Hoạt động chung

Hội Cựu chiến binh Trường Đại học Xây dựng Hà Nội với các hoạt động kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam

Nhân dịp kỷ niệm 78 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 33 năm ngày Quốc phòng toàn dân 22 tháng 12, được sự đồng của Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Đại Học Xây dựng Hà Nội, trong các ngày 18, 19 và 20 tháng 12 năm 2022, Hội Cựu chiến binh Trường đã tổ chức đi thăm, tìm hiểu lịch sử và học học tập truyền thống tại Khu tưởng niệm anh hùng Cù Chính Lan (huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình), Khu di tích Trung đoàn 52 Tây Tiến (thành phố Mộc Châu, tỉnh Sơn La) và Di tích lịch sử Nhà tù Sơn La (thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La).

Tại Khu tưởng niệm anh hùng Cù Chính Lan, đoàn đã thắp hương tưởng nhớ người anh hùng đã một mình đuổi xe tăng Pháp, nhảy lên thành xe, ném lựu đạn vào buồng lái để tiêu diệt xe vào ngày 13 tháng 12 năm 1951, trong trận tấn công cứ điểm Giang Mỗ. Ông là một trong 7 cá nhân đầu tiên được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân của Việt Nam.

Hội CCB Trường ĐHXD Hà Nội dâng hương tưởng nhớ anh hùng Cù Chính Lan 

Hội CCB Trường ĐHXD Hà Nội chụp ảnh lưu niệm tượng đài anh hùng Cù Chính Lan

Tại khu di tích Trung đoàn 52 Tây Tiến, đoàn đã được hướng dẫn viên giới thiệu về những trang sử anh hùng nhưng cũng đầy chất hào hoa của những chiến sỹ Trung đoàn Tây Tiến:

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc,

Quân xanh màu lá dữ oai hùm.

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới,

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.

(Trích thơ Tây Tiến của Quang Dũng)

Những chiến sỹ phần lớn là học sinh, sinh viên Hà Nội, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, đã xếp bút nghiên lên đường với nhiệm vụ phối hợp với quân đội Lào bảo vệ vững chắc vùng biên giới của Tổ quốc trong kháng chiến chống Pháp.

Hội CCB Trường ĐHXD Hà Nội thăm quan Nhà truyền thống Trung đoàn Tây Tiến

Hội CCB Trường ĐHXD Hà Nội thắp hương tưởng nhớ các chiến sỹ Trung đoàn Tây Tiến

Tại di tích lịch sử Nhà tù Sơn La, đoàn đã được hướng dẫn viên giới thiệu về những chiến tích kiên trung và có cả hy sinh của những chiến sỹ cộng sản trong giai đoạn 1930-1945 tại nơi được mệnh danh là “địa ngục trần gian” của thực dân Pháp. Đoàn cũng đã được sống lại với những cuộc vượt ngục, những cuộc đấu tranh tuyệt thực của các chiến sỹ, mà tiêu biểu là các đồng chí Tô Hiệu, Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Văn Tiến Dũng, Lê Đức Thọ, Nguyễn Văn Trân, Lê Thanh Nghị, Trần Quốc Hoàn,...

Hội CCB Trường ĐHXD Hà Nội nghe thuyết minh về cuộc đấu tranh kiên trung của các chiến sỹ Cộng sản tại Nhà tù Sơn La

Hội CCB Trường ĐHXD Hà Nội thăm các buồng giam của Nhà tù Sơn La

Trong chuyến đi này, Hội Cựu chiến binh cũng đã tổ chức buổi sinh hoạt thường kỳ. Trong buổi sinh hoạt, thầy Nguyễn Văn Bảo, Chủ tịch Hội, đã tổng kết các hoạt động trong năm của Hội. Đáng chú ý, mặc dù các hội viên phần lớn là các thầy cô đã về hưu hoặc thỉnh giảng, nhưng vẫn tham gia tích cực các hoạt động của Trường, thực hiện nhiều đề tài KHCN cấp Trường, cấp Bộ và có nhiều các công bố khoa học quốc tế. Thầy Hoàng Văn Tần, nguyên chủ tịch Hội đã trao kỷ niệm chương của Hội Cựu chiến binh Thành phố Hà Nội cho các thầy Nguyễn Văn Bảo, Nguyễn Chí Phú, Phạm Đình Sùng và Trương Đức Cường.

Thầy Hoàng Văn Tần, nguyên chủ tịch Hội Cựu chiến binh Trường, trao kỷ niệm chương của Hội Cựu chiến binh Thành phố Hà Nội cho các hội viên.

Trong suốt chuyến đi, các thầy cô hội viên còn được nghe những câu chuyện sôi nổi của thầy Doãn Tam Hòe, hội viên lớn tuổi nhất của đoàn, những câu chuyện thú vị về những địa danh nổi tiếng Việt Nam của thầy Phan Văn Thảo, cùng nhiều câu chuyện vui tươi hóm hỉnh của các thầy cô khác. Các thầy cô hội viên cũng được sống lại những phút giây hào hùng của bộ đội cụ Hồ trong những trận đánh ác liệt nơi thành cổ Quảng Trị 1972 mà thầy Hoàng Văn Tần, một chiến sỹ - nhân chứng sống đã trải qua. Cả đoàn cũng xúc động với những câu chuyện đầy bi hùng của các chiến sỹ Trung đoàn 207 mà phần lớn là sinh viên trường Đại học Xây dựng Hà Nội, trong trận Đá Biên (Long An) 1973, của thầy Nguyễn Mạnh Tiến, một trong số các chiến sỹ của Trung đoàn 207 tham gia trận đánh.

Qua chuyến tham quan, các thầy cô hội viên đã sống lại không khí chiến đấu, rèn luyện gian khổ mà hào hùng của một thời bộ đội cụ Hồ, đã có những phút giây chia sẻ về những kỷ niệm thời quân ngũ và cả những vui buồn trong cuộc sống. Khi chia tay, ai cũng thấy dường như thời gian của chuyến đi quá ngắn, và còn thêm lưu luyến với bài thơ “Sơn La”, một sáng tác ngẫu hứng của thầy Trịnh Quốc Thắng:

SƠN LA

Để lại đằng sau chói chang mùa hạ

Một mình tôi lên với Sơn La

Đâu rồi những đoàn quân Tây Tiến

Hương nếp nương vương vấn sân nhà

Ngàn thước lên cao trời trở lạnh

Thảo nguyên xanh ngút ngát chè xanh

Mộc châu dịu dàng và tươi tắn

Ngực nở mênh mang những núi đồi

Ngàn thước xuống lạc vào thung lũng

Nhà sàn chìm trong sương bao la

Lúa chín vàng giữa lòng thị xã

Cơn mưa chiều làm nhòa đường xa

Để sáng nay dạo bước Sơn La

Đảo vẫn xanh biển hầm giam Tô Hiệu

Ngục tù không thể nào khuất phục

Những người con anh dũng kiên cường

Một chút rừng mà để nhớ để thương

Đường đèo dốc cũng đặt tên đường phố

Mường La thuỷ điện công trường lớn

Chinh phục Sông Đà để tải điện về xuôi

Nào mờ ô xòe em gái Thái ơi

Rừng núi nghiêng nghiêng cho anh vào hội

Hoa ban nở trắng rừng biên giới

Sơn La gần

Sơn La xa xôi.

Nguồn: Hội CCB Trường ĐHXD Hà Nội