Hoạt động chung

Hội thảo Tạo cơ hội việc làm ngành Xây dựng tại Việt Nam dành cho cựu thực tập sinh kỹ năng

Ngày 22/3/2023, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam; Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo “Tạo cơ hội việc làm ngành Xây dựng tại Việt Nam dành cho cựu thực tập sinh kỹ năng”. Chương trình nằm trong khuôn khổ Dự án thí điểm xây dựng hệ thống hỗ trợ việc làm tại Việt cho thực tập sinh phát huy được kỹ năng xây dựng đã được đào tạo tại Nhật Bản, được hỗ trợ bởi Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và Cơ quan tổ chức JICA.

Toàn cảnh hội thảo

Tham dự hội thảo có ông Phạm Viết Hương – Phó Cục trưởng Cục quản lý Lao động Ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; ông Ishii Chikahisa - Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam; bà Nakamura Mayumi - Điều phối viên chương trình NGO – Văn phòng JICA Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Hoàng Giang – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Viện trưởng Viện Công nghệ cao Việt - Nhật; TS. Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng phòng Hợp tác Quốc tế, Trường ĐHXDHN; ông Higuchi Kimito – Chủ tịch Công ty Iforce, Nhật Bản; ông Nguyễn Giang Ngọc - Trưởng khoa Xây dựng, Trường Cao đẳng Xây dựng số 1 cùng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Xây dựng.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hoàng Giang – Phó Hiệu trưởng Trường ĐHXDHN chia sẻ, Dự án thí điểm xây dựng hệ thống hỗ trợ việc làm tại Việt Nam cho thực tập sinh phát huy được kỹ năng xây dựng đã được đào tạo tại Nhật Bản được xây dựng dựa trên bối cảnh Theo thống kê của Bộ Tư pháp Nhật Bản (MOJ), số lượng Thực tập sinh Kỹ thuật Việt Nam tính đến tháng 12 năm 2019 là khoảng 220.000 người, chiếm hơn một nửa số thực tập sinh nước ngoài tại Nhật Bản, tuy nhiên chỉ 35,8% trong số thực tập sinh sau khi về nước có được công việc tương tự hoặc cùng loại với nhiệm vụ được đào tạo tại Nhật Bản. Do đó, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội với sứ mạng là “Đào tạo nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu khoa học, sáng tạo công nghệ và chuyển giao tri thức; đồng kiến tạo vì sự phát triển bền vững của xã hội và đất nước” đã đảm nhận vai trò Chủ dự án (phía Việt Nam) nhằm tạo ra một hệ thống hỗ trợ thí điểm cho Thực tập sinh tìm được việc làm tại Việt Nam sử dụng các kỹ năng xây dựng có được tại Nhật Bản thông qua TITP với sự hợp tác của các bên liên quan ở cả Việt Nam và Nhật Bản. Việc hợp tác giữa Trường ĐHXDHN và các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài là một trong những hoạt động quan trọng trong chiến lực phát triển của Nhà trường và cũng là xu hướng tất yếu của các trường Đại học tại Việt Nam và trên thế giới. Thầy tin tưởng rằng việc hợp tác sẽ mở ra cho các bạn sinh viên nhiều cơ hội học tập, rèn luyện và làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, thông qua đó, đội ngũ này cũng sẽ đóng góp nhiều cho sự phát triển của ngành Xây dựng, hạ tầng kỹ thuật của Việt Nam sau khi quay trở về.

PGS.TS Nguyễn Hoàng Giang phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, ông Phạm Viết Hương – Phó Cục trưởng Cục quản lý Lao động Ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đánh giá, yêu cầu của xã hội và thị trường lao động đang đòi hỏi ngày càng cao đối với chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là các kỹ sư, người lao động làm việc trong lĩnh vực xây dựng. Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TBXH), thời gian qua, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã đạt được những kết quả nhất định với số lượng lao động tăng dần theo hàng năm, chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài không ngừng được nâng cao. Tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2022 là hơn 142 ngàn người, trong đấy Nhật Bản là một trong số thị trường chính có nhiều lao động xuất cảnh nhất.  Ông Phạm Viết Hương hy vọng, thông qua hoạt động này cũng tạo điều kiện cho các trường đại học tại Việt Nam thúc đẩy quá trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội và phục vụ cho sự phát triển của đất nước. Đặc biệt, các bạn kỹ sư, thực tập sinh không chỉ đóng góp cho các doanh nghiệp mà còn là cầu nối giữa các đơn vị Việt Nam và Nhật Bản nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa 2 quốc gia.

Ông Phạm Viết Hương – Phó Cục trưởng Cục quản lý Lao động Ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phát biểu chỉ đạo Hội thảo

Tại Hội thảo cũng được lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng như Việt Nam trình bày về các vấn đề xoay quanh việc phát triển kỹ năng của các thực tập sinh, những thuận lợi, khó khăn và cả thách thức trong việc sử dụng nguồn nhân lực.

DỰ ÁN THÍ ĐIỂM

Xây dựng hệ thống hỗ trợ việc làm tại Việt Nam cho thực tập sinh phát huy được kỹ năng xây dựng đã được đào tạo tại Nhật Bản

1.Chủ dự án: 

- Phía Việt Nam: Viện Công nghệ cao Việt Nhật (VJIAT), Trường Đại học Xây dựng Hà Nội

- Phía Nhật Bản: Tổ chức Đổi mới và Phát triển nguồn nhân lực Quốc tế (Innovative Organization for Human Resource Cultivation and Encouragement- IFORCE)

2. Đơn vị tài trợ: Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA)

3. Thời gian thực hiện: Dự kiến từ tháng 04/2022 – 03/2025 (3 năm)

4. Địa điểm thực hiện: Thành phố Hà Nội

5. Mục tiêu: Tạo ra một hệ thống hỗ trợ thí điểm cho Thực tập sinh tìm được việc làm tại Việt Nam sử dụng các kỹ năng xây dựng có được tại Nhật Bản thông qua TITP với sự hợp tác của các bên liên quan ở cả Việt Nam và Nhật Bản.

6. Các hoạt động chính:

- Xây dựng nhóm hỗ trợ việc làm tại Việt Nam và thiết lập cơ sở dữ liệu phù hợp với công việc

- Theo dõi đánh giá định kỳ hiệu quả công việc của Thực tập sinh và các vấn đề liên quan đến công việc

- Quảng bá Chương trình hỗ trợ việc làm cho Thực tập sinh tới các công ty xây dựng Việt Nam

7. Kết quả dự kiến:

- Tăng số lượng Thực tập sinh có được việc làm tại Việt Nam nhờ kỹ năng xây dựng có được tại Nhật Bản bằng cách tạo ra một hệ thống hỗ trợ thí điểm hợp tác giữa các bên liên quan ở cả Việt Nam và Nhật Bản;

- Tăng 50% số lượng Thực tập sinh hiện đang được các công ty xây dựng mục tiêu của Việt Nam tuyển dụng so với kết quả khảo sát cơ bản và cuối kỳ

Phòng Truyền thông & Tuyển sinh