Ngày 8/6/2018, Trường Đại học Xây dựng phối hợp cùng Bộ Xây dựng và UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội thảo khoa học công nghệ toàn quốc “Cát nghiền thay thế cát tự nhiên – Vật liệu thân thiện môi trường” tại Cung Quy hoạch Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh.
Toàn cảnh Hội thảo
Tham dự hội thảo có: Ông Nguyễn Văn Sinh- Thứ trưởng Bộ Xây dựng; Ông Vũ Văn Diện – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh; PGS. TS Phạm Duy Hòa- Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng, Trưởng Ban tổ chức hội thảo; TS. Lê Trung Thành - Chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam, Viện trưởng Viện VLXD; Ông Phạm Văn Bắc – Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng – Bộ Xây dựng; Ông Vũ Ngọc Anh – Vụ trưởng Vụ KHCN&MT – Bộ Xây dựng; Ông Lê Văn Tới – Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng; Ông Nguyễn Mạnh Tuấn – Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh ; PGS.TSKH Bạch Đình Thiên- Viện trưởng Viện NC và Ứng dụng VLXD Nhiệt đới. Ngoài ra, hội thảo có sự tham gia của hơn 200 đại biểu đến từ các Bộ, ngành, UBND các tỉnh và các viện nghiên cứu, trường đại học, hiệp hội nghề nghiệp, doanh nghiệp và chuyên gia trong cả nước.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Vũ Văn Diện – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, Quảng Ninh hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội, tài nguyên khoáng sản phong phú và đa dạng, nơi tập trung của các nhà máy nhiệt điện, các mỏ khai thác than. Tỉnh đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ thực hiện chiến lược phát triển hạ tầng, nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, đổi mới mô hình tăng trưởng từ nâu sang xanh. Để có nguồn cung cấp vật liệu cho các tuyến đường và san nền các dự án phát triển đô thị, các khu công nghiệp, quan điểm chỉ đạo của tỉnh là sử dụng nguồn đất đá thải tại các bãi thải, hạn chế tối đa san gạt đồi lấy đất, cấm nạo vét và hút cát trên các luồng, tuyến cửa sông. Ông Vũ Văn Diện cho biết, đây là lĩnh vực hoàn toàn mới, đề nghị Bộ Xây dựng và các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, các doanh nghiệp phát thải, các viện nghiên cứu, trường đại học và các nhà khoa học tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư các dự án, doanh nghiệp sản xuất cát nhân tạo được khai thác đất, đá thải, sớm ban hành đầy đủ các tiêu chuẩn quốc gia, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật trong xử dụng tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện vào công trình xây dựng; xem xét điều chỉnh Thông tư số 33/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 về quản lý chất thải nguy hại, đưa danh mục xỉ thải của các nhà máy nhiệt điện là chất thải rắn thông thường; sớm lập và trình phê duyệt Đề án xử lý, sử dụng tro, xỉ thạch cao của các nhà máy nhiệt điện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017. UBND tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương và các chủ đầu tư quán triệt việc sử dụng cát có chất lượng và nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là sử dụng cát nhân tạo từ bãi thải mỏ, góp phần bảo vệ môi trường cũng như phù hợp định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Ông Vũ Văn Diện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Phạm Duy Hòa – Hiệu trưởng Trường ĐHXD cho biết, việc phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu tại chỗ, nhất là việc tận dụng các chất thải sản xuất, chất thải công nghiệp đang được các cơ quan quản lý, các địa phương rất ưu tiên quan tâm. Đặc biệt, trong bối cảnh nhu cầu sử dụng cát xây dựng ở Việt Nam ngày càng tăng cao, theo số liệu thống kê, cả nước đang sử dụng 130 triệu m3 cát xây dựng trong 1 năm, theo dự báo trong giai đoạn 2016-2020, chúng ta sẽ cần khoảng 2,1-2,3 tỷ m3 cát phục vụ cho san lấp. Trong khi đó, nguồn cát dự trữ phục vụ cho san lấp đến năm 2020 chỉ còn 2 tỉ m3. Như vậy, sau năm 2020, Việt Nam sẽ không còn cát phục vụ cho san lấp. Bên cạnh đó, việc khai thác cát quá nhiều đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường tự nhiên. Vì vậy Chính phủ và các Bộ ngành trong thời gian qua đã tích cực chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp quản lý để hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng khai thác cát gây xói, lở bờ sông; tăng cường sử dụng vật liệu thay thế cát tự nhiên; nhiều chương trình và đề án nghiên cứu tận dụng các nguồn chất thải công nghiệp trong sản xuất các loại vật liệu xây dựng. Hi vọng rằng, hội thảo sẽ gợi mở nhiều giải pháp thiết thực, cụ thể về việc hạn chế khai thác và sử dụng cát tự nhiên, tăng cường thúc đẩy sử dụng cát nhân tạo, cũng như cát loại vật liệu từ tro xỉ nhiệt điện. Hội thảo cũng nằm trong chiến lược phát triển của Trường trong việc phát huy vai trò của Trường ĐHXD là đơn vị tiên phong trong việc nghiên cứu đào tạo và chuyển giao các công nghệ thân thiện môi trường trong lĩnh vực Xây dựng nói chung và Vật liệu xây dựng nói riêng, tại Việt Nam và trong khu vực. Thay mặt Trường Đại học Xây dựng, PGS.TS Phạm Duy Hòa gửi lời cảm ơn tới UBND tỉnh Quảng Ninh, Bộ Xây dựng đã hỗ trợ cho quá trình tổ chức Hội thảo, cảm ơn Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh, Hội Bê tông Việt Nam, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Quảng Ninh, các doanh nghiệp đã đồng hành và hợp tác tổ chức hội thảo; các nhà quản lý, các chuyên gia khoa học trong và ngoài trường đã nhiệt tình tham dự, chia sẻ nhiều thông tin, kiến thức và kinh nghiệm quản lý bổ ích, góp phần vào sự thành công của hội thảo.
