Lời tựa
Gần đến ngày kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Chủ tịch Hội CCB trường ĐHXD Hà Nội Trần Đình Trọng gọi điện thăm tôi và gợi ý trong dịp kỷ niệm trọng đại này tôi viết bài để đăng trên trang web của trường. Thú thật là tôi rất quý mến chủ tịch Hội nên nhận lời và hứa sẽ cố gắng viết, nhưng qua mấy hôm rồi vẫn loay hoay chưa biết viết nội dung gì và bắt đầu từ đâu.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta với kết thúc thắng lợi vĩ đại vào ngày 30/4/1975 là niềm tự hào và hạnh phúc lớn của nhân dân cả nước lúc bấy giờ, với chúng tôi những người lính Sinh viên-Chiến sỹ trực tiếp tham gia chiến đấu, tâm trạng bồi hồi và cảm xúc dâng trào trong những ngày này thật khó tả.
Hồi tưởng về những ngày tháng rực lửa hào hùng trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, những ký ức sâu đậm mà chúng tôi, một thế hệ sinh viên của các trường đại học đã xếp bút nghiên theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, hào hoa lên đường ra mặt trận. Những người lính SV nơi lửa đạn khốc liệt đã sống, chiến đấu xứng đáng với những gì mà Tổ quốc tin yêu và gửi gắm. Rất nhiều trong số chúng tôi đã mãi mãi nằm xuống, thịt xương tan vào lòng đất mẹ để tô thắm cho trang sử vẻ vang của dân tộc, giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc.
Trong thời gian ở chiến trường, tôi may mắn có mặt ở 3 trận đánh lớn: Chiến dịch bảo vệ Thành cổ Quảng Trị 1972, Chiến dịch Tây Nguyên tháng 3/1975 và Chiến dịch Hồ Chí Minh tháng 4/1975. Từng trận đánh, mỗi cuộc hành quân đều để lại trong tôi nhiều dấu ấn và kỷ niệm sâu nặng, trong đó cuộc hành quân dài ngày trên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại Tây Trường Sơn là đặc biệt ấn tượng và nhiều cảm xúc mới lạ nhất trong tôi. Từ chảo lửa 81 ngày đêm nơi Thành cổ Quảng Trị khốc liệt năm 1972 và tiếp tục chiến đấu ở mặt trận này hơn 2 năm nữa. Đến tháng 2/1975 Trung đoàn 95 của chúng tôi lại lên đường ra trận với 84 ngày đêm mang dấu ấn đặc biệt nhất, từ Quảng Trị theo đường 9 sang Lào, vượt qua hàng ngàn cây số đường đầy cam go, thử thách trên đất Lào và Căm pu chia trong hơn một tháng trời để đến Đắk Lắc tham gia chiến dịch Buôn Ma Thuột 10/3/1975 và tiến về Sài Gòn trong ngày vui đại thắng 30/4/1975. Cuối năm 1975 tôi từ Sài Gòn được ra Bắc an dưỡng và trở về trường ĐHXD, tiếp tục việc học còn dang dở và nhận công tác tại trường cho đến ngày nghỉ hưu. với tinh thần vượt khó của người CCB, tôi cố gắng viết bài, như một sự trải lòng về những năm tháng mà thế hệ chúng tôi, nhận thức về giá trị của hòa bình hơn bất cứ ai. Món quà nhỏ này nhân kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất Đất nước, xin kính tặng Trường ĐHXD Hà Nội và các đồng đội CCB thân yêu và hơn thế nữa, như tâm tình riêng tri ân những đồng đội đã cùng chiến hào năm xưa với tôi ở mặt trận, nay còn sống hay đã mất. Trân trọng chia sẻ cùng bạn đọc.
1. Chiến dịch tuyệt mật
Đang trong thời kỳ huấn luyện đầu năm 1975 thì chúng tôi nhận lệnh “cấm trại”, nghĩa là chuẩn bị lên đường, nhưng không biết sẽ đi đâu. Cả Trung đoàn nhận được nhu yếu phẩm ăn tết trước. không khí chuẩn bị đón tết Ất Mão năm đó thật tưng bừng, ngoài quà tết được cấp phát, chúng tôi còn tổ chức tự nấu rượu để uống. Anh em từ những miền quê rất thành thạo nghề này như Bắc Ninh, Nam Định đặt ngay một dây chuyền chưng cất rượu cạnh sân thể thao của đại đội, lần đầu tôi được thưởng thức thứ rượu nóng vừa ra lò, ngon thật khó quên. Những ngày tiếp theo là công tác chuẩn bị đi chiến dịch, anh em đều đoán chắc sẽ đi B4 – Mặt trận Trung Trung Bộ (vì chứng minh thư B4 đã làm từ năm ngoái). Lần này ra đi, cả Trung đoàn được trang bị lại rất đàng hoàng, thay mới toàn bộ quân trang, quân dụng và hầu hết vũ khí, mỗi người còn có 2kg lương khô loại “701” nữa chứ, quá sang so với các chiến dịch trước đây. Tôi được đọc phần vật tư cấp phát mà ngỡ ngàng, vì quân số của Trung đoàn khi đi chiến dịch lần này gần 2.000 người. Sáng sớm ngày 06/2/1975 chúng tôi hành quân bộ đến điểm tập kết là đoạn đường Quốc lộ 9 gần thị trấn Cam Lộ, khi đó đã là 26 tháng Chạp năm Giáp Dần, Tết đã đến cận kề. Hàng trăm xe Zil ba cầu đã xếp hàng chờ sẵn, mỗi xe là một trung đội. Đây là lần đi B thứ 2 của tôi, cảm nhận khác lần đầu là không còn ngơ ngác, hồi hộp của một tân binh nữa. Háo hức và cẩn trọng bước vào một mặt trận mới, xa đất Bắc hơn nhưng nhiều mới lạ. Đội hình hành quân của một Trung đoàn thật hoành tráng, đầy khí thế và xúc cảm dâng trào khi một chiếc xe U-oát mui trần sáng bóng cắm cờ Quân giải phóng từ từ đi ngược đội hình hành quân, trên xe là Tư lệnh Sư đoàn 325 đang giơ tay chào, đưa tiễn Trung đoàn 95 đi chiến dịch, còn đang rất bí mật. Tiếng vỗ tay chào và đáp lễ của đoàn quân như thác đổ, sóng trào. Hình ảnh sống động của lúc này làm cho tôi lại thầm ao ước, giá như có người được phép quay phim cảnh thực này thì quý giá biết nhường nào, quá sống động và hấp dẫn.
