Năm 2015 là một năm có thể nói là thành công đối với Khoa Kiến trúc – Quy hoạch của Đại học Xây dựng nói chung và Bộ môn Kiến trúc Dân dụng nói riêng về phương diện hợp tác quốc tế. Hoạt động nổi bật nhất chính là tổ chức các workshop quốc tế để sinh viên trong Khoa có dịp cùng làm việc với các sinh viên nước ngoài trong một môi trường chuẩn mực, dưới sự hướng dẫn và đánh giá của các giáo sư tên tuổi và các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực quy hoạch và kiến trúc. Sinh viên thực hành thiết kế theo các chủ đề mang tính thực tiễn cao, qua đó rèn luyện tư duy phân tích, tăng cường khả năng phát hiện - giải quyết vấn đề cũng như phát triển tính sáng tạo, nâng cao các kỹ năng mềm, vận dụng kiến thức đã học đồng thời trau dồi ngoại ngữ. Bên cạnh đó, thông qua việc tổ chức các hoạt động có hàm lượng chuyên môn cao như vậy, Khoa và Bộ môn không chỉ củng cố mối quan hệ vốn có với các đối tác lâu năm mà còn mở rộng hợp tác với các cơ sở đào tạo mới có uy tín trên thế giới, phục vụ cho việc đổi mới công tác giảng dạy – đào tạo theo chuẩn mực quốc tế trong thời kỳ hội nhập. Triển lãm AKN – tên viết tắt của 3 workshop AIAC, KTT và Nunavik được tổ chức ở Đại học Xây dựng trong năm 2015 – tại Hanoi Creative City trong những ngày đầu năm 2016 chính là một dịp giới thiệu rộng rãi kết quả công việc của sinh viên trong Khoa cho công chúng quan tâm đến lĩnh vực kiến trúc.
Workshop quốc tế AIAC 2015 chính là hoạt động đầu tiên của năm 2015, với quy mô lớn nhất từ trước tới nay và tầm quan trọng không chỉ dừng ở cấp độ Khoa mà còn ở cấp độ Trường, khi thu hút 10 đoàn quốc tế với trên 30 giáo sư và gần 140 sinh viên đến từ Tây Ban Nha, Pháp, Ý, Malaysia, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. Với tư cách là chủ nhà, Đại học Xây dựng có 2 đội tham gia. Bộ môn Kiến trúc Dân dụng đã đóng góp rất tích cực trong suốt thời gian chuẩn bị và tổ chức AIAC. AIAC là tên viết tắt của xưởng thiết kế Kiến trúc Quốc tế mang tính khả thi, được khởi xướng bởi một nhóm giáo sư Pháp và Ý vào năm 1999 và được sự bảo trợ của Tổ chức Giáo dục Văn hóa và Khoa học của Liên Hợp Quốc (UNESCO). Năm 2015 là lần thứ 16 workshop được tổ chức song là lần đầu tiên diễn ra tại Việt Nam. Đăng cai tổ chức thành công sự kiện tầm cỡ này, Khoa Kiến trúc của Đại học Xây dựng đã trở thành một thành viên mới và chính thức của mạng lưới các cơ sở đào tạo kiến trúc quốc tế AIAC. Chủ đề của AIAC 2015 là cải tạo chợ Đồng Xuân – một công trình kiến trúc Pháp thuộc hàng di sản quan trọng nhất trong khu phố cổ Hà Nội. Trong suốt 1 tuần, từ 30/03 đến 03/04/2015, sau khi nghe các chuyên gia Việt Nam và quốc tế giảng bài và đi khảo sát thực địa, các nhóm sinh viên bắt tay vào nghiên cứu và tìm tòi các ý tưởng cho đồ án thiết kế, để giải quyết những vấn đề về công năng, không gian, cảnh quan, kỹ thuật, môi trường, … mà chợ Đồng Xuân đang gặp phải, theo nhiều hướng khác nhau.
