Thiết thực chào mừng thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam, chào mừng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021, hướng tới kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Công đoàn Giáo dục (CĐGD) Việt Nam (22/7/1951 - 22/7/2016), CĐGD Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức “Liên hoan tiếng hát giáo viên toàn quốc lần thứ IV” - năm 2016. Đây là hoạt động truyền thống của ngành Giáo dục được tổ chức 5 năm một lần, nhằm xây dựng phong trào văn hóa, văn nghệ trong các cơ sở giáo dục, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho cán bộ, nhà giáo, người lao động, tạo không khí phấn khởi, thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học; là dịp để tăng cường giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và hiểu biết giữa các đơn vị trong toàn ngành.
Liên hoan tiếng hát giáo viên toàn quốc lần thứ IV được tổ chức tại 4 khu vực: Khu vực 1 gồm các đội văn nghệ của các đơn vị đóng trên địa bàn miền núi phía Bắc, tổ chức tại thành phố Thái Nguyên; khu vực 2 gồm các đơn vị đóng trên địa bàn thành phố Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, tổ chức tại thành phố Hà Nội; khu vực 3 gồm các đơn vị đóng trên địa bàn miền Trung và Tây Nguyên, tổ chức tại thành phố Đà Nẵng; khu vực 4 gồm các đơn vị phía Nam, tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh.
Đêm 25/4/2016 "Liên hoan tiếng hát giáo viên toàn quốc lần thứ IV" khu vực phía Bắc đã được bế mạc và trao giải trọng thể tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội. Tham gia Liên hoan có 37 đoàn nghệ thuật không chuyên từ các trường Đại học và Cao đẳng, các Sở Giáo dục và Đào tạo khu vực 2, thu hút sự tham gia của gần hai nghìn nhà giáo, cán bộ viên chức, sinh viên với gần 200 tiết mục với các thể loại ca, múa, kịch, nhạc cụ.
Đến dự Lễ bế mạc có ông Phạm Mạnh Hùng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Nguyễn văn Ngàng - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Vũ Đình Giáp - Ủy viên BCH Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Phó Chánh văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Vũ Văn Thành – Vụ thi đua khen thưởng Bộ GD&ĐT, ông Vũ Minh Đức - UV Ban Cán sự Đảng - Bộ GDĐT, UV Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Chủ tịch CĐGD Việt Nam - trưởng Ban Tổ chức "Liên hoan", bà Nguyễn Thị Bích Hợp - Phó Chủ tịch CĐGD Việt Nam và các đồng chí trong Ban Tổ chức, Ban Giám khảo, các phóng viên báo chí, truyền hình và đông đảo thầy cô, cán bộ viên chức và sinh viên từ các đoàn tham gian Liên hoan.
Với 159 tiết mục biểu diễn, mỗi đoàn nghệ thuật mang đến liên hoan một sắc thái riêng, phong phú về màu sắc, trang phục, phong cách biểu diễn, những nét riêng, độc đáo của nhiều dân tộc khác nhau ở nhiều vùng miền của đất nước thể hiện lòng biết ơn sâu sắc với Đảng, Bác Hồ kính yêu, tự hào với nghề dạy học cao quý, ca ngợi quê hương, đất nước; thể hiện niềm tin vào tương lai, ước mơ vươn tới những đỉnh cao tri thức, cái đẹp, lòng nhân ái và tình yêu thương con người; ca ngợi phẩm chất cao quý của người giáo viên, phản ánh chân thực tình cảm gắn bó giữa thầy cô với học sinh, sinh viên, với mái trường.... Những lời ca, điệu nhạc được cất lên bởi những kỹ sư tâm hồn đã góp phần tạo nên thành công rực rỡ của Liên hoan.
Sau 2 ngày đêm thi tài giữa 37 đoàn với 159 tiết mục, Liên hoan tiếng hát giáo viên toàn quốc lần thứ IV" năm 2016 khu vực 2 đã khép lại, thành công rực rỡ. Đánh giá về Liên hoan, nhạc sĩ Hoàng Lân – Trưởng Ban Giám khảo cho rằng, liên hoan đã diễn ra với chất lượng cao; nhiều tiết mục gây được không khí hào hứng cho người xem cũng như ban giám khảo; âm nhạc sạch với nhiều giọng hát hay khiến mọi người thoải mái, thích thú; hầu hết các đoàn đã chuẩn bị công phu, chu đáo để tham dự liên hoan, kể cả về phụ họa. Ông cũng mong muốn ngành GD&ĐT các tỉnh, thành phố, các trường Đại học và Cao đẳng cần duy trì và phát huy phong trào văn hóa văn nghệ để tạo sân chơi cũng như cổ vũ, động viên để giúp các thầy, cô giáo thực hiện tốt nhiệm vụ cao quý của mình.