Chúng tôi xuất phát tiến về phía tây, qua Khe Sanh, Lao Bảo, ... Những vết tích chiến tranh còn nguyên mầu đỏ khốc liệt. Binh trạm đầu tiên là trên đất bạn Lào, từ đây là đường mòn Hồ Chí Minh của Trường Sơn Tây lạ lẫm mà mới hôm qua tôi chỉ được biết qua những vần thơ của Phạm Tiến Duật.
Sau 4 ngày trên đường, chúng tôi đến Ngã ba Đông Dương (hay còn gọi là Ngã ba Biên giới), nơi mà một tiếng gà gáy, người dân cả 3 nước Việt-Lào-Căm Pu Chia đều nghe thấy.
Hội CCB ĐHXD thăm ngã 3 biên giới
Đêm nghỉ lại ở Binh trạm này lại đúng đêm giao thừa đón tết Ất Mão. Cảm giác buồn nhớ về những cái Tết quê hương càng da diết ở nơi đất khách quê người. Gần trưa mùng một Tết, chúng tôi lên xe đi tiếp. Khi sắp đi thì có một đơn vị hành quân ngược chiều, họ xuống xe để vào Binh trạm, đây là một đơn vị bộ đội nữ đang trở về hậu phương, cuộc gặp gỡ ồn ào và cảm động đã diễn ra. Các cô gái như gặp lại người thân, chân tình và xởi lởi. Nhưng thật bất ngờ, khi tôi bắt tay cô gái vừa gặp để tạm biệt, cô ôm chặt lấy tôi thổn thức: “Các anh đi, biết khi nào mới về với chúng em đây”. Tôi cố thoát ra để lên xe và nói lời tạm biệt, nhất định anh sẽ về, vui lên em. Thực ra, lúc đó tôi đã cố, như mình lạc quan lắm, khi thấy nhiều cô gái cùng khóc òa lên, nức nở đến nao lòng, ... Từ đây chúng tôi bắt đầu hành quân trên đất Cam Pu Chia, những cánh rừng nguyên sinh, cây lá kim cao vút, địa hình lại bằng phẳng, đẹp hơn những cánh rừng châu Âu sau này tôi được đến. Mùa khô ở Tây Trường Sơn thật lạ kỳ, xe chạy trên những cung đường lầy bụi, chậm chạp và rất dễ sa lầy, anh em ngồi trên xe phải dùng khăn mặt nhúng ướt làm khẩu trang mới thở được. Tôi được nghe chuyện ở một Binh trạm là mùa khô ở bên này, đi đường không có người dẫn đường thì chết khát xảy ra vì rừng cây lớn, quá mênh mông và địa hình lại khá bằng phẳng. Một buổi trưa, cả đoàn quân dừng lại giữa cánh rừng chỉ toàn cây Dầu và cây Săng lẻ, cây Dầu là loại cây cao lớn và thẳng tắp giống cây Sao đen ở phố Lò Đúc, Hà Nội. Như đang đứng giữa sa mạc, chỉ có một vũng nước như cái ao nhỏ cho vài nghìn con người lội xuống để lấy nước nấu cơm, rửa mặt và uống. Tôi nhìn và phát hiện ra những đám phân voi chưa lâu lập lờ trên mặt nước nhưng không còn lựa chọn nào hơn nên đành lấy đầy bình tông để mang đi uống. Một đêm, xe chạy trong rừng Khộp (loại cây lá to, có nhiều ở rừng Tây Nguyên nước ta) thì gặp đám cháy rừng do máy bay địch đánh chặn ở phía trước. Lửa cháy rực cả đoạn đường, tro bụi mù mịt. Xe chúng tôi đang ở cuối đội hình hành quân, anh em lái xe hội ý và thông báo, không thể dừng ở điểm này lâu vì rất nguy hiểm, phải tìm cơ hội vượt qua vòng lửa để thoát khỏi vùng cháy. Chúng tôi hồi hộp chờ đợi thử thách 50/50 sinh tử này và tin ở người lái xe, những chiến binh cự phách của Trường Sơn Tây. Thật hú vía, chúng tôi nín thở như bay qua vòng lửa nóng rát, xe không hề hấn gì, may mắn đến lạ kỳ. Ngày thứ 28 của cuộc hành quân, đang trên đường mòn lầy bụi, đoàn xe được lệnh rẽ trái, đi theo một vệt đường mới mở, tôi nhìn sang hai bên lối đi, lá cây do những người mở đường còn khá tươi, chỉ mới bị phát quang vài ba ngày trước, sự cẩn trọng và bí mật cao độ cho cuộc hành quân vào chiến dịch là thế này đây. Trên xe, anh em đoán già đoán non đích đến cuối cùng, chắc là về vùng Bình Long, Phước Long của Việt Nam rồi, vì đã nhiều đêm đi trên đất Căm Pu Chia. Ngày thứ 30, Trung đoàn tôi đã ở trên đất Tây Nguyên của Tổ quốc. Chúng tôi thở phào khi gặp được anh em của chiến trường B3, nhìn thấy chúng tôi, họ mừng và ngỡ ngàng với đoàn quân mới đến, quân trang, quân dụng như vừa cấp phát. Càng thương cảm và nể phục những người lính ở lâu trên chiến trường này, họ cho biết, sự chi viện của hậu phương lớn đến đây không dễ dàng gì, đến quân trang cũng hầu như tự lo liệu, nhìn anh em mặc toàn đồ Bà-Ba đen thì ra là vậy.