Sau gần 6 tháng làm việc miệt mài, các nhóm sinh viên đã hoàn thành các đồ án thiết kế. Trung tuần tháng 09/2015, Khoa Kiến trúc – Quy hoạch đã chọn ra 4 phương án gửi sang Madrid dự lễ chấm giải. Với sự đánh giá của một hội đồng uy tín gồm nhiều kiến trúc sư tên tuổi và chuyên gia quốc tế, dưới sự chủ tọa của GS. Eric Dubosc – chủ tịch AIAC – các phương án thiết kế xuất sắc nhất đã được xướng tên trong lễ trao giải trọng thể tổ chức tại Đại học Bách Khoa Madrid ngày 18/09/2015. Lần đầu tiên tham dự song Đại học Xây dựng đã đoạt đến 03 trong tổng số 15 giải thưởng, gồm 01 giải Khuyến khích (cho phương án SUGAR của nhóm Trần Xuân Vũ – Đào Duy Tùng), 01 giải Ba (cho phương án THE RHYTHM của nhóm Nguyễn Hương Giang – Thái Bá Quốc – Phạm Thị Kiều Trang) và giải thưởng cao nhất đã thuộc về nhóm Dương Cao Tùng – Đinh Thị Phương Thảo – Phạm Thanh Tuấn với thiết kế có tên MARKET IN MARKET.
Một góc triển lãm AKN
Điểm chung của ba phương án này là đã khai thác được các giá trị văn hóa – lịch sử của chợ Đồng Xuân, cố gắng giữ lại các không gian cũ và tái sinh các không gian này một cách hòa hợp với không gian đô thị xung quanh đồng thời đảm bảo các hoạt động thương mại vẫn diễn ra một cách bình thường, đem lại lợi ích kinh tế cho các hộ cũng như cá nhân kinh doanh. Bên cạnh đó, các không gian trống cũng được xen cấy để tạo ra những điểm nhấn thú vị, là nơi các hoạt động cộng đồng phong phú có thể diễn ra, tăng thêm sức cuốn hút của một không gian vốn đã được nhiều người biết đến.
Phương án đoạt giải Nhất đã thuyết phục được Ban Giám khảo Quốc tế khi đưa không gian phố vào sâu trong không gian chợ bằng cách kéo dài các tuyến phố thương mại cho xuyên qua mặt bằng chợ hiện tại, tạo thành sự liền mạch của không gian mua sắm, qua đó chia khối lớn thành sáu khối nhỏ hơn cho phù hợp với tỷ lệ con người. Chức năng sử dụng được cân nhắc và hợp lý hóa như đưa khu vực đỗ xe xuống tầng hầm, di dời chợ ướt để đảm bảo vệ sinh, tạo khoảng chênh cốt hoặc thông tầng để phân định hoặc lien kết không gian, … Xét về tổng thể, nhóm thiết kế đã định hình một ngôn ngữ kiến trúc hiện đại và tươi mới với cách xử lý khối đặc – rỗng, đóng – mở dứt khoát và mạnh mẽ song không kém phần duyên dáng trên nền của chợ cũ và vươn lên phía sau lớp mặt tiền được giữ nguyên. Xét về chi tiết, các yếu tố như tiểu cảnh, trường nhìn và trang trí mặt đứng được nhóm sinh viên nghiên cứu rất kỹ và chăm chút, tạo nên sự hoàn chỉnh. Nhóm cũng đã chứng tỏ sự vận dụng tốt kiến thức về kiến trúc thân thiện với môi trường và vì con người qua các giải pháp xanh hóa không gian, tổ chức chiếu sáng – thông gió tự nhiên rất đúng mực và đa dạng hóa các hoạt động cộng đồng trong nhiều lớp không gian. Tiêu đề “Market in Market” cũng có ý nghĩa khi lồng ghép nhiều không gian thương mại nhỏ trong một không gian thương mại lớn, và ở mức độ cao hơn là một chợ truyền thống được bảo tồn và tái phát triển trong bối cảnh rộng là khu kinh doanh sầm uất lâu đời như 36 phố phường với vai trò là hạt nhân hình thành và là trái tim của một Hà Nội nghìn năm văn hiến.
Chú trọng đến yếu tố nhịp điệu, đồ án đoạt giải ba – THE RHYTHM – lại đi sâu vào khai thác dải cây xanh từ ngoài bờ sông Hồng lan tỏa vào trong phố và dẫn dắt khách đi bộ lên không gian tầng thượng dành cho các hoạt động cộng đồng, dưới một lớp mái nhấp nhô mô phỏng nhịp điệu kiến trúc của khu 36 phố phường xưa và nhịp cầu Long Biên ngay phía sau làm hậu cảnh. Phần có sự can thiệp và xử lý diện cũng như khối này tương ứng với chợ Bắc Qua, trong khi chợ Đồng Xuân phía trước được giữ nguyên trạng về lớp vỏ bên ngoài, có cải tạo không gian bên trong theo hướng tăng hiệu quả sử dụng, nhất là đối với tầng 2 và tầng 3 hiện đang chưa được khai thác tốt. Sự kết nối giữa hai khu chợ được duy trì cả về mặt công năng lẫn về mặt không gian. Phần lõi của khu chợ cũ được mở rộng tạo thành một không gian thoáng với lớp mái kính để tăng cường chiếu sáng tự nhiên. Hệ thống cột chống dạng tán cây vươn lên phía trên các quầy hàng nhỏ nhắn, là sự tái hiện chợ cổ dân dã ẩn mình dưới những tán cây um tùm. Không gian xanh hiện diện nhiều nơi, len lỏi vào tận các ngóc ngách của chợ. So với giải pháp mà nhóm giải Nhất lựa chọn, phương án của nhóm giải Ba nhẹ nhàng hơn, song cũng không kém phần hiệu quả, và nổi bật ở tính thi vị cũng như hoài cổ.
Đồ án được giải Khuyến khích có một tiêu đề khá lạ - SUGAR (Đường). Lý giải cho tên gọi này, nhóm sinh viên cho biết mượn hình ảnh một viên đường khi cho tan từ từ vào nước sẽ lan tỏa vị ngọt. Chợ Đồng Xuân đóng vai trò là viên đường như vậy nằm giữa một không gian phố cổ, là tâm điểm của các hoạt động thương mại lẫn văn hóa và đem lại sức sống cùng sự thịnh vượng cho toàn khu vực. Thông điệp nhiều ý nghĩa và triết lý sâu sắc như vậy, song giải pháp lựa chọn lại khá đơn giản. Bên cạnh việc điều tiết chức năng sử dụng giữa câc tầng, nhóm sinh viên nhấn mạnh yếu tố liên hệ không gian trong - ngoài qua các không gian mở và không gian đệm với những diện trong suốt, để thoáng tối đa. Các tuyến phố bao quanh, đặc biệt là phố Cầu Đông, được cải tạo mặt đứng và biến thành những không gian thương mại nhiều màu sắc, đầy ắp hoạt động và thấm đẫm chất văn hóa kinh kỳ kẻ chợ. Khác với hai nhóm trước, nhóm SUGAR chủ trương tái tạo hai gian đầu hồi hai bên đã bị dỡ bỏ trong quá khứ nhằm phục hồi nhiều nhất dáng vẻ xưa của khu chợ.
Mỗi phương án được trình bày cô đọng chỉ trên một pa-nô treo dọc với kích thước 0,75 m x 2 m theo khổ quy định của Ban Tổ chức AIAC. Ba pa-nô của ba phương án MARKET IN MARKET, THE RHYTHM và SUGAR không chiếm nhiều không gian, song lại thu hút sự chú ý của rất đông người đến thăm quan triển lãm.
Hoạt động thứ hai và hoạt động thứ ba là hai xưởng thiết kế kiến trúc cùng được tiến hành với Khoa Kiến trúc thuộc Đại học Laval (Canada) – một đối tác lâu năm, có mối quan hệ học thuật chặt chẽ với Bộ môn Kiến trúc Dân dụng thuộc Khoa Kiến trúc và Quy hoạch. Cả hai workshop đều do GS. André Casault phụ trách và có sự phối hợp của Bộ môn Kiến trúc Dân dụng.
