Ngày 29/7/2017, tại Trường Đại học Xây dựng (ĐHXD) đã diễn ra “Hội nghị phát triển Khoa học và Công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học giai đoạn 2017-2025”. Chương trình do Bộ giáo dục và Đào tạo và Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì.
Tham dự hội nghị có: Đồng chí Phùng Xuân Nhạ - Uỷ viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT); Đồng chí Chu Ngọc Anh – Uỷ viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN); Đồng chí Phan Xuân Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội; Đồng chí Huỳnh Thành Đạt - Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM cùng gần 300 giáo sư, lãnh đạo các trường đại học trên cả nước.
Hội nghị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học (NCKH), phát triển và chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực NCKH, thúc đẩy liên kết giữa các trường đại học, các viện nghiên cứu và các doanh nghiệp nhằm phục sự nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Phùng Xuân Nhạ - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đặc biệt nhấn mạnh, NCKH và đào tạo là hai trụ cột của các trường đại học, tuy nhiên công tác triển khai ở hai lĩnh vực này có sự khác biệt. Đối với NCKH, chuyển giao công nghệ trong các trường đại học khác với các cơ sở không đào tạo ở chỗ, hoạt động này không chỉ tạo ra sản phẩm KHCN phục vụ cuộc sống mà trước hết còn là để nâng cao chất lượng đào tạo. Khác với giáo dục phổ thông, giáo dục đại học quan trọng là tạo ra tri thức mới, nhà trường nếu không đẩy mạnh phát triển KHCN sẽ thuần túy là truyền dạy kiến thức mà không sáng tạo. Thực tế, công tác NCKH đã được triển khai ở nhiều cơ sở giáo dục đại học nhưng không đến nơi đến chốn, nhà trường hiện nay dành nhiều thời gian cho công tác đào tạo, không chú trọng vào NCKH. Tinh thần nghiên cứu không tương ứng với đào tạo thì nhà trường sẽ phát triển không bền vững. Vì vậy, nhà trường phải nhận thức được việc nghiên cứu tuy tốn kém, khó khăn nhưng sẽ tạo ra thương hiệu cho nhà trường, thu hút được sinh viên giỏi, giảng viên giỏi bởi một cơ sở giáo dục không có thế mạnh nghiên cứu thì khó có thể giữ chân nhà khoa học giỏi.
Đồng chí Phùng Xuân Nhạ - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phát biểu khai mạc hội nghị
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận 3 nội dung sau:
- Thứ nhất: xác định điểm nghẽn trong hoạt động KHCN nói chung và nghiên cứu khoa học nói riêng trong các cơ sở giáo dục đại học hiện nay, đề xuất các giải pháp để tháo gỡ;
- Thứ hai: làm rõ những tồn tại, khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách phát triển KHCN; tổ chức hoạt động KHCN và tiềm lực KHCN, kết nối doanh nghiệp, hợp tác quốc tế về KHCN;
- Thứ ba: đề xuất các hướng nghiên cứu chiến lược và trọng tâm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của các ngành trong giai đoạn 2017-2025 phù hợp với yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; đồng thời, đề xuất các kiến nghị, giải pháp thực hiện.
Tại hội nghị, Bộ KH&CN và Bộ GD&ĐT đã ký kết chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2017-2025 với nội dung: Hợp tác phát triển KH&CN nhằm đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, phát triển và chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực KH&CN, thúc đẩy liên kết giữa trường đại học, các viện nghiên cứu, và doanh nghiệp nhằm phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và Bộ trưởng Chu Ngọc Anh ký kết chương trình phối hợp
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN, đồng chí Chu Ngọc Anh đánh giá cao các kết quả nghiên cứu khoa học trong điều kiện thực tế còn nhiều khó khăn dựa trên 5 tiêu chí: Hoạt động KH&CN giúp nâng cao chất lượng giáo dục; đóng góp vào kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế; nâng cao tiềm lực KH&CN quốc gia; mạng lưới tổ chức KH&CN và doanh nghiệp rộng lớn với nhiều ý tưởng đã thành công và nâng cao chất lượng đào tạo.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, những đóng góp của KHCN là những con số biết nói, ví dụ như những công trình về xây dựng, giao thông đoạt Giải thưởng cấp Nhà nước như cầu Hàm Luông (Bến Tre) v.v.. Nhiều chuyên gia nước ngoài rất khâm phục khi các kỹ sư làm chủ công nghệ, thiết kế thi công cầu với khẩu độ rất dài, trong điều kiện còn nhiều khó khăn. Trong nông, lâm nghiệp, Việt Nam đã hình thành được các chuỗi sản xuất với giống cây chất lượng tốt, giúp tăng sức cạnh tranh cho nền nông nghiệp và sản phẩm nông sản. Hay trong khối y, dược, chúng ta có nhiều cơ sở đủ năng lực so sánh, thậm chí còn vượt nước ngoài, khiến chuyên gia nước ngoài phải sang học tập kỹ thuật, kinh nghiệm của Việt Nam. Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đánh giá cao ý nghĩa của hội nghị lần này là cuộc hợp khởi động quan trọng, là cơ hội để 2 bộ cùng bàn về cách phát triển cho KH&CN.
Đồng chí Chu Ngọc Anh – Bộ trưởng Bộ KH&CN phát biểu tại hội nghị
Đồng tình với ý kiến trên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định: “Thời gian tới, 2 bộ sẽ cùng nhau tập trung rà soát các vấn đề còn vướng mắc. Trong thẩm quyển của 2 Bộ trưởng, chúng tôi sẽ giải quyết ngay để tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục đại học”.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Trang Ninh – Phòng TT&TT