Từ Quảng Trị khô cằn, nắng lửa, chúng tôi đến Đăk Lắc và có ngay ấn tượng mới lạ, khoáng đạt. Đất Ba zan bao la, cây lá xanh tươi, nhiều sản vật tự nhiên giúp nuôi sống con người như: củ mì (sắn), củ mài, mít, hồng, chuối, rau tàu bay, môn thục, rau ngót rừng, cây bứa .v.v. Mặc dù là mùa khô, nhưng dưới suối cạn vẫn tìm được cua, cá, rùa, ba ba, kỳ đà… chuyện ăn thịt kỳ đà trước buổi tấn công Buôn Ma Thuột tôi sẽ kể sau. Củ sắn của đất đỏ Tây Nguyên rất ngon, thơm và dẻo, sánh ngang sắn đặc sản của vùng Cùa, Cam Lộ, Quảng Trị. Nhưng đặc sắc hơn lại là củ Mài, ở miền Bắc củ Mài là vị thuốc bổ, gọi là Hoài Sơn quý hiếm trong thang thuốc Đông y. Ở đây củ Mài không khó kiếm và đặc biệt là, càng đào sâu, củ càng to, dài cả mét nên người đào càng bị cuốn hút theo. Đã xảy ra chuyện thương tâm, một người của đơn vị chúng tôi thiệt mạng, khi anh này dùng xẻng và dao găm đào củ Mài, hố sâu và bé, anh ta bị kẹt cứng 2 vai và ngạt thở, lúc đồng đội phát hiện thì không kịp nữa rồi.
Ngày 07/3/1975, chúng tôi đến điểm dừng của các phương tiện cơ giới, từ đây sẽ hành quân bộ vào điểm tập kết cuối cùng. Nơi này là một khu rừng già còn nguyên sơ, tán lá che kín mặt đất, thông thoáng và bằng phẳng. Tôi như choáng ngợp trong buổi chiều hôm đó khi nhìn thấy rất nhiều voi (đàn voi của Buôn Đôn, Đăk Lắc) chuẩn bị kéo pháo lớn đi cùng, voi thay xe kéo lựu pháo 105 và pháo tầm xa 130 ly vào trận đánh. Tôi lại thầm ước, giá có phóng viên mặt trận quay trực tiếp được những đoạn phim hoành tráng này thì tuyệt quá. Sự tuyệt mật của chiến dịch là trên hết, họ chưa được phép đi cùng. Tuy vậy đến thời điểm này, chúng tôi vẫn chưa biết gì về trận đánh sắp diễn ra, chỉ được phổ biến là gần địch rồi, phải rất cẩn trọng. Ngày 08/3/1975, chúng tôi đến một con sông, phía thượng nguồn có tiếng thác nước đổ ào ào. Tôi hỏi cán bộ chỉ huy thì được biết, nơi này có tên gọi là Suối Đục, tôi nghĩ bụng, suối gì mà khủng thế (sau này mới biết đây là sông Đakrông đoạn qua Buôn Đôn, Đắk Lắc chảy về dòng chính Mê Công). Kiến thức chuyên môn trong tôi sống lại, tôi nói với đồng đội lúc qua sông, nếu còn được sống trở về khi hết chiến tranh, mình sẽ tìm về đây xây một công trình Thủy điện cho Tây Nguyên, mùa khô mà thác nước lớn như thế này thì làm Thủy điện là hết ý rồi.
