Sáng ngày 14/10/2017, tại sảnh nhà H2 Trường Đại Học Xây đã diễn ra buổi chấm chung khảo và triển lãm kết quả cuộc thi “FAT2017 - Thiết kế Nhà vệ sinh công cộng”. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi hoạt động thường niên về “Sáng tạo không gian” của Bộ môn Kiến trúc dân dụng, Khoa Kiến trúc & Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng dành cho sinh viên các trường đào tạo thiết kế và kiến trúc, kết hợp cùng chương trình “Hành động vì sự thay đổi - thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái” của tổ chức ActionAid Việt Nam.
Hiện nay, tại Hà Nội và nhiều thành phố trên cả nước, nhà vệ sinh công cộng hiện đang rất thiếu về số lượng cũng như hạn chế về chất lượng mặc dù nó là một tiện ích cơ bản của một đô thị văn minh và hiện đại. Tuy đơn giản nhưng công năng của những công trình này hầu như không tính đến yếu tố thuận tiện và an toàn cho người sử dụng, đặc biệt là người khuyết tật và phụ nữ cũng như trẻ em gái. Thực trạng đó đã và đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh một Hà Nội xanh, sạch, đẹp, thân thiện và mến khách trong mắt cộng đồng quốc tế. Thấy được vấn đề này, Bộ môn Kiến trúc Dân dụng thuộc Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường ĐHXD đã phát động cuộc thi “Thiết kế Nhà vệ sinh công cộng 2017” với thông điệp “Hành động vì sự thay đổi - Thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái” cho hoạt động thường niên lần thứ hai trong khuôn khổ hoạt động chuyên môn của quỹ Đào tạo Kiến trúc sư (FAT) mà Bộ môn Kiến trúc dân dụng Trường ĐHXD gây dựng, với sự đồng hành và hỗ trợ của các đối tác như Quỹ Vườn ươm Tài năng mà GS. Ngô Bảo Châu sáng lập (TALINPA), Hội Kiến trúc sư Việt Nam cùng Trang Thông tin Điện tử Kiến Việt, Kênh VTV6 Đài Truyền hình Việt Nam và đặc biệt là tổ chức ActionAid. Cuộc thi này là một sân chơi bình đẳng và hấp dẫn cho sinh viên ngành kiến trúc toàn quốc, nơi các em có cơ hội thể hiện năng lực thiết kế của mình và có những đóng góp thiết thực cho cộng đồng, góp phần bảo vệ môi trường sống và làm đẹp cảnh quan đô thị.
Các tác phẩm dự thi được trưng bày tại sảnh H2 – Trường ĐHXD
Sau hai tháng phát động, Ban Tổ chức đã nhận được 59 phương án dự thi của các sinh viên, nhóm sinh viên từ 15 cơ sở đào tạo kiến trúc trên toàn quốc bao gồm các trường: Đại học Xây dựng, Đại học Kiến trúc, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Đại học Mở, Đại học Phương Đông, Đại học Đông Đô, Đại học Đại Nam và Đại học Hòa Bình (Hà Nội); Đại học Khoa học (Huế); Đại học Bách Khoa, Đại học Kiến trúc (Đà Nẵng); Đại học Kiến trúc, Đại học Bách Khoa, Đại học Công nghệ, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn (TP. Hồ Chí Minh).
Ban Tổ chức đã thành lập Hội đồng giam khảo và mời các chuyên gia, nhà thiết kế, doanh nghiệp kiến trúc và xây dựng, cũng như các hội đoàn xã hội uy tín trong và ngoài nước thuộc các lĩnh vực chuyên môn có liên quan tham dự. Để có thể chọn ra những thiết kế tốt nhất, hợp lý nhất và khả thi nhất đáp ứng với yêu cầu của đề bài, Hội đồng giám khảo đã đề ra 5 tiêu chí chấm thi:
(1) Tính sáng tạo - ý tưởng, nội dung thiết kế cũng như hình thức thể hiện;
(2) Tính nghiêm túc - chất lượng thiết kế;
(3) Tính nhân văn - mức độ tác động đến các cộng đồng;
(4) Tính khả thi - khả năng hiện thực hóa thiết kế;
(5) Tính tương tác - mức độ liên quan đến chương trình, tác động chương trình hoặc định hướng phát triển của các nhà tổ chức và nhà tài trợ.
Buổi chung khảo được tiến hành với 2 vòng chấm chính thức:
(1) Vòng 1: Từ 59 bài thi (đã qua sự thẩm định sơ bộ của Hội đồng kỹ thuật), Hội đồng giám khảo chọn 12 bài thi phù hợp nhất để vào chung kết.
