Khoa Kỹ thuật môi trường

1. Giới thiệu
PineappleCán bộ giảng viên khoa Kỹ thuật môi trường

Khoa Kỹ thuật Môi trường là một trong mười hai khoa chuyên ngành của Trường Đại học Xây dựng. Cùng với lịch sử ra đời và phát triển của Trư­ờng Đại học Xây dựng Hà Nội, các ngành/chuyên ngành cơ bản (Cấp thoát nước và Thông gió cấp nhiệt) của Khoa Kỹ thuật Môi trường ngày nay được hình thành từ những ngày đầu thành lập Trư­ờng Đại học Xây dựng Hà Nội vào năm 1966. Năm 1971, các bộ môn đào tạo về Cấp thoát nước và Thông gió cấp nhiệt kết hợp với bộ môn Vật liệu xây dựng hình thành nên Khoa Vật liệu xây dựng và Kỹ thuật vệ sinh.

Năm 1989, đứng trước yêu cầu đổi mới của đất nước, cần thiết phải đào tạo một lực lượng lớn kỹ sư, thạc sỹ và tiến sỹ trong lĩnh vực môi trường, ngành Cấp thoát nước và Thông gió cấp nhiệt đã tách khỏi Khoa Vật liệu xây dựng và Kỹ thuật vệ sinh để thành lập Khoa Kỹ thuật Môi trường. Đây là Khoa Kỹ thuật Môi trường đầu tiên trong hệ thống các trường đại học kỹ thuật ở Việt Nam, gồm có 3 bộ môn: (1) Cấp thoát nước, (2) Vi khí hậu công trình (này là Bộ môn Vi khí hậu và Môi trường xây dựng), (3) Nhiệt kỹ thuật (nay là Bộ môn Năng lượng và Môi trường). Đến năm 2001, Khoa Kỹ thuật Môi trường có thêm (4) Bộ môn Công nghệ và Quản lý Môi trường và ngành đào tạo mới là Môi trường Đô thị và Khu công nghiệp (nay là ngành Công nghệ Kỹ thuật Môi trường) được bắt đầu tuyển sinh từ khóa 46 của Trư­ờng Đại học Xây dựng. Năm 2019, đứng trước xu hướng chung và yêu cầu đổi mới chương trình đào tạo đại học của Trư­ờng Đại học Xây dựng, Khoa Kỹ thuật Môi trường đã thực hiện xây dựng và đưa vào tuyển sinh thêm một ngành đào tạo mới - ngành Kỹ thuật Môi trường, là ngành đào tạo trình độ đại học mới theo phương pháp tiếp cận CDIO (viết tắt của các từ tiếng Anh: Conceive – Design – Implement - Operate) tiên tiến đáp ứng chuẩn quốc tế nhằm trang bị cho sinh viên nền tảng kiến thức vững chắc về khoa học tự nhiên và kỹ thuật, và khả năng hình thành ý tưởng - thiết kế ý tưởng - thực hiện - vận hành các hệ thống xử lý và kiểm soát ô nhiễm môi trường, hạ tầng kỹ thuật môi trường.

Trải qua hơn 60 năm đào tạo và hơn 30 năm thành lập, Khoa Kỹ thuật Môi trường đã có sự trưởng thành đáng kể về số lượng và chất lượng, trở thành đơn vị mạnh của trường về đào tạo các ngành/chuyên ngành, các bậc học từ đại học đến thạc sỹ, tiến sỹ, và nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng và kỹ thuật môi trường, khoa học và quản lý môi trường, phát triển bền vững. Các cựu sinh viên, học viên của Khoa Kỹ thuật Môi trường, nhiều người đang giữ trọng trách ở các cơ quan lãnh đạo Đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương, ở các  tập đoàn kinh tế, tổng công ty, công ty, tổ chức… Hiện nay, Khoa Kỹ thuật Môi trường có 48 cán bộ viên chức, trong đó có: 02 Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo ưu tú, 10 Giáo sư và Phó giáo sư, 40 Tiến sỹ, Thạc sỹ và giảng viên.

+ Sơ đồ cơ cấu tổ chức:

+ Lãnh đạo đơn vị:

 

Trưởng Khoa

PGS. TS. Trần Thị Việt Nga

 

Phó Trưởng khoa

PGS.TS Nguyễn Đức Lượng

 

Phó Trưởng khoa

ThS. GVC. Nguyễn Thành Trung

+ Văn phòng Khoa Kỹ thuật Môi trường

 

Trợ lý giáo vụ

KTS. Trần Ngọc Minh

 

Trợ lý văn phòng

CN. Nguyễn Thị Hồng Yến

+ Các Bộ môn trực thuộc Khoa Kỹ thuật Môi trường

(1). Bộ môn Cấp thoát nước: Trưởng Bộ môn GS. TS. Nguyễn Việt Anh

(2). Bộ môn Vi khí hậu – Môi trường Xây dựng: Trưởng Bộ môn PGS. TS. Trần Ngọc Quang

(3). Bộ môn Công nghệ và Quản lý Môi trường: Trưởng Bộ môn PGS. TS. Lều Thọ Bách

(4). Bộ môn Năng lượng và Môi trường: Trưởng Bộ môn ThS. GVC. Nguyễn Thành Trung

  • Đào tạo đại học

    Khoa Kỹ thuật môi trường phụ trách 04 ngành/chuyên ngành đào tạo bao gồm:

  • Ngành Kỹ thuật Môi trường
  • Ngành Kỹ thuật Cấp thoát nước (Chuyên ngành Kỹ thuật nước – Môi trường nước)
  • Ngành Kỹ thuật xây dựng (Chuyên ngành Hệ thống Kỹ thuật trong Công trình)
  • Ngành Công nghệ Kỹ thuật Môi trường (Chuyên ngành Kỹ thuật Môi trường Đô thị)
  • Đào tạo sau đại học

  • Đào tạo Thạc sỹ bao gồm các ngành/chuyên ngành:
    • Ngành Kỹ thuật Cơ sở Hạ tầng (chuyên ngành Cấp thoát nước)
    • Ngành Kỹ thuật Môi trường
  • Đào tạo Tiến sỹ bao gồm các ngành/chuyên ngành:
    • Chuyên ngành Cấp thoát nước (ngành Kỹ thuật cơ sở hạ tầng)
    • Chuyên ngành Công nghệ Môi trường nước và nước thải (ngành Kỹ thuật Môi trường)
    • Chuyên ngành Công nghệ Môi trường Không khí (ngành Kỹ thuật Môi trường)
    • Chuyên ngành Công nghệ Môi trường Chất thải rắn (ngành Kỹ thuật Môi trường)

Các Bộ môn chuyên ngành của Khoa Kỹ thuật Môi trường luôn thấm nhuần và lấy nhu cầu xã hội làm kim chỉ nam cho hoạt động đào tạo của mình. Được trang bị các kiến thức chuyên ngành một cách tổng hợp và được tôi luyện liên tục qua các đồ án môn học và đặc biệt là đồ án tốt nghiệp, sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành, ngành đào tạo của Khoa Kỹ thuật Môi trường luôn có thể tìm được các công việc phù hợp chuyên môn với mức lương khởi điểm hấp dẫn sau khi ra trường.

Khoa Kỹ thuật Môi trường là một trong những đơn vị mạnh của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội về nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng và kỹ thuật môi trường, khoa học và quản lý môi trường, phát triển bền vững. Trong những năm qua, các cán bộ giảng viên của Khoa đã chủ trì và tham gia nhiều dự án, đề tài KHCN các cấp (Nghị định thư, Nhà nước, Bộ ngành, tỉnh/thành phố, cơ sở), dự án hợp tác quốc tế cũng như xây dựng mạng lưới hợp tác nghiên cứu khoa học với nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức trong nước và quốc tế. Khoa Kỹ thuật Môi trường cũng là một trong những đơn vị trong Trường Đại học Xây dựng có số lượng công bố khoa học quốc tế nhiều nhất trong những năm qua. 

Nhiều cán bộ giảng viên của Khoa Kỹ thuật Môi trường là các chuyên gia hàng đầu ở Việt Nam trong một số lĩnh vực chuyên môn như xử lý nước và nước thải; quản lý tài nguyên nước; xử lý và quản lý chất thải rắn; xử lý khí thải và quản lý chất lượng không khí; công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Thông qua việc triển khai thực hiện các dự án, đề tài KHCN, nhiều thế hệ cán bộ giảng viên của Khoa Kỹ thuật Môi trường đã đóng góp đắc lực, hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Một số lĩnh vực hoạt động chính của cán bộ giảng viên của Khoa Kỹ thuật Môi trường bao gồm:

  • Các giải pháp công nghệ, kỹ thuật kiểm soát ô nhiễm môi trường (đất, nước, không khí, chất thải);
  • Khoa học và chính sách quản lý môi trường (đất, nước, không khí, chất thải) và tài nguyên;
  • Sức khỏe môi trường;
  • Tăng trưởng xanh, tăng trưởng cacbon thấp, kinh tế tuần hoàn, thu hồi và sử dụng tài nguyên hiệu quả, bền vững;
  • Thích ứng và giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu, giảm thiểu phát thải khí nhà kính cho các ngành, lĩnh vực;
  • Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, năng lượng tái tạo; công trình xanh;
  • Thành phố bền vững và thành phố thông minh.

Sinh viên tham gia buổi giới thiệu Chương trình trao đổi sinh viên Sakura với các trường đại học Nhật Bản

Lễ trao học bổng của Công ty Phú Điền

Sinh viên tham gia khóa học mùa hè ở Nhật Bản – Chương trình của Công ty JEF

Sinh viên đi tham quan, thực tế tại Nhà máy Xử lý nước thải Yên Sở

Biểu diễn văn nghệ của sinh viên Khoa Kỹ thuật Môi trường

Lễ kỉ niệm “Ra trường – Mùa nhớ”

Ngày hội hiến máu “Giọt hồng Xây dựng”

Hoạt động Sinh viên tình nguyện

Hoạt động Sinh viên nghiên cứu khoa học

Hoạt động thể thao sinh viên

Sinh viên K60 Khoa Kỹ thuật Môi trường