Ảnh: Thác DrayNur - Đăk Lắc
Thêm một ngày đi bộ, chúng tôi đến điểm tập kết cuối cùng để vào trận. Đến lúc này, mọi chi tiết của chiến dịch mới được phổ biến và quán triệt, nơi này theo thông báo chỉ còn cách Buôn Ma Thuột khoảng 20 km theo đường chim bay về hướng Tây Bắc. Buôn Ma Thuột nằm ở giữa ngã ba của hai con đường chiến lược 14 và 21, là chốt giữ giao thông của Nam Tây Nguyên. Từ Buôn Ma Thuột dễ dàng đi lên các tỉnh phía Bắc và đi xuống miền Đông Nam Bộ, Sài Gòn bằng cả đường hàng không và đường bộ. Chính vì vị trí mang tầm chiến lược đó nên Buôn Ma Thuột có các căn cứ phòng thủ mạnh, sân bay, kho hậu cần lớn của chủ lực Quân đoàn 2 quân lực Việt Nam Cộng hòa, được bảo vệ bởi các đơn vị lính tinh nhuệ. Máy bay trinh sát L-19 và trực thăng chiến đấu HU-1A của địch xuất hiện thường xuyên hơn, mọi động thái dưới mặt đất của bộ đội yêu cầu phải được bảo mật cao. Trước khi vào trận, hầu hết quân, tư trang không cần thiết đều được để lại trong khu rừng này, một vài anh em ốm yếu sẽ ở lại trông coi. Trong ba lô của tôi lúc đó chỉ có 4 bánh lương khô 701, túi thuốc cá nhân, mặt nạ phòng độc và một cái vỏ chăn, gọn nhẹ nhất có thể, vỏ chăn được dùng khi thương vong, không dùng tấm ni lon như trước nữa. Hành trang chủ yếu là một khẩu AK, cơ số đạn 3 băng, 2 quả lựu đạn mỏ vịt và dao găm nên khá gọn nhẹ. Tôi nhớ lại nhiệm vụ và tinh thần chủ đạo được phổ biến trong đơn vị lúc đó, trận này sẽ là trận quyết thắng khi tương quan lực lượng ta và địch ở thế áp đảo là 3 đánh 1, lực lượng địch ở đây qua trinh sát và thông tin mật báo thì khoảng 12.000, còn quân ta với đầy đủ các quân binh chủng hợp thành có hơn 4 vạn người, binh khí kỹ thuật được trang bị đầy đủ và đồng bộ sẽ tạo nên sức mạnh tấn công, lại còn có xe tăng và xe bọc thép của Trung đoàn Tăng - Thiết giáp 273 phối thuộc. Từ vị trí tập kết này, sẽ phải vượt qua một vùng trắng trống trải khoảng 8 cây số để vào nội đô, đây chính là vành đai để bảo vệ Buôn Ma Thuột mà địch tạo ra. Đêm đó khi đi đến vùng trắng này mới thấy đối phương khá tinh vi, rừng ở đây bị cưa hết nhưng đều để lại phần gốc cao hơn nửa mét, đêm tối mờ mờ trông như một bãi chông, là vật cản khổng lồ ngăn xe tăng và các phương tiện cơ giới của ta. Sau này tôi mới được biết, lực lượng Công binh của ta đã rất sáng tạo để mở đường cho xe tăng vào gần thị xã, cho cưa gần đứt gốc cây trước, giữ nguyên hiện trạng để địch không thể phát hiện ta đã mở đường, khi xe tăng xuất kích, húc đổ là thành đường ngay.
Chiều ngày 09/3/1975 chúng tôi chuẩn bị ăn bữa tối sớm hơn để hành quân vào vị trí được phân công; tôi và mấy anh em trong Trung đội đi tìm thêm thức ăn dọc theo một con suối cạn, anh em bới tìm trong hang hốc, trong cát ẩm được cua, cá, rau rừng và phát hiện một chú Kỳ đà, vây bắt bằng được khênh về để thịt. Con Kỳ đà ước chừng gần chục cân được lột da, xẻ thịt, thịt Kỳ đà nấu chín trông mịn và trắng như thịt gà, nhưng vì không có gia vị nên dai và tanh lắm, cố mà ăn thôi. Hôm đó có một chuyện mà tôi cứ lăn tăn mãi về sau này, đó là tổ cấp dưỡng hôm đó vô ý để nồi cơm bị khê, mùi cơm khê thật tệ hại, không ai nói thêm điều gì nhưng trong bụng đều lo, như là chuyện không lành của trận đánh sắp bước vào. Và đêm đó cả đại đội di chuyển theo tuyến quy định, trời tối, cứ khoảng 50 m là có một miếng bẹ chuối tươi dẫn đường của trinh sát để lại. Nhưng sau vài tiếng di chuyển chậm chạp và thận trọng, nhóm đi đầu đã mất dấu và đi lạc đường, đến khi nghe ám hiệu phải quay lại, phía trước hình như có nhà dân, thật hú vía. Theo quy định các đơn vị phải vào vị trí tập kết trước 2 giờ sáng ngày 10/3/1975 nhưng do bị lạc, không tìm được tín hiệu chỉ đường, chúng tôi tìm được và bám theo một đường dây thông tin vừa xuất hiện. Gần 2 giờ sáng cả đại đội dừng bước, tìm nơi trú ẩn vì đến giờ khai hỏa của pháo binh. Hôm đó tôi thật không may là nằm lại nơi có một trận địa DKB ngay phía sau (pháo phản lực của ta, bệ phóng đơn giản