(2) Vòng 2: Từ 12 bài thi được lựa chọn từ vòng 1, Hội đồng giám khảo tiếp tục thảo luận sâu và lựa chọn bài thi cho các giải thưởng, chính thức cũng như mở rộng.
Hội đồng Giám khảo tổ chức chấm thi các tác phẩm
Sau những tranh luận và nhận xét rất nghiêm túc và mang tính chuyên môn cao của các thành viên dưới các góc độ kiến trúc đô thị, văn hóa xã hội... khác nhau, Hội đồng giám khảo đã thống nhất lựa chọn được 09 giải chính thức như sau:
- 01 giải Nhất: Thuộc về tác phẩm “The Origami colour box” (Mã số MK111)
- 01 giải Nhì: Thuộc về tác phẩm “Đóng và Mở” (Mã số KT135)
- 02 giải Ba:
+ Thuộc về tác phẩm “Xóm thuyền” (Mã số EF060)
+ Thuộc về tác phẩm “Vì một hành tinh xanh - an toàn” (Mã số NN196)
- 05 giải Khuyến khích:
+ Thuộc về tác phẩm “Core” (Mã số DL294)
+ Thuộc về tác phẩm “Cái bể ở trường” (Mã số HL007)
+ Thuộc về tác phẩm “CCP Public toilets” (Mã số HT147)
+ Thuộc về tác phẩm “Dấu ấn đến trường” (Mã số TL311)
+ Thuộc về tác phẩm “Xoá nhoà ranh giới” (Mã số VT113)
Ngoài ra Hội đồng giám khảo cũng tìm thêm 07 giải thưởng mở rộng như sau:
- 01 giải AIAC (do Atelier International d’Architecture Constructive - Xưởng thiết kế Kiến trúc Xây dựng Quốc tế trao tặng) - Hòa với núi rừng (mã số AD002)
- 01 giải UAI (do Viện Quy hoạch Kiến trúc Đô thị UAI - Trường Đại học Xây dựng trao tặng) - Core (mã số DL294)
- 01 giải TTAs (do Công ty Tư vấn Kiến trúc - Xây dựng TT-As (TT-Associates) trao tặng) - Xóm thuyền (mã số EF060)
- 01 giải TALINPA (do Vườn ươm tài năng TALINPA trao tặng) - Cái bể ở trường (mã số HL007)
- 01 giải CUBIC (do Công ty Cổ phần kiến trúc Lập Phương CUBIC trao tặng) - Safety - Close or Open (mã số TL129)
- 02 giải INROS LACKNER (do Công ty TNHH Inros Lackner Việt Nam trao tặng) - Nghệ thuật thúng chai (ST319) và Nhà vệ sinh cống nước (TL212)
Dự kiến lễ trao giải và triển lãm chính thức sẽ diễn ra vào cuối tháng 11 tại khu phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội).
Cuộc thi “FAT2017 - Thiết kế Nhà vệ sinh công cộng” nhằm tìm kiếm những sáng tạo mới trong thiết kế các nhà vệ sinh công cộng, một công trình rất quen thuộc nhưng chưa được quan tâm đúng mức trong đời sống xã hội, thông qua 4 mục tiêu sau: (1) Tìm kiếm các ý tưởng, mô hình thiết kế nhà vệ sinh tại các địa điểm công cộng, hướng đến sự an toàn và thân thiện, đặc biệt là với phụ nữ và trẻ em gái; (2) Góp phần cải thiện điều kiện tiếp cận vệ sinh công cộng cho các cộng đồng yếu thế, bất lợi về kinh tế, các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, hướng đến sự chuyển giao cho các cộng đồng tự cải thiện bằng các nguồn lực tại chỗ; (3) Thiết lập một kênh thông tin về dịch vụ công đạt tiêu chuẩn an toàn và nhạy cảm giới cho các đơn vị cung cấp dịch vụ; góp phần từng bước nâng cao chất lượng các dịch vụ này; (4) Giới thiệu và quảng bá thông điệp truyền thông với chủ đề “Hành động vì sự thay đổi” hay “Ngăn chặn bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái tại nơi công cộng” tới đông đảo người dân thông qua những nhà thiết kế của tương lai, đồng thời cũng là thế hệ trẻ của đất nước suy nghĩ về những vấn đề xã hội. |
TS.KTS Trần Minh Tùng - GV Bộ môn Kiến trúc dân dụng
Một số hình ảnh tại buổi chung khảo: