Chương trình trao đổi sinh viên giữa trường Đại học Xây dựng Hà Nội (ĐHXDHN) và trường Đại học Bách khoa Torino - Politecnico di Torino (Polito), Italia được thực hiện từ năm 2018 đến nay trong khuôn khổ Thỏa thuận Hợp tác liên trường Đại học thuộc Chương trình ERASMUS+ do Cộng đồng Châu Âu tài trợ. Trải qua 5 năm, Chương trình ERASMUS+ đã tài trợ toàn phần nhiều đợt trao đổi sinh viên của trường Đại học Xây dựng Hà Nội chuyên ngành kiến trúc sang trường Polito trong thời gian 1 học kỳ - 6 tháng. Tính đến nay đã có hơn 10 sinh viên bậc đại học thực hiện chương trình trao đổi vào kỳ học mùa Thu và mùa Xuân vào các năm học 2018-2019; 2020-2021; 2021-2022 tại Polito. Việc thực hiện chương trình mang tính trao đổi chuyên môn là cơ hội và trải nghiệm quý báu đối với các bạn sinh viên Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, trường ĐHXDHN. Ngoài việc được công nhận tín chỉ khi quay trở lại tiếp tục học tại ĐHXDHN, các bạn sinh viên được trải nghiệm về giao lưu đa văn hóa, tiếp cận môi trường học tập có sự khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa. Điều này giúp sinh viên trưởng thành hơn, vững vàng hơn trong chuyên môn và ngoại ngữ, cũng như nuôi dưỡng những ước mơ theo đuổi, chinh phục những bậc học cao hơn tại đất nước Italia xinh đẹp và mến khách này.
Dưới đây là những cảm nghĩ, chia sẻ của các bạn sinh viên đã từng tham dự Chương trình trao đổi sinh viên tại Đại học Politecnico di Torino:
Sinh viên Tạ Hạnh Dung – Khóa 63 KDE - Khoa Kiến trúc và Quy hoạch
Cuối tháng 9 năm 2021, là lần đầu tiên mình được đặt chân đến nước Italia xinh đẹp thông qua Chương trình học bổng Erasmus+. Đó là một ngày cuối thu, nhưng thời tiết vẫn khá nóng. Sau 10 ngày cách ly vì dịch COVID cũng là thời điểm mà mình được quay lại trường học để học tập trung cùng các bạn sinh viên đến từ các quốc gia khác nhau. Campus của mình theo học tại Politechnico di Torino là lâu đài Valentino. Ngày đầu đến trường mình đã thấy rất bất ngờ vì được học trong một toà lâu đài lâu đời và đẹp đến như vậy. Vì trường của mình đã từng là lâu đài, nên trong trường có cả vườn và công viên nên sau buổi học có thể đi dạo vài vòng thư giãn và mình cảm thấy rất thoải mái.
Mọi người trong lớp đều lớn tuổi hơn mình nên trong thời gian học tập tại Ý, mình không chỉ được các giáo sư hướng dẫn tận tình mà còn nhận được sự giúp đỡ và hỗ trợ từ các anh chị cùng lớp. Mình đã ở châu Âu từ mùa thu đến đầu muà xuân và đây cũng là lần đầu tiên mình trải nghiệm mùa đông nước Ý. Ngoài thời gian học vẫn có những ngày nghỉ nên có thể đi thăm thú thành phố Torino và những vùng xung quanh. Mình cảm thấy Torino là một thành phố rất đáng sống, bình yên và nơi đây đã trở nên rất gắn bó, thân thuộc và mình rất muốn được một ngày được quay trở lại.
Trong thời gian học tập ở châu Âu mình đã có rất nhiều trải nghiệm đáng nhớ và làm quen rất nhiều những người bạn thú vị. Đây chính là cánh cửa kết nối mình tới thế giới rộng lớn, với những nền văn hoá khác lạ. Những công trình kiến trúc đồ sộ và vĩ đại hiện lên trước mắt mình khác xa so với những gì mình đã được học qua sách vở…
Mình mong rằng càng ngày sẽ càng có nhiều cơ hội cho các bạn trẻ như mình có thể tiếp cận với thế giới bao la ngoài kia.
Sinh viên Phạm Duy Lâm - 62KDE - Khoa Kiến trúc và Quy hoạch
Cuối tháng 9 năm 2021 là lần đầu tiên mình đến nước Ý nhờ chương trình học bổng Erasmus+ và đây cũng là lần đầu tiên mình ra nước ngoài. Chính vì vậy mà mình háo hức đến sớm hơn tận một tháng, vừa để làm quen với môi trường mới vừa để ổn định cuộc sống mới tại một đất nước xa xôi. Trường Bách khoa Torino đã tổ chức một buổi chào mừng sinh viên Erasmus tụi mình nữa. Hôm đó thật sự rất vui. Tuy nhiên, vì vừa học chương trình ở Ý, vừa tiếp tục hoàn thành các môn học ở Việt Nam theo hình thức trực tuyến nên mình cũng gặp nhiều khó khăn.
