Hoạt động chung

Đoàn công tác Trường Đại học Xây dựng thăm gia đình liệt sỹ Lê Văn Huỳnh

Hướng đến kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh, liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2017), sáng ngày 13/7/2017, đoàn công tác Trường Đại học Xây dựng (ĐHXD) đã đến thăm và tặng quà thân nhân gia đình liệt sỹ Lê Văn Huỳnh tại xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.

Dẫn đầu đoàn công tác là PGS.TS Phạm Quang Dũng – Phó Hiệu trưởng Trường ĐHXD cùng đại diện Hội Cựu chiến binh Trường, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, các phòng, ban và các thầy cô giáo.

Đến thăm gia đình liệt sỹ, thay mặt Ban Giám hiệu Trường ĐHXD, PGS.TS Phạm Quang Dũng đã động viên, đồng thời chia sẻ sự hy sinh mất mát đối với thân nhân gia đình liệt sỹ Lê Văn Huỳnh.

Đoàn công tác Trường ĐHXD thăm và thắp hương tưởng nhớ liệt sỹ Lê Văn Huỳnh

Liệt sỹ Lê Văn Huỳnh quê ở xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Bước sang năm 1972, đế quốc Mỹ ngày càng điên cuồng bắn phá, chiến tranh diễn ra ác liệt. Giống như hàng ngàn học sinh, sinh viên thời ấy, anh Huỳnh tạm gác ước mơ học hành, hăng hái tham gia huấn luyện để chuẩn bị lên đường vào Nam chiến đấu. Lúc đó, anh đang là đang là sinh viên năm thứ 4, khoa Cầu hầm, khóa 13, Trường Đại học Xây dựng. Trên đường hành quân, dừng chân ở đâu, anh Huỳnh đều tranh thủ viết thư về cho gia đình. Những lá thư được gửi về từ Quảng Trị - nơi khốc liệt nhất của cuộc chiến song vẫn thấy toát lên tinh thần lạc quan của người lính. Ngày 2/1/1973, khi mà sự khốc liệt của bom đạn đã lên đến tột cùng, anh đã hi sinh trong lúc làm nhiệm vụ. Ra đi không ngày về, anh đã hiến dâng trọn vẹn tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Bàn thờ liệt sỹ Lê Văn Huỳnh cùng những lá thư - kỷ vật thiêng liêng của gia đình

Trong những bức thư gửi về gia đình của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh, có một bức thư được viết vào tháng 11/1972, không phải là bức thư cuối cùng anh Huỳnh gửi về cho gia đình, nhưng đọc những dòng thư ấy, người ta không khỏi ngạc nhiên về những dự cảm kỳ lạ. Anh biết trước về sự ra đi của mình nhưng lại viết với một tâm thế bình tĩnh đến lạ lùng.

Thư được anh viết trước lúc hy sinh 3 tháng, trong tâm tư dành cho mẹ già, cho người vợ mới cưới, cho anh chị, cho làng xóm, quê hương, anh luôn nhắc đến hai chữ “Hoà bình”. Vậy là trong mưa bom, bão đạn, giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết ở nơi chiến trường, người lính Lê Văn Huỳnh vẫn có niềm tin mãnh liệt vào ngày đất nước toàn thắng.

Nhân dịp này, đoàn công tác Trường ĐHXD cũng ghé thăm nhà bà Đặng Thị Xơ – vợ của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh, hiện đang sống tại nhà mẹ đẻ (tại thôn Văn Hanh, xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) trong một ngôi nhà tình nghĩa được Hội Liên hiệp Phụ nữ quân cảng Sài Gòn góp tiền xây tặng đầu những năm 2000. Hơn 40 năm kể từ khi liệt sỹ Lê Văn Huỳnh hy sinh, bà Đặng Thị Xơ không đi bước nữa, ngày ngày cần mẫn với công việc dệt thảm, làm đồ mỹ nghệ tại Hợp tác xã Chạm bạc Phú Lợi.