Tham gia Liên hoan lần này, chương trình biểu diễn của Công đoàn trường Đại học Xây dựng với 05 tiết mục dự thi do các giảng viên, cán bộ viên chức trường dàn dựng, biểu diễn với chủ đề :“Tự hào non sông Việt Nam” đã được Ban giám khảo đánh giá là chương trình được dàn dựng công phu, chất lượng nghệ thuật cao, có nội dung sâu sắc, phù hợp chủ đề của Liên hoan, mang đến cho khán giả một chương trình văn nghệ đặc sắc, ấn tượng.
Kết quả:
+ Giải tập thể:
Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Giải Nhì toàn đoàn.
+ Giải các tiết mục:
1. Giải Bạc thể loại Múa: Sức trẻ công trường – Tập thể cán bộ, viên chức trường Đại học Xây dựng
2. Giải Đồng tốp ca, hợp ca: Non sông ngàn năm gấm vóc – Sáng tác: Mai Kiên – Tập thể cán bộ, viên chức trường Đại học Xây dựng
3. Giải Đồng tốp ca, hợp ca: Những chàng trai trẻ - Sáng tác: Nguyễn Đức Trung – Tốp ca Nam trường Đại học Xây dựng
4. Giải Đồng tốp ca, hợp ca: Tự hào Việt Nam – sáng tác: Trương Ngọc Ninh – Hợp ca nam nữ trường Đại học Xây dựng
5. Giải Đồng đơn ca: Dấu chân Người lội suối chiều mưa – Sáng tác: Vũ Văn Viết – Đơn ca: Lê Đình Linh - Giảng viên khoa Kinh tế và Quản lý Xây dựng, trường Đại học Xây dựng
Trong những năm qua, trường Đại học Xây dựng luôn chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo toàn diện, bên cạnh công tác đào tạo, còn luôn quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, viên chức, tạo không khí phấn khởi trong Nhà trường đồng thời là dịp để các cán bộ, viên chức gắn bó với nhau hơn, thêm yêu nhà trường, qua đó thúc đẩy sự nhiệt tình và trách nhiệm trong công việc.
Tham gia liên hoan tiếng hát giáo viên Toàn quốc lần thứ IV năm 2016 - Khu vực 2, trường Đại học Xây dựng đã triệu tập lực lượng 150 cán bộ viên chức, tham gia dàn dựng chương trình, tập luyện trong những khoảng thời gian hiếm hoi, xen kẽ giữa các công việc của các thầy cô giáo, CBVC và Ban giám hiệu nhà trường. Các đơn vị trong trường cũng đã tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể để đội văn nghệ tham gia dự thi với các tiết mục đạt chất lượng cao nhất.
Ban Giám hiệu trường Đại học Xây dựng chụp ảnh lưu niệm cùng Đội văn nghệ trường sau giờ biểu diễn
Đạt được kết quả tốt đẹp trên, bên cạnh sự quan tâm của Ban Giám hiệu nhà trường, đó là sự nỗ lực hết mình của từng thành viên trong Đội văn nghệ. Những thầy cô trong đội múa, không quản thời gian, tranh thủ những giờ nghỉ trưa để tập từng động tác múa, vốn không phải sở trường của mình. Đội hợp xướng trên sân khấu hùng hậu, rực rỡ sắc màu, tươi những nụ cười là thế, nhưng đã phải tranh thủ từng phút sau những giờ sau khi lên lớp, giữa những công việc bộn bề của nhà trường, của gia đình. Khi luyện thanh, lúc nghe nhạc, các thành viên thấy mình trở nên gần gũi hơn, hoà mình với tiếng hát lời ca. Dàn hợp xướng của Trường Đại học Xây dựng là sự hoà nhịp tuyệt vời của một tập thể bao gồm những cán bộ, giảng viên, nhân viên nhà trường đến từ những đơn vị khác nhau, tuổi đời và vị trí công việc có khác nhau – nhưng tất cả cùng chung một ánh mắt rạng ngời, thể hiện một niềm vui mừng và tự hào khi đại diện cho ngôi nhà chung Đại học Xây dựng tham gia biểu diễn.
Hy vọng rằng, phong trào văn nghệ của Công đoàn Trường Đại học Xây dựng sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công. Những lời ca, tiếng hát sẽ tiếp tục ngân vang mang đến niềm vui, tinh thần lạc quan cho các đoàn viên Công đoàn, để từ đó mỗi đoàn viên sẽ luôn sẵn sàng cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục cũng như góp phần vào sự phát triển và vị thế ngày một lớn mạnh của Nhà trường.
Xin một lần nữa chúc mừng thành công của Đội văn nghệ trường Đại học Xây dựng.
Mỹ Lan Phòng TT&TT