PGS.TS Phạm Duy Hòa – Hiệu trưởng Trường ĐHXD phát biểu tại hội thảo
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe báo cáo về “Công tác quản lý nhà nước và các định hướng chung về vật liệu thay thế cát tự nhiên và sử dụng tro xỉ nhiệt điện để sản xuất vật liệu xây dựng”. Bên cạnh đó, các chuyên gia đã trình bày chi tiết về: Nghiên cứu Công nghệ sản xuất và sử dụng cát nghiền thay thế cát tự nhiên; Sử dụng tro xỉ nhiệt điện để sản xuất vật liệu xây dựng.
Báo cáo về “Cát nghiền và Khoáng sản thay thế cát tự nhiên: Tình hình Đầu tư sản xuất- Sử dụng cát nghiền; Cơ chế chính sách Phát triển và Khuyến khích sử dụng Cát nghiền và Tro xỉ nhiệt điện trong sản xuất Vật liệu xây dựng” do ThS. Phạm Văn Bắc - Vụ trưởng Vụ VLXD- Bộ Xây dựng trình bày
Báo cáo về “Thực trạng quản lý khai thác, sử dụng cát và chất thải công nghiệp (đá cát kết, tro xỉ nhiệt điện) để sản xuất VLXD trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” do ThS. Nguyễn Mạnh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh trình bày
Báo cáo về “Vật liệu thay thế Cát tự nhiên và Sử dụng tro xỉ nhà máy nhiệt điện trong sản xuất Vật liệu xây dựng” do PGS. TSKH Bạch Đình Thiên- Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng VLXD Nhiệt đới- Trường ĐHXD trình bày
Hội thảo khoa học toàn quốc này sẽ góp phần hiện thực hóa Nghị quyết 46/NQ-CP ngày 9/6/2017 của Chính phủ về “Giải pháp khắc phục tình trạng khan hiếm cát xây dựng ở một số địa phương; các giải pháp sản xuất vật liệu thay thế cát tự nhiên để hạn chế tình trạng khai thác cát lòng sông”…Hội thảo đồng thời góp phần hiện thực hóa Quyết định 1696/QĐ-TTg ngày 23/9/2014 về “Một số giải pháp thực hiện xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hoá chất phân bón để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng” và Quyết định 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 phê duyệt đề án “Thúc đẩy xử lý tro, xỉ, thạch cao trong các nhà máy nhiệt điện, hoá chất để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng”.
Hội thảo sẽ giới thiệu, quảng bá rộng rãi về chất lượng, công dụng và trao đổi cơ sở khoa học của việc sử dụng các sản phẩm cát nghiền được gia công từ đá tự nhiên, đá cát kết (chất thải thu gom từ hoạt động khai thác than), phế thải tro xỉ nhà máy nhiệt điện… để thay thế cát tự nhiên. Ngoài ra, hội thảo còn là dịp thúc đẩy các doanh nghiệp tìm hiểu cơ hội đầu tư sản xuất các loại vật liệu xây dựng thân thiện môi trường từ các mỏ khai thác khoáng sản, chất thải thu hồi từ các bãi thải của Tập đoàn Công Nghiệp than khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam… tạo thêm công ăn việc làm cho lao động địa phương tại các khu vực bãi thải khai thác than, bãi thải nhà máy nhiệt điện.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Các đại biểu đi thăm quan Công ty CP Thiên Nam - Đơn vị đầu tiên đầu tư dự án Sản xuất cát nghiền từ phế thải khai thác than
Trang Ninh – Phòng TT&TT