Xưởng thiết kế mùa Hè được tổ chức từ 10/06 đến 03/07/2015 tại Đại học Xây dựng với chủ đề “Habitat & Culture” (Cư trú & Văn hóa) hướng tới việc cải tạo và nâng cấp một số khu nhà chung cư cũ (le KTT) của Hà Nội, dành cho sinh viên Canada và sinh viên Việt Nam. Sinh viên hai nước chia thành 7 nhóm, cùng tìm hiểu nhiều khía cạnh khác nhau của các khu nhà chung cư cũ điển hình của Hà Nội ở Kim Liên, Trung Tự và Phương Mai. Đó là loại hình nhà ở tập thể khá phổ biến ở Hà Nội và một số thành phố ở miền Bắc Việt Nam trong những năm 1960 – 1980, đến nay đã xuống cấp và bị cơi nới một cách tự phát. Nhiều học giả nước ngoài rất quan tâm nghiên cứu loại hình nhà ở “độc đáo” này của Hà Nội, trong khi bản thân chính quyền thành phố Hà Nội cũng đang xúc tiến các chương trình tái thiết, song còn gặp nhiều vướng mắc nên triển khai rất chậm, hiệu quả thu được rất hạn chế. Các yếu tố lịch sử phát triển, kỹ thuật xây dựng, môi trường sống, không gian cư trú, văn hóa ở, công nghệ mới, vật liệu xây dựng, kinh tế xây dựng, xã hội học đô thị, … đều được các sinh viên quan sát, ghi chép, phân tích và kết hợp theo nhiều mức độ khác nhau vào các giải pháp thiết kế của từng nhóm.
Mô hình đồ án trong Xưởng thiết kế mùa Thu tại Đại học Xây dựng với chủ đề “Les défis de l’habitat dans les villages de Nunavik” (Các thách thức trong cư trú tại các làng ở vùng Ninavik)
Sau khi được cung cấp những thông tin chung nhất và trực tiếp đi khảo sát thực địa, các nhóm thiết kế đã làm việc đều đặn hàng tuần dưới sự hướng dẫn của GS. André Casault và các giảng viên Nguyễn Mạnh Trí (Bộ môn Lý thuyết và Lịch sử Kiến trúc), Nguyễn Lan Phương (Bộ môn Kiến trúc Công nghiệp), Trần Minh Tùng và Trần Tuấn Anh (Bộ môn Kiến trúc Dân dụng). Sau mỗi tuần sinh viên đều có báo cáo và trình bày các ý tưởng để các giáo sư và giảng viên góp ý.
Sinh viên đã cố gắng thay đổi không gian ở trong từng khối nhà cũ theo hướng tích cực hơn bằng cách nâng tầng để giảm bớt sự chật chội đồng thời tạo ra các khoảng diện tích xanh vừa cải thiện môi trường vừa cung cấp rau sạch tại chỗ, tổ chức lại mặt đứng của các khối nhà cho sinh động, hấp dẫn, thậm chí xen những khối xây mới để tạo ra các phân vị đứng. Trong mỗi căn hộ, giải pháp thiết kế linh hoạt được lựa chọn để đáp ứng nhu cầu sử dụng có thể thay đổi theo chu trình phát triển của gia đình. Các tình huống chuyển đổi, sang nhượng và ghép căn hộ cũng được sinh viên tính đến. Điều này cho thấy sinh viên đã có những hiểu biết khá sâu sắc các vấn đề xã hội và bám sát thực tiễn phát triển của các khu nhà tập thể cũ. Không gian công cộng ngoài nhà cũng được các nhóm sinh viên chú trọng, khi tạo ra các trục cảnh quan kết hợp với các trục hoạt động, xen cấy một số không gian dịch vụ mới nhằm đảm bảo cuộc sống cộng đồng trở nên đa sắc màu và luôn hấp dẫn.
Xưởng thiết kế mùa Thu diễn ra trong 6 tuần, từ 22/10 đến 30/11/2015 tại Đại học Xây dựng với chủ đề “Les défis de l’habitat dans les villages de Nunavik” (Các thách thức trong cư trú tại các làng ở vùng Ninavik). Thời gian làm việc dài hơn so với xưởng thiết kế mùa Hè, song chương trình được thiết kế tương tự. GS. André Casault đã đem một chủ đề rất mới – cuộc sống ở một vùng khá hẻo lánh tại miền bắc Canada, sát Bắc Cực, với những điều kiện tự nhiên rất khắc nghiệt cho sự tồn tại của con người. Sinh viên Việt Nam không có điều kiện đến tận nơi khảo sát, song với hệ thống bản đồ, ảnh chụp và thông tin chi tiết mà GS. André Casault cung cấp cùng với sự hướng dẫn nhiệt tình của giáo sư và giảng viên Việt Nam, sau 6 tuần 4 nhóm sinh viên KDE – KDF đã hoàn thành các bài thiết kế với những ý tưởng thú vị để tái quy hoạch làng Nunavik tại Québec nhằm đảm bảo sự tiếp cận thuận lợi hơn và điều kiện sống tốt hơn cho người dân địa phương.
