Chiều 6/6, tại Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã chủ trì cuộc họp với các đơn vị liên quan về việc triển khai nhiệm vụ chuẩn bị đội ngũ giáo viên, CBQLGD phục vụ đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và lộ trình thực hiện chủ trương chuyển giáo viên từ hợp đồng làm việc sang hợp đồng lao động.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì cuộc họp
Không gây xáo trộn đội ngũ giáo viên
Tại cuộc họp, các đơn vị chức năng của Bộ, đại diện các dự án, các trường sư phạm truyền thống, trường sư phạm đặc thù đã báo cáo những nhiệm vụ đã triển khai nhằm chuẩn bị đội ngũ giáo viên, CBQLGD phục vụ đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
Theo đó, đến thời điểm này, Cục Nhà giáo đã hoàn thành xây dựng kế hoạch tổng thể về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên trên cơ sở rà soát số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên toàn quốc, xác định rõ lộ trình tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức phân vùng trong quá trình triển khai cũng như làm rõ việc thừa thiếu giáo viên để có giải pháp điều chỉnh cho phù hợp theo hướng ít gây xáo trộn nhất về đội ngũ.
Theo tính toán ban đầu, khi thực hiện chương trình mới, số lượng giáo viên sẽ cơ bản ổn định như hiện nay, việc giảm thời lượng môn học, tiết học không ảnh hưởng tới đội ngũ hiện tại vì sẽ xuất hiện những môn học mới gần với những môn học cũ hoặc các môn tích hợp như Lịch sử, Địa lý giáo viên sẽ vẫn dạy theo đúng hợp phần của mình.
Hiện nay, các trường sư phạm truyền thống cũng như trường đặc thù đã vào cuộc xây dựng khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với yêu cầu đổi mới để khi có chương trình chi tiết các môn học sẽ khớp nối được ngay để đào tạo. Các trường cũng đang tích cực triển khai để sớm đào tạo giáo viên dạy tích hợp.
Về vấn đề chuẩn bị đội ngũ giáo viên, CBQLGD phục vụ đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh tới 3 yêu cầu: kế thừa, khả thi và ổn định, ít tạo ra sự xáo trộn.
Trong đó, theo Bộ trưởng kế thừa phải được đặt lên hàng đầu, sử dụng tối đa đội ngũ giáo viên hiện có, khi đưa ra chương trình phải tính toán được ai là người dạy, người theo việc chứ không phải bung ra toàn bộ mới để gây khó khăn về đội ngũ giáo viên, đây chính là tính khả thi.
Khẳng định đội ngũ giáo viên rất nhạy cảm, Bộ trưởng yêu cầu trong quá trình điều chỉnh cố gắng giữ sự ổn định, tránh gây ra xáo trộn lớn, cố gắng tính đến yếu tố vùng miền và gắn tâm tư nguyện vọng của giáo viên vào chế độ chính sách.
Cần tạo ra lối suy nghĩ khác trong đội ngũ giáo viên
Trước nhiều luồng dư luận trong những ngày qua về đề xuất thí điểm chuyển dần viên chức giáo viên sang hợp đồng lao động, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, dù là ý kiến đồng thuận hay trái chiều thì cũng đều là những thông tin quan trọng, bổ ích đối với Bộ trong quá trình cụ thể hóa đề xuất này.
Chia sẻ, làm rõ thêm thông tin về đề xuất, Bộ trưởng cho biết, trong lộ trình tổ chức thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tích cực triển khai nhiều nhiệm vụ, trong đó có đổi mới công tác thi cử, đổi mới chương trình - sách giáo khoa. Để thực hiện hiệu quả chương trình mới, cần phải đổi mới đồng bộ các điều kiện đảm bảo chất lượng, trong đó có đội ngũ giáo viên.
“Khi nghiên cứu các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, chúng ta đã đặt ra vấn đề việc áp dụng chế độ viên chức đối với giáo viên như hiện nay liệu còn phù hợp không trong bối cảnh nghề giáo có nhiều đặc thù, thu nhập của giáo viên chưa được cải thiện, một bộ phận giáo viên thiếu động lực phấn đấu, tình trạng thừa thiếu cục bộ giáo viên đang ngày càng phổ biến… Chính vì thế chúng ta đã đặt ra vấn đề đề xuất thí điểm chuyển dần viên chức giáo viên sang hợp đồng lao động” - Bộ trưởng chỉ rõ.
