Hoạt động chung

Cuộc gặp gỡ của những cây đại thụ

Chiều ngày 07/6/2018, đã có một cuộc gặp ấm áp, cảm động tại tư gia nhà giáo Lê Tâm - Trưởng khoa Xây dựng đầu tiên. Giáo sư Lê Tâm tên thật là Nguyễn Hy Hiền, sinh trong một gia đình đại nho xứ Huế (Niêm Phò, Quảng Điền, Huế). Ông học rất giỏi tại trường Khải Định, đỗ đầu hai bằng tú tài II - một bằng tú tài Toán và một bằng tú tài Triết học (Bac Math và Bac Philo) và ông đã giành suất học bổng duy nhất trong năm cho học sinh xuất sắc nhất trong cả ba kỳ Bắc, Trung, Nam, sang Pháp du học. Tại Paris, ông có những người bạn thân, gồm: Phạm Quang Lễ (tức Trần Ðại Nghĩa), Trần Hữu Tước, Nguyễn Khắc Viện, Phạm Huy Thông, Lê Văn Thiêm. Và cũng chính tại Paris, ông đã đọc được các tài liệu về hoả tiễn V1,V2… của Đức để sau này về Nam Bộ làm ra súng SS (súng  rừng Sác) tương tự như bazoka hay SKZ của ông Trần Đại Nghĩa ở Việt Bắc.

Thầy Lê Tâm - Trưởng khoa Xây dựng đầu tiên

Khi phái đoàn của chính phủ Việt Nam sang dự hội nghị Fontainebleau, thầy có ý định về nước phục vụ kháng chiến, nên đã được thủ tướng Phạm Văn Đồng viết thư giới thiệu đặc biệt về gặp các đồng chí lãnh đạo trong Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ. Chính giai đoạn này, thầy phải đổi tên là Lê Tâm để không ảnh hưởng đến anh em, họ hàng còn sống trong vùng tạm chiếm.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, nhóm trí thức trẻ đầy tài năng và nhiệt huyết, người trước người sau, đều giã từ Paris hoa lệ, trở về nước "bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng" với đồng bào, đồng chí trong cuộc chiến đấu đầy gian khó của cả dân tộc. Thầy không về cùng đợt với ông Trần Đại Nghĩa, vì thầy được Thủ tướng Phạm Văn Đồng cử sang Ý để nghiên cứu cách trị thuỷ sông Pô...

 
Kỹ sư, Đại tá Lê Tâm (ngồi giữa, áo sơ mi mầu sáng) cùng Trung tướng Nguyễn Bình (ngồi bên phải, đeo kính đen)

 

Do đi lại khó khăn, thầy ở lại chiến khu Nam bộ và vào năm 1949 thành  một trong bảy sĩ quan đầu tiên ở Nam Bộ được phong quân hàm đại tá. Ông được giao nhiệm vụ phụ trách xưởng quân giới của Bộ tư lệnh Nam Bộ với quân số đông đến hàng nghìn người và trong điều kiện khó khăn, gian khổ đó, ông cũng vẫn chế tạo thành công súng SS, nghĩa là "súng Rừng Sác". Đây là một loại súng có sức công phá bằng cỗ đại bác nặng hàng tấn thép, nhưng chỉ nhẹ khoảng 5-10 kg để anh vệ quốc có thể vác trên vai, dùng đạn lõm. Loại súng này không đòi hỏi thuốc đẩy tốt như thuốc con bài, mà có thể dùng thuốc đẩy thông thường của súng cối. Viên đạn lõm to hơn nòng súng, chỉ có chuôi đạn nằm trong nòng. Thuốc đẩy viên đạn bay ra phía trước và, cùng một lúc, đẩy khối lùi (có thể tiện bằng gỗ) bay lại phía sau, do đó triệt tiêu lực giật. Theo tài liệu của Pháp thì tất cả các súng SS đều có thể phá huỷ được xe tăng và tàu thuỷ. Về nguyên lý các đạn SS giống như đạn bazooka, nhưng trong Nam thiếu thốn hơn ở ngoài Bắc, không có được nhiều thuốc đẩy (propulsif), nên kỹ sư Lê Tâm phải dùng nguyên lý phản lực của khối lùi (masse reculante) – “Ở  đây, tôi dùng gỗ và gang cho rẻ tiền...” (kỹ sư Lê Tâm cho biết).

 
Một số loại SS được trưng bày tại Bảo tàng Lực lượng vũ trang Quân khu 7 TP.HCM
(Ảnh kỹ sư Lê Tâm ở phía sau)

Năm 1952, được Trung ương điều động, thầy đi bộ một mạch sáu tháng rưỡi từ Nam Bộ ra Việt Bắc, "tháp tùng" đồng chí Lê Duẩn,  tham gia chỉ đạo mở đường, chuẩn bị cho Chiến dịch Ðiện Biên Phủ (làm một trong hai con đường đảm bảo cho xe tải đi từ biên giới Việt Trung).

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, ông được điều về Hà Nội giữ chức Phó cục trưởng Cục Kỹ thuật đường sắt tham gia chỉ đạo phục hồi các tuyến đường Hà Nội - Mục Nam Quan,  Hà Nội - Vinh, rồi làm chủ nhiệm Khoa Xây dựng trường ĐHBK HN, rồi cục trưởng Cục đo lường, Ủy viên Ủy ban KHKT Nhà nước (Nay là Bộ KHCN), tổng biên tập tạp chí Hoạt động khoa học, v.v

 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trò chuyện thân mật với GS Nguyễn Xiển (phải) và KS Lê Tâm (giữa)

Năm 1996, ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 về công trình "Một số vũ khí đặc biệt trong kháng chiến chống Pháp (1945-1954)" trong đó có vũ khí SS do ông và đồng đội sáng chế từ trong rừng Sác.
Ngay từ những ngày đầu thành lập trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, ông đã giữ chức Chủ nhiệm Khoa Xây dựng, Phó chủ nhiệm Khoa lúc này là thầy Nguyễn Sanh Dạn – sau thầy là Hiệu trưởng đầu tiên của trường Đại học Xây dựng.

Trên đây là những dòng sơ lược để chúng ta có thể hình dung và nhìn lại về tiểu sử của thầy Lê Tâm.

Nhờ sự kết nối của Cô Nguyễn Phương Nhã (Phu nhân của Giáo sư Đỗ Quốc Sam), PGS.TS Phạm Duy Hòa - Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng đã thu xếp và tổ chức được cuộc hội ngộ nhỏ nhưng ấm áp, chân tình này ngay tại nhà thầy, xen kẽ giữa lịch công tác và lịch cá nhân của đồng nghiệp, học trò, nay đã rất lớn tuổi. 

Cuộc gặp gỡ hôm nay gồm có cô Nguyễn Phương Nhã, GS. TSKH Nguyễn Như Khải, nguyên Hiệu trưởng trường ĐHXD, GS. TS Ngô Thế Phong, GS. Viện sĩ Đặng Hữu và phu nhân, cô Chu Anh Đào, TS. Phạm Sỹ Liêm - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, và thế hệ học trò kế tiếp, thay mặt cho thế hệ những người đương thời, PGS. TS Phạm Duy Hòa, Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng. 

 
Từ trái qua phải: 1. Cô Chu Anh Đào, phu nhân GS. Đặng Hữu, 81 tuổi. 2. Cô Phương Nhã - phu nhân GS. Đỗ Quốc Sam, 82 tuổi. 3. PGS. TS Phạm Duy Hòa; 4. GS. TSKH Nguyễn Như Khải , 80 tuổi. 5. GS. TS Ngô Thế Phong, 80 tuổi; TS. Phạm Sỹ Liêm 87 tuổi, ; Thầy Lê Tâm - 99 tuổi; GS. Viện sĩ Đặng Hữu, 88 tuổi

Cuộc gặp thật ấm áp và tràn đầy những kỷ niệm, cuộc gặp của đồng nghiệp, của thầy và trò sau đúng mốc 60 năm. Thầy cũng đã yếu, trò cũng đã mang đầy dấu ấn thời gian, tuổi cũng đã hơn 80, đau xương khớp, lãng tai, vậy mà vẫn chứa đầy ân tình, kỷ niệm. 

GS.TSKH Nguyễn Như Khải – CSV khóa 1, nguyên Hiệu trưởng trường ĐHXD, đã 80 tuổi, mái tóc bạc trắng, nắm chặt lấy tay thầy giọng rưng rưng :"Bác ơi, bác có nhận ra cháu không ạ, cháu Khải đây ạ" (Thầy Lê Tâm là đồng nghiệp với thân sinh của thầy Nguyễn Như Khải). Và thầy Lê Tâm, đã sang tuổi 99, không còn sức khỏe, khó di chuyển nhưng vẫn nhận ra được từng gương mặt trò "cưng" năm xưa, giọng nhỏ nhẹ, ánh mắt như cười cười: "Đây là Ngô Thế... Phong, đây là Anh Đào"...và thầy kể lại những câu chuyện còn nhớ, với những lời đùa vẫn hết sức dí dỏm, khuôn mặt thầy hiền hậu, ánh mắt vẫn tinh anh.

 
               GS.TSKH Nguyễn Như Khải xúc động khi gặp lại thầy

Cuộc gặp tưởng như không ai muốn chia tay, mong rằng thầy sẽ vẫn mãi khỏe, sống vui cùng con cháu, đồng nghiệp, học trò. Và cuộc gặp này sẽ là khởi đầu cho những cuộc gặp tiếp theo, của rất rất nhiều những cây đại thụ của trường Xây dựng.

Mỹ Lan - Phòng TT&TT