Từ ngày 17/9/2018 đến 22/9/2018, Phiên họp toàn thể lần thứ 4 của Dự án Tuning khu vực Đông Nam Á (TA-SE) đã diễn ra trong khuôn viên của trường Đại học Chulalongkorn tại thủ đô Bangkok, Thái Lan. Phiên họp có 143 đại biểu là lãnh đạo, người làm chính sách và nhân viên dự án, đại diện cho Học viện Tuning, các đối tác dự án, 28 trường đại học thành viên dự án, các cơ quan chính phủ và tổ chức quốc tế khác, đến từ 16 quốc gia trên thế giới.
Trường Đại học Xây dựng vinh dự là một trong ba thành viên chính thức của TA-SE đến từ Việt Nam, cùng với trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh. PGS.TS Phạm Xuân Anh giữ vai trò Trưởng nhóm dự án TA-SE của trường Đại học Xây dựng. Tham dự phiên họp lần này, đại diện của trường Đại học Xây dựng gồm có: TS. Nguyễn Ngọc Linh – Trưởng khoa Xây dựng Dân dụng và Công Nghiệp; TS. Nguyễn Tiến Dũng – Phó trưởng phòng Hợp tác Quốc tế; và ThS. Phạm Nguyễn Vân Phương – Phó trưởng bộ môn Công nghệ và Quản lý Xây dựng.
Các đại biểu đến từ Việt Nam tham dự Phiên họp (từ phải qua trái: TS. Nguyễn Ngọc Linh Trưởng Khoa Xây dựng Dân dụng và Công Nghiệp, Trường Đại học Xây Dựng; PGS.TS. Trần Diệp Tuấn – Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh; PGS.TS. Trần Thiên Phúc – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh; TS. Nguyễn Tiến Dũng – Phó trưởng phòng Hợp tác Quốc tế, Trường Đại học Xây dựng)
Chủ đề chính của Phiên họp là công bố, bàn luận và đi đến thống nhất chung về kết quả khảo sát khối lượng học tập của sinh viên đã được thực hiện tại các trường đại học thành viên từ tháng 5/2018 đến tháng 7/2018. Dựa trên thống nhất này, các trường tiếp tục cập nhật chỉnh sửa nội dung cấu trúc chương trình đào tạo trong giai đoạn tiếp theo của Dự án. Diễn đàn chính sách là một trong những điểm nhấn của Phiên họp. Diễn đàn mang lại cơ hội cho phép các đại biểu: trao đổi chiến lược hiện tại và xu hướng tương lai của đào tạo bậc cao; chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và tầm nhìn trong từng lĩnh vực; bàn luận về những kết quả đã có được của TA-SE và ảnh hưởng tiềm năng của nó tới đổi mới giáo dục đào tạo đại học trong khu vực Đông Nam Á.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, trường Đại học Xây dựng nhận thức sâu sắc về nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Đồng hành tích cực với các hoạt động của Dự án, Nhà trường có cơ hội tiếp cận thực hành phương pháp đổi mới chương trình đào tạo theo hệ thống giáo dục Châu Âu. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội mở rộng mạng lưới hợp tác với các trường đại học trong khu vực và trên thế giới trong tiến trình phát triển của trường Đại học Xây dựng. Như bà Julia Gonzalez, người sáng lập dự án Tuning, đã chia sẻ trong Phiên họp: “TA-SE là một dự án dành cho các trường đại học và thực hiện bởi các trường đại học, xây dựng một ngôn ngữ chung trong đào tạo bậc cao và tạo ra mạng lưới giáo dục toàn cầu”.
Giới thiệu dự án TA-SE
Dự án TA-SE được hình thành với mục tiêu triển khai các công cụ Bologna, xây dựng một khung đánh giá năng lực tương đương và tương thích giữa các trường đại học Đông Nam Á. Dự án là một phần của chiến lược phát triển hợp tác quốc tế và đổi mới giáo dục đại học theo Tiến trình Bologna (Bologna Process) và Chương trình nghị sự về Đổi mới giáo dục bậc cao của Châu Âu (EU Higher Education Modernization Agenda).
Là dự án khu vực đầu tiên của Tuning tại Đông Nam Á, TA-SE tập trung cải cách chương trình đào tạo của ba lĩnh vực: Xây dựng, Y học và Giáo dục. Dự án hướng tới giải quyết các vấn đề liên quan đến: chuẩn đầu ra của sinh viên tốt nghiệp; cấu trúc chương trình đào tạo; hệ thống chuyển đổi tín chỉ châu Âu (ECTS) và khối lượng học tập của sinh viên; phương pháp giảng dạy, học tập và đánh giá; cách thức tăng cường chất lượng giảng dạy và quá trình đào tạo.
TA-SE đã thu hút sự tham gia của 23 trường đại học lớn trong khu vực, 5 trường đại học và 1 tổ chức ở Châu Âu. Dự án được tài trợ bởi Chương trình Eramus+ của Liên minh Châu Âu, điều phối bởi trường Đại học Deusto (Tây Ban Nha) và Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (Asian University Network).