Bộ trưởng cũng một lần nữa khẳng định, chất lượng đội ngũ nhà giáo đóng vai trò quyết định trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Trên thực tế, bên cạnh nhiều giáo viên có trình độ chuyên môn tốt, tâm huyết với nghề thì cũng còn một bộ phận không nhỏ giáo viên hiện nay có tư tưởng dựa vào “biên chế” để yên tâm ổn định lâu dài, thiếu động lực phấn đấu dạy tốt. Có tình trạng giáo viên dù dạy không tốt nhưng vì có “thâm niên” lâu năm nên lương vẫn cao, trong khi đó những người mới ra trường dù dạy tốt lương vẫn thấp. Những bất cập này cần sớm được khắc phục.
“Để xóa bỏ được quan niệm về “biên chế” với sự ổn định lâu dài trong đội ngũ giáo viên không phải là việc có thể làm được ngay. Nhưng tạo ra một lối suy nghĩ khác trong đội ngũ giáo viên - coi năng lực, trình độ là yếu tố quan trọng nhất, tự tin vào năng lực làm việc để khẳng định, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, qua đó được hưởng đãi ngộ xứng đáng - là việc cần phải làm” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Sẽ thí điểm ở một số trường đại học và một số trường THPT có đủ điều kiện
Trước băn khoăn của dư luận về lộ trình thực hiện thí điểm chuyển dần viên chức giáo viên sang hợp đồng lao động, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, đây là vấn đề lớn, có tác động đến hơn một triệu thầy cô giáo. Bộ GD-ĐT ý thức rõ việc này, do vậy sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu kỹ trước khi đề xuất xin chủ trương thí điểm triển khai.
Trước mắt, sẽ nghiên cứu xây dựng đề án đề xuất thí điểm chuyển dần viên chức giáo viên sang hợp đồng lao động đối với một số trường đại học và một số trường trung học phổ thông có đủ điều kiện; chưa xem xét thí điểm việc chuyển viên chức giáo viên sang hợp đồng lao động đối với giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và những nơi chưa đảm bảo các điều kiện thí điểm triển khai, nhất là các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Bộ trưởng lưu ý, khi nghiên cứu xây dựng đề án đề xuất thí điểm phải nghiên cứu các giải pháp để giải quyết thỏa đáng các vấn đề mà dư luận băn khoăn như chính sách đặc thù đối với giáo viên đang công tác ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; chế độ tiền lương, bảo hiểm, trợ cấp thất nghiệp; cơ chế kiểm soát quyền lực của hiệu trưởng.
“Tôi muốn nhấn mạnh rằng, dù chính sách có thế nào thì chúng ta đều hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng, thu nhập và đảm bảo công bằng đối với tất cả các nhà giáo. Tôi đề nghị Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục làm đầu mối tổ chức khảo sát, nghiên cứu kỹ để xây dựng đề án đề xuất thí điểm chuyển dần viên chức giáo viên sang hợp đồng lao động. Sau khi hoàn thành đề án, kịp thời thông tin trên các phương tiện truyền thông để giáo viên và các tầng lớp nhân dân được biết” - Bộ trưởng khẳng định.
Các chủ trương của Đảng đã thể hiện rõ quan điểm về việc phải có các giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo trong tình hình hiện nay. Cụ thể: Chủ trương thực hiện công chức hợp đồng, viên chức hợp đồng đã được đề cập ở Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII cũng như Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết TƯ 4, Quyết định số 1557/QĐ-TTg về tiếp tục đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức, viên chức. Chủ trương này hướng tới mục đích cải cách chế độ công vụ, công chức, viên chức, hình thành cơ chế sàng lọc, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, trong đó có giáo viên. Bên cạnh đó, Nghị quyết 29-NQ/TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã chỉ rõ: “Việc tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phải trên cơ sở đánh giá năng lực, đạo đức nghề nghiệp và hiệu quả công tác. Có chế độ ưu đãi và quy định tuổi nghỉ hưu hợp lý đối với nhà giáo có trình độ cao; có cơ chế miễn nhiệm, bố trí công việc khác hoặc kiên quyết đưa ra khỏi ngành đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ”. Chủ trương này hướng đến việc xây dựng đội ngũ nhà giáo có đủ năng lực và phẩm chất đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong thời gian tới. |
Trích nguồn Trung tâm Truyền thông giáo dục