Quan điểm quy hoạch – thiết kế chung của các nhóm sinh viên là tận dụng những cơ sở hạ tầng sẵn có và căn cứ trên điều kiện địa hình dốc thoải của khu đất từ đó tái cấu trúc các cụm nhà nhằm tạo ra nhiều hơn các không gian công cộng và bán công cộng, tăng cường khả năng kết nối giữa các cụm nhà dành cho người đi bộ. Các căn nhà ở được thiết kế theo một số mẫu điển hình, với mặt bằng hình chữ nhật, hình lục giác, … dễ tổ hợp theo nhiều kiểu khác nhau để đạt sự phong phú cần thiết. Các thiết kế còn đi vào vấn đề tiết kiệm năng lượng với hình khối gọn gàng, nhỏ nhắn, đóng kín để phù hợp với điều kiện khí hậu lạnh giá, tận dụng được ánh nắng ấm của mặt trời mùa đông ở vùng cực Bắc với góc cao rất thấp, song vẫn tạo ra được điểm nhìn tốt ra khung cảnh xung quanh. Các đường ống sưởi nhiệt đặt dưới sàn, được dẫn vào từng căn nhà từ một hệ trục chính chạy dọc theo các tuyến đường làng.
Mười một phương án của 11 nhóm sinh viên tham gia 2 xưởng thiết kế KTT và Nunavik chiếm một phần lớn không gian trưng bày của triển lãm AKN. Trong suốt thời gian 8 ngày diễn ra triển lãm, đã có hàng trăm lượt người đến thăm quan, với 3 hoạt động điểm nhấn là ngày khai mạc (09/01), ngày Sinh viên nói (13/01) và ngày bế mạc (17/01). Khách đến thăm quan, đặc biệt là sinh viên, có dịp được nghe chính sinh viên của các nhóm tham gia và đạt giải thưởng quốc tế chia sẻ những kinh nghiệm làm việc, quá trình hình thành và phát triển ý tưởng thiết kế, cũng như cách thức trình bày kết quả nghiên cứu. Đó là những trải nghiệm rất khó quên cho bản thân mỗi sinh viên đã tham gia và cũng là sự khích lệ mạnh mẽ đối với những sinh viên khác. Nhân dịp này, các giảng viên cũng đã có những trao đổi và góp ý rất cụ thể, giúp sinh viên hiểu rõ hơn những vấn đề khó trong từng workshop và biết cách giải quyết những vấn đề này. Lễ bế mạc cũng là dịp phát động cuộc thi thiết kế sân chơi cho trẻ em tại những vùng còn khó khăn, là một hoạt động hướng tới cộng đồng và mang tính nhân văn nằm trong chương trình dài hạn của Bộ môn, sử dụng Quỹ Đào tạo FAT mà Bộ môn vừa gây dựng được trong năm 2015. Trong tương lai, những triển lãm đồ án kiến trúc của sinh viên tương tự như AKN sẽ được Bộ môn tổ chức đều đặn. Đó là những hoạt động rất có ý nghĩa và là kênh quảng bá khá hiệu quả chất lượng đào tạo cho Bộ môn. Bộ môn kỳ vọng đó sẽ là những sự kiện thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng.