đặt trên mặt đất, gọn, nhẹ nhưng uy lực mạnh), khói lửa khét lẹt và tiếng hú của đạn DKB kéo dài đến gần 4 giờ sáng mới ngừng, lệnh tấn công từ mọi hướng bắt đầu. Cả một vầng sáng lung linh ánh đèn của bầu trời Buôn Ma Thuột vụt tắt, những quầng lửa bùng lên, nhiều nhất là hướng sân bay Hòa Bình. Hơn 5 giờ sáng, chúng tôi đã đến khu đồi Cà phê bạt ngàn, hoa trắng tinh và tỏa hương thơm ngát. Trong giây lát tôi như quên đi tiếng đạn réo bom gầm phía trước, hương thơm ngây ngất của hoa Cà phê sắp tan chảy trong mùi bom đạn cay nồng cho tôi một cảm nhận khác lạ về sự sống còn. Một loạt pháo lớn bay đến khu vườn tôi đang băng qua để vào nội đô, như có ai từ phía sau làm tôi ngã sấp mặt xuống đất cùng khẩu AK trong tay, đất và khói bụi trùm lên, cành cây bay tơi tả, tai ù đặc, tôi cố bật dậy chạy về phía trước; đồng đội tôi đuổi kịp thét vào tai, ông muốn chết ngay à, pháo chụp gần mà cứ chạy như không, tôi phải hạ ông xuống đấy, không thì đã xong đời rồi! Tôi thầm cảm phục anh bạn Nguyễn Ngọc Lân của tôi về kinh nghiệm trận mạc, cứu tôi thoát lần này. Lân là giáo viên cấp 2, quê Ninh Bình. Trung đoàn tôi nhận lệnh đánh vào trung tâm Buôn Ma Thuột từ hướng Đông Bắc theo đường Phan Chu Trinh vào Ngã Sáu, một đại đội xe tăng tăng cường gồm 8 chiếc ầm ầm tiến lên đầu mũi thọc sâu. Đơn vị xe tăng cùng đánh với chúng tôi là C5, D3, Trung đoàn Tăng-Thiết giáp 273, Quân đoàn 3. Ngày đầu tiên, 2 chiếc xe tăng khi vào đến Ngã sáu và trước cổng sở chỉ huy Sư đoàn 23, bị trúng đạn chống tăng của địch; buổi chiều các mũi tiến công phải lùi về cuối phố Phan Chu Trinh để tổ chức lại đội hình, lần xuất kích này sẽ có thêm lính bộ binh kèm chặt, bảo vệ cho từng chiếc xe tăng phát huy lợi thế trong điều kiện tác chiến ở đô thị nhiều vật cản nên khó phát hiện địch ở tầm gần. Vào 17h30 ngày 10/3/1975, E95 chúng ta đã chiếm giữ Sở chỉ huy Tiểu khu Đăk Lắc. Sau 3 ngày đầu giằng co ác liệt, quân ta đã gần như làm chủ hoàn toàn Buôn Ma Thuột, chỉ còn chiến sự ở vòng ngoài như Phước An, Đức Lập và sân bay Hòa Bình, địch tổ chức phản kích để tái chiếm và tăng cường ném bom chống trả. Khi E95 vào chiến dịch lại có một E95 nữa của mặt trận Tây Nguyên, nên để phân biệt Trung đoàn chúng tôi được đặt là E95B, trung đoàn của Tây nguyên là E95A. Những khó khăn, ác liệt của trận này không thể sánh với sự khốc liệt của chiến trường Quảng Trị trước đây nên anh em rất tự tin và bình tĩnh trong chiến đấu. Tổng kết chiến dịch, E95B đã có 65 người hy sinh, khoảng 10% của toàn chiến dịch là hơn 600 người, trong đó có Trung đoàn phó, Thiếu tá Nguyễn Văn Bảng, ông hy sinh ngày đầu tiên trên phố Phan Chu Trinh, nơi tôi chốt giữ. Ông bị địch bắn tỉa, tôi đã cầm khẩu Cạc bin có kính ngắm hồng ngoại, anh em thu được sau khi tìm diệt tên bắn lén trên một nhà lầu. Đêm 12/3/1975, tôi và một số anh em trong Đại đội đưa những người hy sinh còn để lại ở cuối phố Phan Chu Trinh ra một khu đồi chỉ có cây cỏ để chôn cất. Đêm đó tôi trực tiếp chôn 8 người, không có đủ tấm vải liệm mang theo, trong đêm tối, dưới ánh pháo sáng của địch, tôi đành nhặt cỏ khô phủ lên mặt anh em trước khi lấp đất!. Ngày hôm sau, vì chỉ có một bộ quần áo mặc trên người, không thể mặc cố thêm được nữa vì mùi của máu và mồ hôi bốc lên kinh khủng; bộ quần áo mới vải Tô Châu bóng láng mới 3 hôm, giờ đã cứng như vải bạt do máu khô, loang lổ. Tôi và anh em trong tiểu đội thay phiên nhau ra ngoài rẫy Cà phê có suối để tắm giặt, ở truồng cho đến khi quần áo mặc vào được thì trở về. Chúng tôi đã vào Tổng kho hậu cần Mai Hắc Đế của địch để lấy chiến lợi phẩm, đây là một tổng kho hậu cần rất lớn, chúng tôi lấy mang về nhiều thứ như: gạo, đường, đồ hộp, gạo sấy, bánh kẹo, cà phê, thuốc lá Rubi và nhu yếu phẩm khác .v.v… Trong tâm trạng hồ hởi của người chiến thắng, tôi tìm và sử dụng một thanh niên tên Mai làm người chỉ đường và lái xe cho tôi trong những ngày còn ở Buôn Ma Thuột. Tôi và Mai vào Ty Cảnh sát, chọn một xe