến sẽ tiếp tục diễn ra tại nhiều cụm trường đại học lớn trên toàn quốc trong năm 2017.
Sau ba cuộc cách mạng công nghiệp lớn trong lịch sử, cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư (Cách mạng công nghiệp 4.0) giúp cho máy tính, phần cứng, phần mềm cũng như mạng toàn cầu phát triển mạnh mẽ, tạo tiền đề cho sự ra đời một cuộc cách mạng công nghiệp toàn diện và làm biến đổi mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội toàn cầu. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 dựa trên 3 lĩnh vực chính: (1) Kỹ thuật số: Bao gồm dữ liệu lớn (Big Data), vạn vật kết nối internet (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI); (2) Công nghệ sinh học: Ứng dụng trong nông nghiệp, thủy sản, y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu; (3) Lĩnh vực vật lý: Robot thế hệ mới, in 3D, xe tự lái, các vật liệu mới (graphene, skyrmions…), công nghệ nano. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 dù mới bắt đầu nhưng nó đang phá vỡ cấu trúc của hầu hết các ngành công nghiệp ở mọi quốc gia, báo trước sự chuyển đổi của toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị. |
Trang Ninh – Phòng TT&TT