Ngày 23 tháng 12 năm 2024 - Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội phối hợp cùng Khoa Kiến trúc, Université Libre de Bruxelles (Bỉ), tổ chức khai mạc Workshop quốc tế với chủ đề: “Adaptive Waterscape - Khám phá những không gian thích ứng ven sông Hồng”. Chương trình được đồng hành bởi Wallonie Bruxelles International, Doanh nghiệp Xã hội Think Playgrounds và Đại diện Vì một Hà Nội đáng sống.
Buổi khai mạc Workshop vinh dự đón tiếp sự tham gia của các vị khách quý, bao gồm: Ngài Pierre Du Ville, Trưởng đại diện Phái đoàn Wallonie-Bruxelles tại Việt Nam, Ông Nguyễn Tiêu Quốc Đạt, đồng sáng lập Doanh nghiệp xã hội Think Playgrounds, Anh Lê Quang Minh, đại diện Vì một Hà Nội đáng sống. Về phía Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, có sự tham gia của: TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Hợp tác Quốc tế, TS. Trương Ngọc Lân, Phó Trưởng khoa Kiến trúc và Quy hoạch, TS. Lê Quỳnh Chi, Trưởng Bộ môn Quy hoạch, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, cùng các thầy cô giáo, cán bộ và sinh viên của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.
Các khách mời cùng toàn thể giáo viên và sinh viên tham gia workshop chụp ảnh kỉ niệm
Ngài Pierre Du Ville, Trưởng đại diện Phái đoàn Wallonie-Bruxelles tại Việt Nam
Các bài giảng trong workshop
Workshop "Adaptive Waterscape - Khám phá những không gian thích ứng ven sông Hồng” là một hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án 7.4 Adaptive Waterscape, được phê duyệt bởi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và tài trợ bởi Wallonie Bruxelles International. Dự án nghiên cứu sự thay đổi không gian tại các khu vực bồi đắp ven sông Hồng tại một số địa điểm điển hình. Các địa điểm này đều có những nét tương đồng về điều kiện tự nhiên, đó là được bồi đắp bởi phù sa sông Hồng. Tuy nhiên, cách sử dụng và khai thác không gian tại các khu vực này lại khác nhau giữa các bên liên quan, như cộng đồng địa phương, nhà đầu tư, chính quyền địa phương... Chính quá trình hợp tác và thương lượng giữa các bên đã tạo nên những không gian thích ứng mới dọc theo bờ sông.
Trong ba ngày diễn ra từ 23-25 tháng 12 năm 2024, sinh viên tham gia workshop sẽ được chia thành các nhóm nghiên cứu và thực hiện khảo sát thực địa tại các khu vực ven sông Hồng. Các khu vực khảo sát bao gồm: Bờ vở Phúc Tân - Chương Dương, Khu vực Tứ Liên, Tây Hồ và xóm Phao, Bãi giữa, Khu vực xã Hồng Hà, Đan Phương, Hà Nội và Xã Vân Hà, Phúc Thọ, Hà Nội. Các nhóm đã thực hiện khảo sát hiện trạng bằng phương pháp trực quan trên từng bước chân và phỏng vấn bán cấu trúc với các câu hỏi mở dành cho người dân địa phương, nhằm thu thập thông tin về các yếu tố không gian, văn hóa-xã hội, sự thay đổi của dòng chảy sông Hồng, cũng như vai trò của chính quyền địa phương và cộng đồng trong việc tạo ra các không gian thích ứng.
Tại các khu vực Bờ vở Phúc Tân - Chương Dương và Bãi giữa, các nhóm khảo sát được sự hỗ trợ của Doanh nghiệp Xã hội Think Playgrounds (TPG). TPG đã đồng hành cùng cộng đồng địa phương trong nhiều hoạt động cải tạo không gian công cộng và kết nối với chính quyền địa phương. TPG hỗ trợ sinh viên hiểu rõ hơn về các hoạt động cộng đồng, cũng như cung cấp các kiến thức thực tiễn về không gian công cộng tại khu vực.
Nhóm khảo sát cùng đại diện TPG tại điểm khảo sát Phúc Tân
Tại các địa điểm Hồng Hà và Vân Hà, các nhóm khảo sát nhận được sự hỗ trợ từ các giảng viên của hai trường cùng sự hỗ trợ nhiệt tình của chính quyền và người dân địa phương. Các nhóm đã thu thập được nhiều thông tin hữu ích để phục vụ cho quá trình phân tích và đánh giá các yếu tố văn hóa-xã hội, thay đổi địa hình và dòng chảy sông Hồng.
Đoàn khảo sát trao đổi với cán bộ địa Phương và người dân tại Xã Hồng Hà
Sau khi hoàn thành khảo sát thực địa, các nhóm sinh viên đã tiến hành phân tích dữ liệu, diễn họa và trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu. Ngày cuối cùng của Workshop sẽ diễn ra phần thuyết trình báo cáo của các nhóm sinh viên, kèm theo phần đánh giá và nhận xét từ giảng viên hướng dẫn và các khách mời, chuyên gia trong ngành.
Các sinh viên tham gia Workshop sẽ nhận chứng nhận hoàn thành do Khoa Kiến trúc và Quy hoạch của hai Trường Đại học Xây dựng Hà Nội và Université Libre de Bruxelles cấp. Đây là minh chứng cho sự nỗ lực và đóng góp của các sinh viên trong quá trình học tập và nghiên cứu. Đây là những kinh nghiệm thực tiễn quý giá, giúp sinh viên phát triển kỹ năng và chuẩn bị tốt hơn cho sự nghiệp trong lĩnh vực kiến trúc và quy hoạch sau này.
Nguồn: Khoa Kiến trúc & Quy hoạch