Zeep còn mới nguyên, vắt vẻo 2 cần ăng ten phía trước, trông oai vệ lắm. Vì có lái xe riêng mà cứ kè kè khẩu AK rất khó coi, tôi lục tìm được khẩu Colt của cảnh sát để mang theo. Anh em trong đại đội tôi được khuyến khích tự học lái xe để cơ giới hóa kịp thời, xe quân sự và dân sự có nhiều nên tha hồ tập lái và thay xe theo sở thích, như bỗng dưng thành các đại gia. Tôi có cậu Mai lái xe thành ra không quan tâm chuyện tập lái nữa. Đêm 18/3/1975 chúng tôi được lệnh lên đường, truy kích địch đang rút chạy khỏi Tây Nguyên. Cả Trung đoàn Bộ binh, sau chiến thắng Buôn Ma Thuột đã thành Trung đoàn Bộ binh cơ giới, rầm rộ lên đường 14 hướng về thị xã Cheo Reo - Phú Bổn, nơi có đường số 7, địch đang tháo chạy khỏi Tây Nguyên về hướng Phú Yên (nay là Quốc lộ 25). Tôi xin phép đơn vị được mang theo cậu lái xe nhưng cấp trên không đồng ý vì cho rằng nhân thân của Mai không ai đảm bảo. Chuyện về người thanh niên của Buôn Ma Thuột, dáng thư sinh, luôn mặc quần bò, áo phông, nói năng lễ phép và nhanh nhẹn tháo vát trong nhiều tình huống phức tạp, đã để lại trong tôi những kỷ niệm khó quên. Chuyện về Mai còn nhiều, không thể nói hết ngay được, tôi chỉ có thể nói về vài chi tiết còn đậm nét trong tôi. Mai luôn xưng con và gọi tôi là ông, mặc dù tôi nói không thích cách xưng hô đó. Khi đã thân thiết hơn, Mai nói ông có cần gì không, con lấy cho, vàng, đôla, tiền, đồng hồ, .v.v. con biết nơi có mà! Tôi bật cười và nói ngay rằng, tao không ham những thứ đó, chỉ cần 1 thứ thôi, là bia Lazer để uống chơi, và Mai đã mang về các loại bia lạ để tôi uống cho biết. Mai nói, con từng là tài tử Honda, đến hôm tôi có việc phải đi xuyên rừng cao su, Mai lấy về một xe Honda 67 để đi cùng, khi qua một con suối có bờ cao và dốc, chỉ có cây cầu độc mộc bắc qua dưới sâu, tôi nói để xe lại, đi bộ sang bên kia thôi, Mai nói phải mang xe sang mới đi tiếp được vì còn xa lắm. Tôi đành trèo qua bên kia đứng nhìn sang, lo lắng nhỡ Mai gặp tai nạn thì ân hận cả đời. Thật không thể tin được, Mai nổ máy xuống giữa dốc xoay ngang, trượt lần 2 và căn trúng cầu độc mộc, vọt lên dừng cạnh tôi; Mai bảo, là tài tử Honda phải xử lý những tình huống còn phức tạp và mạo hiểm hơn nhiều. Rồi chuyện Mai và tôi vào dinh Tỉnh trưởng, lấy chiếc xe của Đại tá Nguyễn Trọng Luật, Tỉnh trưởng Đăk Lăc mang về để chạy, chuyện rất thú vị và gay cấn, … Hôm chia tay, Mai không nói nhiều, câu cuối làm tôi rưng rưng và nhớ mãi: “Giờ thì con hiểu, trong cuộc chiến này, các ông sẽ là người chiến thắng”. Tôi biết, Buôn Ma Thuột mới là trận đầu, lời của Mai lúc chia tay có lẽ đã giúp tôi, như có thêm sinh lực diệu kỳ để sống lại. Sự cố xảy ra chỉ sau mấy ngày rời xa cậu ấy. Và tình cờ, chỉ 3 tuần sau đó tôi lại trở về nơi này, tìm đến số nhà 57 phố Phan Chu Trinh (nay là số 113), nơi chúng tôi lưu lại trong mấy ngày giao tranh ác liệt khi gia đình đã đi sơ tán hết. Tôi đã nhờ gia đình chị Hường tìm hộ cậu Mai nhưng không có tin gì về Mai cả. Những nỗ lực tái chiếm Buôn Ma Thuột của địch trong các trận phản công ngày 11 và 13 tháng 3 đều thất bại. Ngày 14 tháng 3, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, đồng thời là Tổng tư lệnh Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã có một bước đi sai lầm khi ông ta quyết định rút quân trên toàn địa bàn Tây Nguyên để về giữ miền duyên hải Trung bộ. Ba ngày sau đó, hầu như toàn bộ Quân đoàn II Quân lực Việt Nam Cộng hòa bị tiêu diệt và tan rã trong cuộc rút quân hỗn loạn trên con đường số 7 (nay là Quốc lộ 25) mà E95B đã vào cuộc. Chiều tối 18/3, Khi Trung đoàn nhận lệnh lên đường hành quân truy kích địch đang tháo chạy khỏi Tây Nguyên, tôi thấy rất phấn khích khi nhìn chiếc xe Zeep cảnh sát mui trần mới cứng, có 2 cần Ăng-ten ngạo nghễ mà tôi dùng mấy hôm trước thì hôm nay ông Tham mưu Trưởng đang ngồi. Ông cho xe đi vượt lên giữa đoàn quân đã chỉnh tề chờ lệnh xuất kích, dáng cao, đẹp như vị tướng duyệt binh lễ Quốc khánh 2-9 ở Thủ đô.
