Ngày 14/5/2024, tại Trường Đại học Xây dựng Hà Nội (ĐHXDHN), trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Trường ĐHXDHN và đối tác các trường Đại học Cộng hòa Liên bang Đức đã tổ chức Hội thảo REBUMAT: Tài nguyên - Xây dựng hiệu quả sử dụng vật liệu xây dựng bền vững nhằm thúc đẩy nghiên cứu phát triển các vật liệu và phương pháp xây dựng bền vững, tiết kiệm tài nguyên và sử dụng hiệu quả năng lượng ở Việt Nam.
Toàn cảnh Hội thảo
Tham dự Hội thảo, về phía các đối tác CHLB Đức có: GS. Dirk Schwede - Trường ĐH Lubeck, Chủ nhiệm Dự án REBUMAT; TS. Ravi Jayaweera - Trường ĐH Lubeck; ông Andreas Zegowitz - Viện Vật lý công trình Fraunhofer IBP; TS. Simon Schmidt - Viện Vật lý công trình Fraunhofer IBP; Ông Virko Kade - Công ty Stroh&Lehm, Áo; GS. Han Virak - Viện Công nghệ Campuchia.
Về phía khách mời có: TS. Nguyễn Quang Hiệp - Viện trưởng Viện Vật liệu Xây dựng; Bà Nguyễn Thị Tâm - Giám đốc Trung tâm Thiết bị môi trường và An toàn lao động; PGS.TSKH Bùi Quốc Bảo - Trường ĐH Tôn Đức Thắng; PGS.TS Lương Hồng Nga - Viện CN Sinh học và CN Thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội; PGS.TS. Lương Đức Long - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam; đại diện CTCP NeoTech Việt Nam; đại diện CTCP Tư vấn Đầu tư và Xây dựng Đất Việt Vilandco; đại diện Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam; đại diện Trường Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội; đại diện CTCP Sông Đà Cao Cường; đại diện Tổng Công ty Viglacera.
Về phía Trường Đại học Xây dựng Hà Nội có PGS.TS Phạm Xuân Anh - Phó Hiệu trưởng; TS. Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng Phòng Hợp tác Quốc tế; đại diện lãnh đạo các Khoa, Phòng, Ban cùng các thành viên trong Dự án REBUMAT.
PGS.TS Phạm Xuân Anh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHXDHN phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Phạm Xuân Anh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHXDHN cho biết, việc sử dụng quá lớn tài nguyên thiên nhiên nhằm đáp ứng các yêu cầu lớn về nguyên liệu đầu vào của ngành công nghiệp xây dựng đang đe dọa đến môi trường sinh thái, sự đa dạng sinh học và kinh tế địa phương, đây cũng là một trong những hoạt động quan trọng nhằm thực hiện hóa Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng tại Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050.
PGS.TS Phạm Xuân Anh đánh giá cao Dự án REBUMAT, xây dựng giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên, sử dụng VLXD bền vững; thúc đẩy nghiên cứu phát triển các vật liệu và phương pháp xây dựng bền vững, tiết kiệm tài nguyên và sử dụng hiệu quả năng lượng trong điều kiện khí hậu nhiệt đới ở Việt Nam. Đồng thời thông qua mạng lưới quốc tế trên cơ sở các nghiên cứu có tính liên ngành, chuyên sâu và định hướng thực hành sáng tạo, Dự án REBUMAT hướng tới việc chuyển giao các kết quả khoa học và các tiêu chuẩn vào thực tế xây dựng và quy hoạch ở các khu vực khí hậu nhiệt đới.
GS.TS Dirk Schwede - Trường Đại học Lubeck, Trưởng Nhóm dự án REBUMAT chia sẻ về các hoạt động của Nhóm dự án
Chia sẻ về các hoạt động, kết quả Nhóm dự án đã thực hiện trong 4 năm qua, GS.TS Dirk Schwede - Trường Đại học Lubeck, Trưởng nhóm dự án REBUMAT cho biết, Dự án không chỉ đơn thuần là nghiên cứu học thuật, mà có sự hợp tác, quy tụ và thu hút các nhà khoa học, nhà nghiên cứu nhằm trao đổi, thảo luận, chia sẻ các sáng kiến về VLXD bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái (vật liệu gốc sinh học, vật liệu tái chế, vật liệu xanh, …). Nhóm dự án đã lựa chọn 2 khu vực tại Miền Bắc và Miền Nam để thực hiện nhiều thử nghiệm nhiều loại VLXD với các kết cấu công trình cụ thể, nhằm đánh giá sức chống chịu trong điều kiện khắc nghiệt ở Việt Nam; Thử nghiệm các loại VLXD thông thường, VLXD truyền thống, VLXD mới, … đã mang lại nhiều kết quả tích cực.
Bên cạnh đó, Nhóm dự án còn có các hoạt động nghiên cứu về VLXD tái chế ứng dụng trong ngành Xây dựng tại Việt Nam, hướng tới sử dụng trong các công trình nhà ở công trình văn phòng và ứng dụng trong các công trình mang tính chất biểu tượng, công trình công nghiệp và dân dụng, …
Các đại biểu, khách mời tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm
Sau hội thảo sẽ có một Hội thảo trình diễn xây dựng mô hình nhà thân thiện môi trường sử dụng kiện rơm ép tại Cơ sở đào tạo thực nghiệm Hà Nam của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Đây là mô hình nhà kiện rơm ép đầu tiên tại Việt Nam, đánh dấu một sản phẩm khoa học có ý nghĩa cho việc hợp tác giữa hai Bên.
Phòng Truyền thông & Tuyển sinh