Trong quá trình học, mình được học chủ yếu là ở lâu đài Valentino, một trong những lâu đài lâu đời của thành phố, và đồng thời cũng là giảng đường chính của sinh viên kiến trúc trường Đại học Bách khoa Torino. Khuôn viên trường là một sự kết hợp hài hòa, độc đáo giữa một bên là kiến trúc cổ điển của lâu đài và một bên là kiến trúc công trình xây mới, với thư viện, phòng học và giảng đường hiện đại, đầy đủ tiện nghi cùng với các giáo sư tận tình chỉ dẫn cho sinh viên tụi mình.
Ngoài trường học, mình còn có cơ hội được gặp rất nhiều những người Việt cùng đang sinh sống ở Torino. Họ cũng đã giúp và dạy mình rất nhiều điều, thậm chí mình cũng đã gặp được những người bạn cùng chung chí hướng. Mình cũng đã dành thời gian để thăm thú một vài thành phố khác như Venice, Rome, Pisa, Florence, và cũng đã được đến một hội chợ về văn hóa châu Á ở Padova, mà mình nghĩ đó là khoảng thời gian có ý nghĩa nhất với mình trong cả chuyến đi.
Đối với mình, Torino là một thành phố trầm lặng, có phần không quá nhộn nhịp và rất thích hợp với mình. Vì vậy, mình mong sẽ có cơ hội được trở lại đó trong thời gian không xa.
Sinh viên Nguyễn Đức Bình - K63 KDE; sinh viên Nguyễn Thị Hường - Khóa 64 KDNC – Khoa Kiến trúc và Quy hoạch:
Chúng tôi đã rất may mắn khi có cơ hội được học tập tại Italia - quốc gia có lịch sử lâu đời và đa dạng kiến trúc với những tòa lâu đài cổ kính. Chúng tôi học tập tại thành phố Torino nằm ở phía Bắc của Ý nên ngày đầu đến đây thời tiết vẫn còn khá lạnh. Đợt nhập học của chúng tôi vào kỳ mùa Xuân năm học 2021-2022.
Ngày đầu tiên tại trường Politecnico di Torino, chúng tôi đã vô cùng choáng ngợp trước vẻ đẹp của lâu đài Valentino cổ kính. Niềm hạnh phúc được nhân đôi khi được học tập và tham gia nghiên cứu cùng các sinh viên đến từ khắp nơi trên thế giới, với vô số nền tảng văn hoá khác nhau.
Điều đầu tiên các giảng viên muốn chúng tôi lưu tâm rằng trong không gian lớp học, tất cả mọi người tham gia (kể cả giảng viên) đều được đối xử như nhau. Điều đó thực sự quan trọng bởi lớp học của chúng tôi giống như một thế giới thu nhỏ của vô số các nền văn hoá khác nhau, và chúng tôi, những sinh viên ở đủ mọi lứa tuổi khác nhau, trở thành đại diện cho con người và đất nước chúng tôi sinh ra khi giao lưu với bạn bè quốc tế. Trong lớp học, giảng viên không gọi chúng tôi là các “sinh viên” hay bản thân họ tự nhận mình là “giảng viên” hay “người hướng dẫn” cũng như yêu cầu chúng tôi phải gọi họ với những danh xưng như vậy, mà thay vào đó họ coi bản thân cũng như các sinh viên khác, dù tuổi đời, kinh nghiệm và trải nghiệm sống mỗi người là khác nhau; là những “đồng nghiệp”. Tất cả mọi người tham gia đều được đối xử như nhau, và xuyên suốt quá trình học tập và nghiên cứu, nguyên tắc này tuy không được nhắc lại thành lời, nhưng được thể hiện một cách rõ ràng thông qua cử chỉ và lời nói của mọi người trong lớp học.
Một điều đặc biệt nữa chính là giảng viên “kỳ vọng” mỗi cá nhân tham gia vào tiết học có thể đóng góp một cách nhiệt tình thiên kiến của bản thân, và đồng thời mạnh dạn phản biện ý tưởng của người khác, dựa trên tinh thần thẳng thắng và tôn trọng. Sự xúc phạm là điều bị nghiêm cấm, có lẽ là điều duy nhất từng được đề cập tới. Xuyên suốt quá trình học, chúng tôi thường xuyên được khuyến khích gửi phản ánh của mình thông qua một đường link chung mà tại đó chúng tôi có thể, một cách ẩn danh, đóng góp ý kiến của mình về khoá học cũng như tiết học ngày hôm đó, thậm chí tại thời điểm giáo viên có mặt.
Quãng thời gian năm tháng ở Italia tuy ngắn ngủi, nhưng đã thay đổi hoàn toàn con người chúng tôi, từ cách nhìn cuộc sống, lối tư duy cũng như phong cách làm việc.
Chúng tôi rất biết ơn trường Đại học Xây Dựng Hà Nội, trường Đại học Bách Khoa Torino đã cho chúng tôi cơ hội được đồng hành cùng nhau và có những trải nghiệm cực kỳ quý báu mà có lẽ chúng tôi không bao giờ quên. Chúng tôi cũng mong muốn gửi lời cảm ơn tới Chương trình học bổng Erasmus+ đã tài trợ cho chuyến đi của chúng tôi để có được những trải nghiệm tuyệt vời này. Nếu có được cơ hội, chúng tôi rất mong được quay trở lại ngôi trường này trong một ngày gần đây để tiếp tục theo đuổi những bậc học tiếp theo.
Thu Minh - HTQT