Đằng sau bức thư của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh là cả một câu chuyện cảm động về tình yêu vợ chồng và tình cảm của những người thân trong gia đình. Ba tháng sau khi anh Huỳnh hy sinh tại chiến trường Quảng Trị năm 1972, mọi người đã khuyên chị Xơ “đi bước nữa” vì thương chị phải chịu cảnh “vợ góa” khi tuổi còn rất trẻ. Tuy nhiên, chị Xơ vẫn sắt son, ở vậy thờ chồng, dù được làm vợ vỏn vẹn chỉ 6 ngày và chưa kịp có con.

Bà Đặng Thị Xơ tâm niệm: “Anh Huỳnh hi sinh - đó là nỗi đau lớn, nhưng tôi vẫn tự hào về một người chồng đã hy sinh góp phần cho độc lập tự do của Tổ quốc. Vì vậy tôi tâm niệm sẽ sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của anh, để linh hồn anh được thanh thản”.

Bà Đặng Thị Xơ (vợ liệt sỹ Lê Văn Huỳnh) xúc động khi chia sẻ những kỷ niệm về liệt sỹ Lê Văn Huỳnh

Bức thư của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh đã trở thành sức mạnh giúp bà Đặng Thị Xơ vượt qua mất mát, đau thương và những khó khăn của cuộc sống đời thường, để vững vàng kiên trinh.

Bức thư là kỷ vật cuối cùng của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Thành Cổ Quảng Trị, như một minh chứng cho sức sống, ý chí kiên cường, bất khuất và lý tưởng “Sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau” của lớp lớp thanh niên thời bấy giờ.

Ông Lê Quang Chẩm - Anh trai của Liệt sĩ Lê Văn Huỳnh chia sẻ: “Tôi rất tự hào là đã tự tay giao bức thư này cho Bảo tàng Thành Cổ Quảng Trị. Tôi nghĩ, nếu gia đình giữ bức thư thì chỉ đời tôi và đời con cháu tôi biết tới, còn trao cho bảo tàng thì bức thư trở thành bất tử, có ý nghĩa giáo dục lớp thanh niên sau này về truyền thống hào hùng của dân tộc”.

Thành cổ Quảng Trị nay đã trở thành di tích lịch sử Quốc gia, nơi ghi dấu một thời máu lửa của dân tộc. Vùng đất của đạn bom khốc liệt năm xưa giờ đã xanh màu sự sống. Bảo tàng Thành Cổ Quảng Trị hiện trưng bày nhiều lá thư của các chiến sĩ giải phóng viết trước lúc hy sinh. Từ những dòng tâm sự đầy tâm huyết ấy, thế hệ hôm nay cảm nhận được khí phách anh hùng của các anh và hiểu thêm về lịch sử hào hùng của dân tộc. Trong số đó, bức thư của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh đã khiến biết bao trái tim phải rung động. Bức thư đã toát lên một tinh thần bất khuất, cùng những tình cảm thiêng liêng mà anh gửi gắm tới gia đình, đồng thời ẩn chứa những dự cảm kỳ lạ của người lính về sự hy sinh của mình và niềm tin vào ngày hòa bình, thống nhất đất nước.

Trang Ninh – Phòng TT&TT

Một số hình ảnh khác trong chuyến công tác:

Đoàn công tác Trường ĐHXD chụp ảnh lưu niệm cùng thân nhân liệt sỹ Lê Văn Huỳnh trước ngôi nhà của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh

Đại diện Hội Cựu chiến binh Trường ĐHXD trao tặng cuốn kỷ yếu có đăng bức thư của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh cho thân nhân gia đình liệt sỹ

 

Đoàn công tác Trường ĐHXD dâng hương tại Nghĩa trang liệt sỹ xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, Thái Bình

Đoàn công tác Trường ĐHXD thắp hương tưởng nhớ trước mộ của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh