Hoạt động chung

Hành quân về cội nguồn

Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2019), 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2019), 30 năm Ngày thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam (6/12/1989 - 6/12/2019) và 20 năm Ngày thành lập Hội Cựu chiến binh Trường Đại học Xây dựng (15/12/1999 - 15/12/2019), từ ngày 10 đến ngày 12/01/2020, Hội Cựu chiến binh cùng kết hợp Khoa Giáo dục quốc phòng, Trường Đại học Xây dựng đã tổ chức cuộc hành trình “Hành quân về cội nguồn”.

Tham gia chuyến đi có gần 30 người, bao gồm các thế hệ cựu chiến binh Trường Đại học Xây dựng từ thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thời bảo vệ Biên giới, chống quân Trung Quốc xâm lược. Tham gia đoàn còn có các giảng viên Khoa Giáo dục quốc phòng, Trường Đại học Xây dựng, ngoài ra, còn có đại diện Phòng Y tế và đặc biệt, có sự tham gia của một số “đồng chí” tự nguyện tìm hiểu cội nguồn Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Hành trình đoàn đi từ Khu di tích Pác Bó - khu di tích lịch sử cách mạng quốc gia đặc biệt của Việt Nam, thuộc bản Pác Bó xã Trường Hà, huyện Hà Quảng tỉnh Cao Bằng tới Mộ Kim Đồng, tại làng Nà Mạ, xã Trường Hà. Tiếp đó, Đoàn qua Đường Hồ Chí Minh về Rừng Trần Hưng Đạo, thuộc hai xã Tam Kim, Hoa Thám, huyện Nguyên Bình, Cao Bằng nằm ở phía Tây Nam, cách thành phố Cao Bằng khoảng 50km.

Trên đường đi Đoàn còn rẽ tới thăm Thác Bản Giốc, thác nước được coi đẹp nhất Việt Nam, là thác nước tự nhiên lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đồng thời là thác lớn thứ tư trên thế giới trong số các thác nằm ở biên giới các quốc gia, tại biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, thuộc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.

Trong tiết trời se lạnh cuối đông, Hội Cựu chiến binh cùng Đoàn tham quan Trường Đại học Xây dựng bồi hồi tưởng nhớ tới Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam và Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng tư lệnh, người anh cả của Quân đội ta.

Đứng trước các di tích sống trong Khu Pác Bó, các thành viên đoàn không khỏi xúc động nhớ đến những câu thơ tức cảnh của Bác với tinh thần lạc quan cách mạng của người chiến sĩ vĩ đại trong hoàn cảnh hoạt động bí mật, khó khăn và đầy gian khổ:

“Sáng ra bờ suối, tối vào hang

Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng

Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng

Cuộc đời cách mạng thật là sang”.

Bảy mươi lăm năm đã đi qua nhưng hình bóng Bác Hồ vẫn như hiển hiện trên mỗi điểm dừng chân của từng người đến dâng hương, thăm viếng di tích. Mỗi thành viên đoàn như được trở về với những tháng ngày đầu của cuộc Cách mạng vĩ đại giải phóng Dân tộc, mở ra một trang sử mới cho Đất nước ta, giành lại độc lập, tự do sau gần 100 năm nô lệ dưới ách thống trị của thực dân Pháp. Cuộc cách mạng ấy còn có ý nghĩa vô cùng to lớn, giáo đầu cho các cuộc cách mạng giải phóng các dân tộc thuộc địa trên phạm vi toàn thế giới.

Hành trình đoàn về Khu di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo là nơi ghi dấu sự thành lập và hoạt động của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là nơi gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bâng khuâng dưới tán rừng thiêng Trần Hưng Đạo, khu rừng được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, nơi từng diễn ra sự kiện thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam vào ngày 22 tháng 12 năm 1944, các thành viên đoàn tham quan Trường Đại học Xây dựng ghi nhớ công ơn của đại tướng Võ Nguyên Giáp và các bậc cha anh, càng thấu hiểu thêm sức mạnh của quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng, sức mạnh quân sự của Dân tộc Việt Nam qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước nói chung.

Chuyến Hành quân về cội nguồn đầy ý nghĩa và cũng rất vui, cả Đoàn như được hóa thân thành các anh Bộ đội Cụ Hồ đang trên đường hoạt động cách mạng, tại mảnh đất cách mạng năm nao, nhưng nay không còn phải hoạt động bí mật trong vòng vây kìm kẹp của kẻ thù. Suốt chặng đường đi, anh em hát vang những ca khúc cách mạng qua hệ thống “tăng âm” mà không phải sợ mật thám và chỉ điểm rình rập. 

Chuyến đi do Hội Cựu chiến binh và Khoa Quân sự Đại học Xây dựng tổ chức mang đậm chất lính, đầy tình nghĩa và đã kết thúc tốt đẹp. Qua chuyến đi, mọi người hiểu thêm về cội nguồn cách mạng Dân tộc, đồng thời, càng thêm tự hào về truyền thống vẻ vang, bất khuất của Quân đội nhân dân Việt Nam./.

Trần Đình Thỏa - Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, ĐHXD