Chiến dịch Buôn Ma Thuột đã tạo nên một lỗ hổng rất lớn trong tuyến phòng thủ quân sự của địch tại địa bàn Tây Nguyên và mở đầu cho những thất bại quân sự tiếp theo của Quân lực Việt Nam Cộng hoà. Chiến dịch Tây Nguyên thực sự là đòn điểm huyệt quân đội Sài Gòn trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Cùng với những sai lầm có tính chiến lược mà đứng đầu là tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, chiến dịch này đã tạo nên những đột biến lớn trên chiến trường, mở đầu cho sự thất bại và tan rã toàn diện của ngụy quân, ngụy quyền tại miền Nam Việt Nam chỉ trong một thời gian ngắn, đưa đến sự chấm dứt Chiến tranh Việt Nam và thống nhất đất nước sau 21 năm bị chia cắt.
2. Sự hồi sinh diệu kỳ
Suốt đêm 18/3/1975 Trung đoàn chúng tôi rầm rập hành quân theo đường 14, đến gần sáng ngày 19/3 thì tạt vào rừng nghỉ lại, chiều tối sẽ đi tiếp theo hướng đường 7 về Phú Yên. Cho đến bây giờ tôi và nhiều đồng đội khác vẫn không ai biết cụ thể điềm dừng chân đó là gì, chỉ biết nơi ấy là một khu rừng bên quốc lộ 14 cây cối rậm rạp, gần thị xã Cheo Reo-Phú Bổn. Đêm hôm đó tôi lên cơn sốt ác tính, đơn vị bố trí 2 người ở lại trông coi, hẹn đến điểm dừng phía trước sẽ có xe về đón. Tôi và 2 đồng đội, Vũ Văn Có quê Hưng Hà, Thái Bình và Hồ Đăng Đoàn, quê Quỳnh Lưu, Nghệ An; đây là 2 chiến sĩ trẻ hơn tôi 3, 4 tuổi, thuộc diện ngoan hiền trong Đại đội. Giữa rừng, không phương hướng, anh em tôi chỉ biết cầu mong tiếng xe của đơn vị đến từng giờ; nhưng càng mong càng nản, tôi mỗi ngày thêm kiệt sức vì sốt cao triền miên không dứt, không có thuốc thang gì. Về đồ ăn thức uống và thực phẩm thì có nhiều vì toàn chiến lợi phẩm từ Buôn Ma Thuột mang theo rất phong phú; ngoài ra, vì là xe nhà (Đại đội đang dùng mấy xe GMC thu được của địch ở Buôn Ma Thuột) tôi còn lấy mang theo một cây Ghi ta Hawaii còn nguyên trong túi da rất đẹp và mấy cuốn sách mà tôi tìm được trong nhà dân.
Mỗi ngày qua đi, tôi kiệt sức dần và đến ngày thứ 5 (ngày 23/3) thì đến mức sữa cũng không thể nuốt, tôi mơ hồ nghĩ về một cuộc ra đi dưới gốc cây giữa rừng Tây Nguyên này trong vô vọng. Hai đồng đội của tôi khi về đến Sài Gòn kể lại, khi nhìn anh như hấp hối, 2 đứa khóc và thì thầm vào tai tôi, anh muốn nói gì với bọn em không. Như đốm sáng cuối cùng trước khi vụt tắt, tay tôi hướng về nơi có mấy cuốn sách mang theo, mà chưa đọc được gì và cậu Có đã lấy trúng cuốn tiểu thuyết “Nửa chừng xuân” của Khái Hưng (xuất bản lần đầu từ năm 1934 – nhóm Tự lực văn đoàn), đọc cho tôi nghe. Tôi chỉ nghe chập chờn được mấy câu và không còn biết gì thêm nữa. Ngày sau, khi hồi tỉnh, tôi ngơ ngác vì không hiểu tại sao mình lại ở đây, mọi vật xung quanh đều lạ hoắc, một cái nhà hầm đơn sơ nửa chìm nửa nổi, bên cạnh là một người phủ băng trắng toát, đã không còn thở, mùi khét của da thịt bị cháy chắc là đây. Sáng rõ, tôi được đưa vào hầm cấp cứu. Ngày hôm sau, tôi hỏi chuyện và được bác sĩ điều trị cho biết, đây là Trạm Quân y tiền phương của mặt trận B3, ba chiến sĩ đã cáng tôi vào đây, tôi và anh bạn kia đều chết lâm sàng từ tối qua, nằm nhà chờ để sáng sớm làm thủ tục cuối cùng, nhưng tôi đã hồi sinh; anh bạn nằm bên cạnh kia thì đã ra đi từ lúc nào rồi. Nghe anh em thương binh kể lại, quả đạn B41 anh ấy bắn đã gây bỏng nặng do vật cản phía sau gần quá mà người bắn không quan sát hết. Tôi vẫn còn yếu và đang ngơ ngác sau khi sống lại thì nghe lao xao nhiều người đang đến đây, họ là bộ phận tiền trạm đến làm công tác chuẩn bị để đón Bộ tư lệnh tiền phương chiến dịch vào (nghe anh em quân y nói là tướng Văn Tiến Dũng vào). Thương binh và Quân y của Trạm phẫu tiền phương khẩn trương được đưa lên xe di chuyển về tuyến sau. Những ngày sau tôi theo đường chuyển thương của mặt trận B3, qua vài trạm trung chuyển và dừng lại trên đất Công Tum, nơi có Viện 211 của mặt trận Tây Nguyên. Viện đặt trong một khu rừng Săng Lẻ êm ả và kín đáo, lại ở gần sông Pô Cô xinh đẹp, như lời trong bài hát về người anh hùng A Sanh của nhạc sỹ Cầm Phong mà tôi được nghe trên Đài phát thanh Giải Phóng hôm nào.
Ảnh: Sông Pô Cô.