Đối với các giảng viên kiến trúc, hướng dẫn sinh viên làm phương án dự thi tại xưởng thiết kế quốc tế cũng là một dịp để trải nghiệm và học hỏi thêm từ những vấn đề thực tiễn phong phú, sinh động của nước ngoài, thậm chí của chính Việt Nam nói chung và của Hà Nội nói riêng, vì có thể nhìn sự phát triển dưới nhiều góc độ hơn và với tốc độ chậm hơn để hiểu sâu hơn, kỹ hơn những gì tưởng chừng như đã quen thuộc. So với hướng dẫn đồ án thông thường thì cảm nhận của các giảng viên khi làm việc với sinh viên mỗi lần có workshop quốc tế quả thực không có quá nhiều điểm khác biệt: vẫn là sự say mê tìm tòi và sáng tạo, tâm huyết và trách nhiệm với sự nghiệp đào tạo. Điểm khác biệt nếu có thì có lẽ là ở số lượng sinh viên ít hơn (vì được chọn lọc từ trước) nên giảng viên có điều kiện theo dõi liên tục và sát sao hơn quá trình làm việc của sinh viên. Mục tiêu đặt ra cũng lớn hơn thành ra cường độ làm việc cao hơn. Cả giảng viên và sinh viên đều phải tập trung làm việc và phát huy chất xám cao độ trong thời gian ngắn. Xét theo chiều ngược lại, sau mỗi workshop quốc tế, các giảng viên sẽ thấy rõ hơn những điểm mạnh và những mặt còn hạn chế của sinh viên để từ đó có những điều chỉnh cần thiết nhằm rút kinh nghiệm cho những hoạt động tương tự sau này và trước hết là đảm bảo công việc thường nhật – hướng dẫn đồ án môn học – ngày càng tốt hơn. Với mỗi đồ án môn học thông thường và đặc biệt hơn là đồ án tổng hợp, ý tưởng luôn là yếu tố quan trọng nhất, cần được đầu tư công sức, trí tuệ cũng như thời gian xứng đáng. Điều đó phụ thuộc vào kiến thức, năng lực và phương pháp luận của sinh viên. Còn giảng viên cần phải truyền lửa đam mê và khơi dậy tính sáng tạo cho sinh viên của mình trong quá trình hướng dẫn.
Toàn cảnh buổi khai mạc triển lãm AKN tại Hanoi Creative City
Yêu cầu về quy hoạch cũng như xây dựng ngày nay mà xã hội đặt ra đòi hỏi phải có sự cải tiến phương pháp giảng dạy và học tập đồ án trong các cơ sở đào tạo ngành kiến trúc. Qua 3 xưởng thiết kế đồ án trong năm 2015 vừa qua, Bộ môn Kiến trúc Dân dụng càng nhận thấy rõ hơn sự cần thiết của việc đổi mới và sẽ cố gắng thực hiện bắt đầu từ năm 2016 trở đi. Những kinh nghiệm hay dẫn đến thành công của sinh viên trong 3 xưởng thiết kế AIAC, KTT và Nunavik sẽ được tổng hợp, phân tích và triển khai áp dụng để nâng cao đáng kể chất lượng dạy và học các đồ án mà Bộ môn phụ trách. Liên quan đến vấn đề đào tạo và tính thực tiễn của đồ án, bên cạnh những cơ hội làm việc với các giáo sư và kiến trúc sư nước ngoài, Bộ môn cũng chú trọng khai thác những mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp và đơn vị tư vấn trong nước có tên tuổi như VNCC, Cubic, ATEK, … Các kiến trúc sư từ các công ty và văn phòng thiết kế này sẽ phối hợp hướng dẫn và đánh giá đồ án sinh viên cùng với các giảng viên của Bộ môn. Qua hoạt động triển lãm AKN vừa qua, điều đáng mừng là Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) và Quỹ Vườn ươm Tài năng mà GS. Ngô Bảo Châu sáng lập (TALINPA) ngay lập tức bày tỏ sự quan tâm đến công tác đào tạo đồ án kiến trúc tại Đại học Xây dựng. Đó là những điều kiện hết sức thuận lợi để Bộ môn Kiến trúc Dân dụng cần tranh thủ và thêm quyết tâm hiện thực hóa những mục tiêu đã đề ra trong lộ trình phát triển, dần dần tiếp cận – hòa nhập với nền giáo dục đại học tiên tiến của khu vực và rộng hơn nữa là của thế giới.
TS. KTS. Nguyễn Quang Minh
Bộ môn Kiến trúc dân dụng
Khoa Kiến trúc và Quy hoạch