Lại chuyện 2 đồng đội tôi kể, trong lúc bấn loạn và không nỡ nhìn tôi trút hơi thở cuối cùng, một người chạy vào rừng tìm người cứu giúp và đã gặp được một chiến sỹ ta nhiệt tình giúp đỡ (may là không gặp phải tàn quân địch đang tiếng. Cả ba người đành bỏ lại nhiều thứ chiến lợi phẩm quý giá, chỉ mang vũ khí theo người để đưa tôi đi ngay. Sau đó họ tìm đường trở về với Trung đoàn. Về đến đơn vị cả hai người mới hay tình huống không may đã xảy ra, chiếc xe GMC quay lại đón chúng tôi đã bị pháo kích đánh chặn dọc đường, lái xe Hồ Văn Chiên, người của Trung đội tôi, may mắn thoát nạn, nhưng xe bị vỡ đến 6 lốp, Chiên đành bỏ xe tìm đường quay trở về đơn vị và báo cáo là đã không thể hoàn thành nhiệm vụ được giao; anh em đã khóc vì thất lạc 3 người trong rừng lạ, không biết còn sống hay đã chết. Trong suốt hành trình qua các trạm trung chuyển dọc đường, mệt mỏi và kiệt sức, 2 chân tôi đau quá thể, bi quan và vô vọng, tôi nghĩ đôi chân đã hỏng, mình thành phế binh thật sự rồi. Nhưng sau gần nửa tháng điều trị, tôi phục hồi khá nhanh, đến ngày 06/4/1975 thì đi lại và sinh hoạt gần bình thường nên xin bác sĩ điều trị cho ra Viện, tôi biết thông tin đơn vị tôi có xe ra Pleiku đón, cùng nhiều người của Trung đoàn, cơ hội hiếm có đến với tôi lúc này!. Thế là tôi được xuất Viện. Tôi đã tìm đến Đoàn thu dung với gần hai chục đồng đội để cùng trở về Trung đoàn. Khi vào đến Buôn Ma Thuột, chờ xe đi tiếp vào mặt trận mới Xuân Lộc-Long Khánh, nơi Trung đoàn 95 sẽ chiến đấu, tôi đã tới thăm gia đình anh Phấn, chị Hường, nơi tôi ở lúc còn đánh Buôn Ma Thuột, chuyện này tôi xin được kể lại sau.
3. Trở về Trung đoàn và Chiến dịch Hồ Chí Minh
Cuối tháng 3 năm 1975, từ thị xã Cheo Reo – Phú Bổn, Trung đoàn 95 nhận nhiệm vụ mới, hành quân quay về phương Nam theo đường 14, qua Đức Lập, Đồng Xoài, Phước Long, cắt rừng tiến công trên đường 20 để cô lập địch ở thị xã Xuân Lộc, Long khánh, cùng với Quân đoàn 4 giải phóng hoàn toàn tuyến phòng thủ quan trọng cuối cùng của chế độ Sài Gòn. Ngày 21/4/1975, thị xã Xuân Lộc và toàn tỉnh Long Khánh hoàn toàn giải phóng, chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu ngày 26/4/1975. Từ chiều ngày 25/4/1975, Trung đoàn 95 ở khu vực ngã ba Dầu Giây, Bầu Hàm, tỉnh Long Khánh được lệnh hành quân đi phối thuộc với Quân đoàn I, tham gia giải phóng Sài Gòn, theo lộ trình ngược đường Quốc lộ 20 và cuối cùng tập kết tại Tân Uyên, bên bờ trái sông Đồng Nai vào trưa ngày 30/4/1975. Nhìn 3 chiếc xe tăng của ta bị trúng mìn tại bờ sông, tôi hình dung một thế trận gay cấn khi quân ta vượt qua tuyến phòng thủ này của địch. Sau mấy ngày ở lại Tân Uyên, Trung đoàn hành quân về đóng quân tại kho vũ khí Thành Tuy Hạ, là kho dự trữ chiến lược của địch nên rất bề thế, thuộc huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Tại đây có Quân cảng để tàu hàng cập bến. Từ thành Tuy Hạ, nhìn qua bên kia sông là cảng Cát Lái, nay thuộc quận 2 thành phố Hồ Chí Minh. Cuối năm 1975 tôi nhận được lệnh ra Bắc sau gần 4 năm ở chiến trường.
4. Lời kết
Dù chiến tranh đã đi qua, nhưng những trang sử hào hùng sẽ còn vang vọng mãi. Tình yêu đất nước, tình đồng đội, sự hi sinh cao cả của biết bao con người trong cuộc chiến đã làm nên một đất nước hòa bình, sống động và đang từng ngày đổi mới và phát triển như hôm nay. Hy vọng rằng các thế hệ trẻ sẽ luôn khắc ghi để tiếp bước cha anh.
Tôi xin được mượn đoạn kết của bài thơ “ Gửi bạn chiến hào” với nhiều cảm xúc và triết lý nhân sinh sâu sắc, rất tâm đắc với những CCB-Sinh viên đã may mắn được trở về:
…“ Nói dùm ta, những năm tháng chiến hào
Muôn nỗi gian lao rồi sẽ thành chuyện cũ
Nhưng giá trị cứ âm thầm tích tụ
Sáng lòng ta, lấp lánh suốt mai sau.”
ĐHXD 20/04/2025
CCB - SV Hoàng Văn Tần (Hội viên Hội Cựu chiến binh Trường Đại học Xây dựng Hà Nội)